Chủ nhật, 17/11/2024, 11:49[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất: “Phương thuốc vàng” tạo sinh khí trên cánh đồng (Bài 2)

Thứ 2, 03/04/2017 | 09:07:51
1,711 lượt xem
Thời gian qua, mặc dù việc tích tụ ruộng đất đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận song đến nay có thể nói quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững, ổn định, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Tích tụ ruộng đất tại xã Tây Giang (Tiền Hải) giúp đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp.

(Tiếp theo kỳ trước)

Bài 2: Chưa xứng với tiềm năng, lợi thế

Thái Bình có truyền thống thâm canh nông nghiệp phát triển. Năm 1966, giữa mưa bom bão đạn, nông dân Thái Bình anh dũng kiên cường làm nên “lịch sử” đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Phát huy truyền thống thâm canh, đến nay, năng suất lúa bình quân trong tỉnh đạt hơn 13 tấn/ha, sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn. Giá trị sản xuất bình quân trên một héc-ta canh tác tăng từ 86,8 triệu đồng năm 2010 lên khoảng 150 - 200 triệu đồng năm 2016. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng cả năm toàn tỉnh đạt hơn 225.000ha, trong đó diện tích lúa hơn 160.000ha, cây rau màu hơn 65.000ha. Cùng với đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, 100% địa phương trong tỉnh đã hoàn thành dồn điền đổi thửa. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng cơ bản thuận lợi cho phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đến hết năm 2016, vụ xuân toàn tỉnh có 125 cánh đồng lớn với diện tích 6.210ha, trong đó 84 cánh đồng có hợp đồng bao tiêu sản phẩm; vụ mùa, vụ đông có 137 cánh đồng lớn với diện tích gần 6.000ha, trong đó 78 cánh đồng có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Với nhiều lợi thế và đã đạt được những kết quả nhất định, song thực trạng phát triển trồng trọt trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. 

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ruộng đất tuy đã được dồn điền đổi thửa nhưng vẫn còn manh mún. 98% nông hộ có quy mô nhỏ hơn 0,5ha nên thu nhập từ sản xuất chiếm tỷ trọng thấp. Chất lượng các mặt hàng nông sản không đồng đều chưa tạo được thương hiệu. Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người sản xuất, giữa sản xuất và tiêu thụ, chế biến nông sản. Có thể lấy ví dụ ở Quỳnh Phụ: Xác định nông nghiệp là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế, huyện chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng như giao thông nội đồng, cứng hóa kênh mương, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp… Từ đó thúc đẩy hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như mô hình trồng cà rốt ở Quỳnh Hoàng, trồng dược liệu ở Quỳnh Hoa…, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường. Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững; sản xuất hàng hóa quy mô lớn tiến triển chậm; các vùng chuyên canh hiệu quả cao còn ít.

Không chỉ hạn chế trong tích tụ ruộng đất, chất lượng sản phẩm… mà việc tiêu thụ sản phẩm cũng là vấn đề cần sớm được quan tâm giải quyết. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 4.500 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 138 doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản và hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số đó có 9 công ty, doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất, còn lại chủ yếu là nông dân tự đứng ra thuê, mượn hoặc mua lại quyền sử dụng đất để sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, góp phần giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Tuy vậy, tỷ lệ diện tích được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân. 

Tại Đông Phương (Đông Hưng), HTX SXKD DVNN xã đứng ra tổ chức liên kết sản xuất giữa Công ty TNHH Liên Hạnh và nông dân gieo trồng lúa Hoa ưu 109, BC26 trên diện tích 60ha với 262 hộ tham gia. Ngoài ra, HTX còn cho Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất nhập khẩu Hải Dương thuê đất trồng mướp đắng và bí xanh để xuất khẩu sang Hàn Quốc; Công ty Nông nghiệp Thông Minh (Hà Nội) trồng 4,4ha ớt xuất khẩu. Đã có những thành công, hiệu quả bước đầu, thế nhưng hiện nay các mô hình liên kết vẫn còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả và chưa thực sự bền vững.

Cũng theo ông Dương, một hạn chế nữa đó là lao động làm nông nghiệp hiện nay chủ yếu từ 54 tuổi trở lên, lao động trẻ phần lớn đi làm việc tại các công ty, khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tuy có sự liên kết giữa “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, song vai trò “nhạc trưởng” là doanh nghiệp còn chưa rõ nét, nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại khi đầu tư vào nông nghiệp. 

Theo ông Đặng Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương, do thời hạn thuê đất không dài, không ổn định nên hạn chế trong việc doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, sản phẩm chưa tạo được thương hiệu, không có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nên việc tiêu thụ bấp bênh, giá trị sản phẩm thấp, người nông dân chưa yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng hóa có ứng dụng công nghệ cao. Công tác xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện chưa hiệu quả. Tư duy của một bộ phận  cán bộ quản lý và nông dân chậm đổi mới, gây khó khăn cho doanh nghiệp thuê đất để phát triển sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ cũng như nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu đã làm hạn chế sự phát triển của ngành trồng trọt trong thời gian qua. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Hưng Hà mới có 20 địa phương đưa ra dự kiến tích tụ ruộng đất đến năm 2020 với khoảng 1.400ha. Có 5 xã, thị trấn báo cáo đến tháng 9/2016 không có các hộ tham gia tích tụ ruộng đất; 10 xã, thị trấn báo cáo đến năm 2020 và những năm tiếp theo không có cá nhân tổ chức có kế hoạch tích tụ ruộng đất. Nguyên nhân chính là do nhiều địa phương chưa đánh giá hết được xu thế phát triển của ngành Nông nghiệp cũng như quá trình tích tụ ruộng đất đang diễn ra nên không dự kiến, đưa ra được kế hoạch, quy hoạch cho quá trình tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn.

(còn nữa)

Mai Thư -Mạnh Thắng - Phan Lợi


Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ


Việc tích tụ đất nông nghiệp ở Quỳnh Phụ vẫn còn khó khăn vì nhiều lý do, trong đó một bộ phận khá lớn người dân được giao quyền sử dụng ruộng đất hiện không có nhu cầu canh tác đã chuyển đổi, sinh sống bằng nhiều công việc, ngành nghề khác nhưng vẫn cố giữ bằng được ruộng đất được giao với tâm lý nếu gặp thất bại, rủi ro vẫn còn đường quay về làm ruộng. Ngoài ra, nông dân cũng chưa mặn mà bắt tay, liên kết cùng chia sẻ lợi ích với tổ chức, cá nhân có nhu cầu cần diện tích đất lớn để sản xuất.

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc


Dù đã hoàn thành dồn điền đổi thửa song tình trạng đất sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ. Tư duy của một bộ phận cán bộ quản lý và nông dân chậm đổi mới. Người dân còn tâm lý giữ đất. Đối với đất 5%, UBND xã chỉ được phép cho thuê tối đa 5 năm nên doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư sản xuất. Thủ tục để thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phức tạp; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ông Lưu Văn Thúy, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Phương (Đông Hưng)

Việc doanh nghiệp hoặc nông dân phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá, thị trường tiêu thụ đã làm giảm niềm tin giữa doanh nghiệp và người nông dân. Cùng với đó, cấp có thẩm quyền chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý khi xảy ra vi phạm hợp đồng giữa các bên. Các nông hộ chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài trong sản xuất.