Thứ 2, 18/11/2024, 04:37[GMT+7]

Là hoa một gốc, là con một nhà

Thứ 3, 04/04/2017 | 08:28:47
2,926 lượt xem
Từ lâu, giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, nơi hội tụ tinh thần đoàn kết, gắn bó của dân tộc Việt Nam. Ngày giỗ tổ, con dân đất Việt từ khắp mọi miền Tổ quốc lại cùng nhau hướng về nguồn cội, thể hiện sự thành kính tri ân các vua Hùng. Trong những ngày này, người dân Thái Bình cũng một lòng hướng về nơi đất tổ, gửi gắm vào đó bao tình cảm biết ơn, tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Tế lễ trong lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân.

Thờ cúng Hùng Vương, tín ngưỡng thuần Việt

Nhiều thế hệ người Việt Nam ngày nay đã thuộc lòng câu hát: “Xưa mẹ Âu Cơ sinh được trăm con, 50 xuống biển, 50 lên non/Nay triệu cháu con chung tình nước non, là hoa một gốc, là con một nhà” (tác phẩm “Nổi trống lên các bạn ơi” của nhạc sĩ Phạm Tuyên). Câu chuyện nhắc nhớ người Việt Nam về sự ra đời đầy tự hào của dân tộc Việt, rằng người Việt ta dù sinh ra ở bất kỳ nơi đâu, thuộc bất kỳ thành phần nào trong xã hội thì vẫn luôn là anh em từ chung một cội rễ, là máu thịt chung một gốc đồng bào. Bởi vậy, bản chất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. 

Xét về tổng thể đó là quan hệ bền vững, khăng khít trong khối thống nhất “nhà - làng - nước - tổ tiên” mà tổ tiên cao nhất người Việt tôn sùng chính là các vua Hùng. Ở phương diện xã hội, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết của dân tộc. Chính niềm tin ấy, sức mạnh ấy đã tạo nên nền tảng cho nước Việt, văn hóa Việt trường tồn, vượt qua mọi thử thách cam go khốc liệt suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ thời Lê, ngọc phả “Hùng đồ thập bát diệp Thánh Vương Ngọc phả cổ truyền” biên soạn năm Nhâm Thìn (1472) đã ghi chép lại các thần tích về Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Năm 1956, lễ hội Đền Hùng được tổ chức trọng thể. Từ đó đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc thờ cúng Hùng Vương. 

Như vậy, ít nhất hơn 5 thế kỷ trôi qua, Hùng Vương được thờ cúng trong tư cách vị quốc tổ của một quốc gia như vậy. Để rồi từ một trung tâm là Phú Thọ, tục thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc, trải rộng trên 1.417 di tích thờ cúng trên khắp đất nước và theo người Việt Nam ra nước ngoài sinh cơ lập nghiệp. Trên thế giới, hiếm có loại hình tín ngưỡng dân gian nào tạo được sự đồng thuận, nhất quán giữa cộng đồng, phát triển bền bỉ trải qua nhiều thể chế chính trị - xã hội như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tín ngưỡng thuần Việt này đã trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập và ước mơ về sự phồn vinh của một quốc gia, dân tộc.

Tháng 12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đây cũng là di sản đầu tiên về loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Người dân đất Việt hành hương về với cội nguồn dân tộc.

Thái Bình hướng về ngày giỗ tổ

“Con người có tổ có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”. Đã là người Việt Nam, ai cũng tâm nguyện được một lần đặt chân về miền đất tổ, được thắp nén hương thơm nơi núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng, thành tâm bái tạ các bậc liệt tổ, liệt tông đã có công khai tạo nên đất nước. Trong hành trình có bóng dáng những người con từ quê lúa Thái Bình, những người chẳng quản đường xá xa xôi vượt hàng trăm cây số về nguồn bằng cả tấm lòng biết ơn, bằng cả trái tim trân trọng các vị vua Hùng. 

Chị Đào Ngọc Dung đang sinh sống tại thành phố Thái Bình có dịp trở về Đền Hùng những ngày đầu năm mới chia sẻ: Đây là lần thứ hai tôi tới Đền Hùng nhưng cảm xúc vẫn vẹn nguyên như lần đầu đặt chân tới đây, đó là sự hồi hộp khi về nơi quê cha đất tổ, là sự xúc động khi tự tay thắp nén hương thành kính dâng lên các bậc tiền nhân, xen lẫn cả niềm tự hào về dòng máu Lạc Hồng đang chảy trong cơ thể. Tôi cũng ý thức hơn về trách nhiệm của mình với cộng đồng, thấy rằng mình cần phải sống đoàn kết hơn, gắn bó và có trách nhiệm với mọi người, bởi tất cả chúng ta đều có chung một nguồn cội.

Trong những tác phẩm được Nhà hát Chèo Thái Bình dàn dựng, biểu diễn tại giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu 2017 có một tác phẩm rất đặc biệt được xây dựng từ chính những cảm xúc chân thành của người nghệ sĩ trong quá trình luyện tập chuẩn bị cho lễ hội. Tác phẩm “Dâng hương giỗ tổ vua Hùng” do NSƯT Đình Cương tự soạn lời và thể hiện. Tác phẩm ra đời chỉ 1 tuần trước ngày khai hội Đền Hùng. 

NSƯT Đình Cương tâm sự: Khi nhận nhiệm vụ tham gia biểu diễn tại giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm nay, bản thân tôi cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào. Trong quá trình luyện tập tôi luôn muốn làm một điều gì đó để thể hiện sự biết ơn của mình với các vua Hùng. Ý nghĩ đó thôi thúc tôi, lấy cảm hứng từ câu chuyện vua Hùng dựng nước và lời dạy của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, tôi đã sáng tác bài hát văn “Dâng hương giỗ tổ vua Hùng”. Mặc dù không phải soạn giả chuyên nghiệp nhưng tôi đã hoàn thành tác phẩm bằng tất cả những cảm xúc của mình. Rất may mắn, tác phẩm đã được Nhà hát Chèo Thái Bình đưa vào chương trình lưu diễn tại giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm nay.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang góp phần tạo nên những giá trị văn hóa tốt đẹp như lòng hiếu thảo, lòng biết ơn, ý thức cộng đồng, ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc. Từ điểm hội tụ tâm linh này, khối đại đoàn kết toàn dân ngày thêm chặt chẽ, sự gắn bó, liên kết giữa các địa phương ngày thêm vững bền, đây cũng là cội nguồn sức mạnh của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. 

Cùng nhân dân cả nước, người dân Thái Bình một lòng hướng về nguồn cội, tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của các vua Hùng.

Thảo Tiên