Chủ nhật, 24/11/2024, 03:05[GMT+7]

Đông Hưng phòng, trừ bệnh đạo ôn bảo vệ lúa xuân

Thứ 6, 14/04/2017 | 08:26:43
1,551 lượt xem
Vụ xuân năm 2017, huyện Đông Hưng gieo cấy trên 11.600ha. Đến nay, lúa xuân sinh trưởng và phát triển tốt, đang trong giai đoạn phân hóa đòng, làm đòng, ôm đòng. Tuy nhiên, do thời tiết ẩm, có mưa nhỏ đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, phát triển và lây lan rải rác trên các trà lúa, một số nơi có tỷ lệ bệnh cao.

Phun thuốc kịp thời nên 9 sào lúa nhà ông Ngọc đã giảm bệnh đạo ôn.

Bà Lương Thị Hà, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Hưng cho biết: Qua kiểm tra trên đồng ruộng cho thấy, bệnh đạo ôn xuất hiện rải rác trên các trà lúa, đặc biệt bệnh gây hại cục bộ ở một số giống như: nếp, Q5, BC15, QR1... Tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5%, nơi cao 10 - 15%, cá biệt có nơi 50 - 80%, nhiều xã đã có điểm lùn lụi như Đông Hà, Đông Vinh, Đông Hợp, Đồng Phú, Đông Kinh, Đông Tân… So với năm 2016, vụ xuân năm nay, diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn của huyện Đông Hưng không nhiều, chỉ xuất hiện cục bộ ở những vùng nhiễm cũ. Để chủ động phòng, trừ hiệu quả bệnh đạo ôn, bảo vệ sản xuất vụ xuân, UBND huyện yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khuyến cáo nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức phun thuốc phòng, trừ đạo ôn theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; các HTX DVNN chủ động thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn bảo đảm số lượng, chất lượng và hướng dẫn kỹ thuật phun thuốc cho nông dân.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, bà con xã viên các địa phương đã tích cực phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn. Tại xã Đông Hợp, một trong những xã có diện tích bị nhiễm đạo ôn với tỷ lệ cao, bà con xã viên đang tập trung kiểm tra, theo dõi đồng ruộng và phun trừ những diện tích lúa bị nhiễm bệnh khi tới ngưỡng. 

Bà Phạm Thị Hạnh, thôn Long Bối Đông, xã Đông Hợp cho biết: Gia đình cấy trên 2 sào BC15, bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng. Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình tôi đã mua thuốc về phun trừ theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn, hiện bệnh đã có biểu hiện giảm. 

Rút kinh nghiệm từ những vụ lúa trước, vụ xuân này, ông Nguyễn Viết Phóng, thôn Long Bối, xã Đông Hợp cấy thưa hàng, sau cấy 1 tháng 20 ngày đã phun phòng, trừ bệnh đạo ôn, giữ nước không để ruộng khô, vì thế 7,5 sào lúa xuân cấy giống BC15 của gia đình chưa có biểu hiện bị bệnh đạo ôn. Ông Phóng cho biết: Năm nay lúa sinh trưởng, phát triển tốt, để giành vụ xuân thắng lợi, ngày nào tôi cũng thăm đồng, kiểm tra lúa, nếu có biểu hiện bệnh sẽ phun phòng, trừ ngay.

Cán bộ HTX DVNN xã Nguyên Xá những ngày qua cũng đã tăng cường kiểm tra đồng ruộng và phát hiện bệnh đạo ôn xuất hiện ở tất cả các thôn của xã với tỷ lệ từ 3 - 5%, nơi cao từ 10 - 15%, đã có ổ, khóm bị lùn lụi ở cánh đồng các thôn Phan Thanh, Đông Khê. 

Ông Nguyễn Trọng Tài, Giám đốc HTX DVNN xã Nguyên Xá cho biết: Dù HTX đã có thông báo chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhưng những ngày qua, mới có khoảng 25 - 30% hộ xã viên tích cực phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn, còn lại các hộ vẫn chủ quan, ít kiểm tra đồng ruộng, không phun thuốc phòng bệnh theo khuyến cáo nên vết bệnh mới hiện đang có chiều hướng lây lan. 

Ông Nguyễn Văn Ngọc, thôn Trần Phú, xã Nguyên Xá cho biết: Cả 9 sào lúa BC15 và nếp của gia đình đều bị nhiễm bệnh đạo ôn. Khi phát hiện bệnh là gia đình phun thuốc luôn, đến nay đã phun lần thứ 4, bệnh đã giảm hẳn.

Thời gian tới, với tình hình thời tiết như hiện nay, bệnh đạo ôn có khả năng lây lan và gây hại rộng trên các trà lúa, đặc biệt trên trà lúa xuân muộn, nếu không phát hiện và phòng, trừ kịp thời sẽ xuất hiện nhiều ổ lùn lụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa. 

UBND huyện và Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Hưng khuyến cáo các địa phương và các hộ nông dân tích cực triển khai các biện pháp: bảo đảm đủ nước, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật tạo điều kiện cho cây lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu các đối tượng dịch hại; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phun trừ kịp thời khi tới ngưỡng theo đúng lịch, đúng loại thuốc. Với những ruộng bị bệnh nặng phải phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4 - 5 ngày, cần loại bỏ hết các lá lúa bị bệnh nặng, tiêu hủy rồi mới tiến hành phun thuốc. Các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra quản lý thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm bà con nông dân không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Đỗ Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày