Thứ 7, 16/11/2024, 05:53[GMT+7]

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016

Thứ 2, 27/03/2017 | 18:08:22
2,475 lượt xem
Chiều ngày 27/3, Đoàn Giám sát của Quốc hội “về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016” làm việc với UBND tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng đoàn Giám sát, Trưởng đoàn công tác chủ trì cuộc làm việc.

Đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng đoàn Giám sát, Trưởng đoàn công tác chủ trì cuộc làm việc. 

Tham gia Đoàn Giám sát còn có các đồng chí đại diện Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Đối ngoại; Ủy ban Tài chính, ngân sách; Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, các vụ của Quốc hội; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Cà Mau, Kon Tum.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng tiếp và làm việc với Đoàn còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện các ban, ngành, một số huyện và đại diện Công ty Cổ phần TASCO. 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự cuộc làm việc.

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã báo cáo tổng hợp một số ý kiến bước đầu của Đoàn công tác về báo cáo cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 của tỉnh Thái Bình. 

Báo cáo đánh giá: Thời gian qua, Thái Bình đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương. Từ năm 2011 đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành 2 kế hoạch, UBND tỉnh ban hành 3 kế hoạch, 70 quyết định, 1 chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, vị trí việc làm, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn… bảo đảm kịp thời, đúng pháp luật.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đã khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, không hình thành khâu trung gian, không để xảy ra trường hợp lạm quyền trong thực hiện nhiệm vụ. 

Việc sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính của UBND các cấp cũng được thực hiện tốt. Đến nay, cơ cấu tổ chức của UBND tỉnh được rà soát, sắp xếp lại bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm được 16 đơn vị. Qua 3 năm, toàn tỉnh đã giảm được 727 biên chế, trong đó có 72 công chức và 655 biên chế sự nghiệp; Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện chủ trương, pháp luật về cải cách bộ máy được duy trì thường xuyên, kịp thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương.

Để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong thời gian tới, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề án và các giải pháp cụ thể; đồng thời đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu qui hoạch bộ máy nhà nước bảo đảm đồng bộ, ổn định và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý hơn…

Trả lời câu hỏi của các thành viên Đoàn Giám sát về những băn khoăn, hạn chế trong công tác thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương, các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Giám đốc Sở Nội Vụ đã trả lời làm rõ một số nội dung về công tác tuyển chọn, sử dụng, quản lý cán bộ. 

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến và giải trình một số nội dung Đoàn Giám sát quan tâm như: Tính chủ động và trách nhiệm của người đứng đầu một số sở, ngành, đơn vị; việc thực hiện tinh giản biên chế đến năm 2021, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng vị trí việc làm; tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương; cải cách thủ tục hành chính; việc phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm cho địa phương và công tác xã hội hóa trong lĩnh vực công trên địa bàn tỉnh. 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn Đoàn Giám sát của Quốc hội đã chỉ ra những hạn chế để Thái Bình rút kinh nghiệm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương trong thời gian tới.

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Trần Văn Túy, Trưởng đoàn công tác khẳng định, Đoàn đã nhận được nhiều thông tin, nhất là những kinh nghiệm và nêu rõ nguyên nhân hạn chế trong thực hiện chính sách cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ thực tiễn ở Thái Bình có tính chất pháp lý cao. Đây sẽ là nội dung, cơ sở quan trọng để Đoàn báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức chức bộ máy hành chính nhà nước. 

Đồng chí Trưởng Đoàn Giám sát chúc Thái Bình tiếp tục phấn đấu trở thành đơn vị điển hình, gương mẫu về mọi mặt như Bác Hồ hằng mong muốn.

Trước đó, vào sáng ngày 27/3, Đoàn Giám sát của Quốc hội “về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016” đã có buổi làm việc với các huyện Kiến Xương, Tiền Hải và Vũ Thư tại UBND huyện Kiến Xương.

Khắc Duẩn