Chủ nhật, 17/11/2024, 10:23[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất: "Phương thuốc vàng” tạo sinh khí trên cánh đồng (Bài cuối)

Thứ 3, 04/04/2017 | 08:19:14
2,053 lượt xem

Vùng trồng dược liệu của gia đình anh Nguyễn Văn Quỳnh tại xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Phụ. Ảnh: Mạnh Thắng

Bài 3: Tín hiệu vui cho khúc ca mùa vàng

Đến nay toàn huyện Kiến Xương có 14 xã có diện tích đất tích tụ với quy mô từ 2ha trở lên của 33 tổ chức, cá nhân. Tổng diện tích đất được tích tụ là trên 197,3ha. Trong đó có 7 điểm có diện tích đất tích tụ lớn ở các xã Thanh Tân, Bình Định, An Bình, Bình Minh... 

Từ vụ xuân 2016, trên địa bàn 3 xã Thanh Tân, An Bình, Vũ Quý đã có 3 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với nông dân để sản xuất lúa và trồng ngô. Ngoài ra còn có 2 cá nhân tại địa phương thuê, mượn đất để liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất hàng hóa. Cùng với đó có một số cá nhân tại địa phương thuê, mượn đất với diện tích nhỏ từ 2 - 5ha để tự tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc làm trang trại tổng hợp. 

Tại Kiến Xương còn có những HTX tổ chức quy vùng sản xuất có sự liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi. Điển hình là HTX SXKD DVNN xã Bình Định liên kết với Công ty TNHH Hưng Cúc. HTX là người đứng ra đại diện cho nông dân trong vùng quy hoạch sản xuất hợp đồng với đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp và thu mua sản phẩm. 

Không chỉ huyện Kiến Xương, đến nay, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đều tích cực tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân vào cuộc quyết liệt thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất. 

Tại cuộc họp của UBND tỉnh tháng 10/2016, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ: Cần xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, chất lượng và cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Cùng với việc khuyến khích triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng/xã để dồn điền đổi thửa và 500 triệu đồng/xã cho việc chỉnh trang đồng ruộng; chính sách hỗ trợ mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất... 

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, tính đến tháng 10/2015, toàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 170 tỷ đồng để mua gần 3.600 máy và công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó có 1.251 máy gặt đập liên hợp, 630 máy làm đất đa năng, 43 máy cấy, 20 kho lạnh và 1.650 công cụ gieo sạ lúa. Các chính sách này góp phần tích cực vào việc thúc đẩy tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 55% khâu thu hoạch và đang tích cực cơ giới hóa trong khâu gieo cấy. Với những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, hiện toàn tỉnh có 132 tổ chức, cá nhân ở 57 xã tích tụ ruộng đất để sản xuất trồng trọt với tổng diện tích 743,9ha, trong đó 17 tổ chức, cá nhân tích tụ được từ 10ha trở lên với tổng diện tích đất tích tụ 313,86ha; 115 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 2ha đến dưới 10ha với tổng diện tích đất tích tụ 430,05ha.

Vùng trồng cà chua an toàn tại xã Thanh Tân (Kiến Xương).

Tín hiệu vui cho những mùa vàng cũng đã đến ngay từ những ngày đầu năm 2017 khi Tập đoàn TH đã tiến hành đầu tư sản xuất tại hai huyện Vũ Thư, Kiến Xương. Trước đó Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư trang trại chăn nuôi bò công nghệ cao với diện tích hơn 141.000m2, đi vào hoạt động tại xã Hồng Minh (Hưng Hà) từ tháng 9/2016. 

Ngoài ra trong tháng 2/2017, Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) và Tập đoàn Lộc Trời đã có cuộc khảo sát địa điểm đầu tư dự án nông nghiệp sử dụng công nghệ cao tại huyện Quỳnh Phụ.

Có thể thấy, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 diện tích được tích tụ với quy mô từ 10ha trở lên đạt từ 8.000ha trở lên thì cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo hành lang pháp lý các thủ tục hành chính về góp đất, thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì tỉnh và các địa phương cần tiếp tục có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Có giải pháp về khoa học và công nghệ, tăng cường liên kết doanh nghiệp và hộ nông dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đề án tích tụ ruộng đất nông nghiệp quy mô toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo… Từ đó để tích tụ ruộng đất đạt kết quả cao, thực sự trở thành “phương thuốc vàng” cho những cánh đồng bội thu, hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các cấp, các ngành, các địa phương cần làm tốt công tác triển khai thực hiện, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các hình thức tích tụ để chuyển sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời huy động, gắn kết các nguồn lực, lồng ghép các kế hoạch chương trình dự án để nâng cao sử dụng nguồn vốn đầu tư. Chú trọng và nhân rộng phát triển sản xuất theo hướng GAP, tăng cường công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến, bảo đảm an toàn thực phẩm nông sản.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà

Nhà nước cần cụ thể hóa các quy định về đất đai giúp doanh nghiệp, các hộ nông dân hiểu và nắm rõ về thời hạn thuê đất, tính pháp lý giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp thỏa thuận; mức giá, thời gian thanh toán cũng như hình thức thanh toán... để tuân thủ nghiêm Luật Đất đai hiện hành. Đồng thời, các địa phương cần đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Cần hỗ trợ những hộ nông dân khi tích tụ về khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, có giải pháp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các hộ tích tụ ruộng đất.
Bà Nguyễn Thị Minh, Viện Nghiên cứu môi trường nông nghiệp nông thôn - IEAC


Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, việc hình thành tích tụ đất đai cần có sự liên kết “4 nhà” để sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng. Đồng thời tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện nay chúng tôi đã thí điểm liên kết với các hộ dân tại thôn An Cơ Đông, xã Thanh Tân (Kiến Xương) tổ chức sản xuất trồng rau sạch an toàn, tiêu thụ tại các siêu thị lớn của Hà Nội với diện tích hơn 2ha, giá trị đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Theo kế hoạch, chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện để mở rộng diện tích trồng rau sạch an toàn lên trên 40ha.

Mai Thư - Mạnh Thắng - Phan Lợi