Thứ 5, 14/11/2024, 11:01[GMT+7]

Nghề chạm bạc ở Hồng Thái phát triển ổn định

Thứ 6, 21/04/2017 | 08:43:02
2,993 lượt xem
Hồng Thái (Kiến Xương) là một trong những cái nôi của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm có cách đây hơn 600 năm. Trải qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử, nghề chạm bạc vẫn trường tồn và phát triển, đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.

Làng nghề chạm bạc ở Hồng Thái duy trì 130 tổ sản xuất.

Ông Nguyễn Thế Hoan, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Chạm bạc là nghề cổ truyền của người dân địa phương với nhiều di tích và hiện vật còn lưu giữ như quần thể di tích lịch sử đền Đồng Xâm gồm di tích quốc gia đền Đồng Xâm và Am thờ cụ tổ nghề Nguyễn Kim Lâu. Lễ hội Đồng Xâm tổ chức thường niên vào đầu tháng 4 âm lịch hấp dẫn khách du lịch thập phương về trẩy hội. Toàn xã hiện có 1.800 hộ, trong đó 90% số hộ có người tham gia làm nghề chạm bạc, 100% thôn làm nghề. Ngoài ra, Hồng Thái còn có hơn 500 lao động làm nghề kim hoàn trong cả nước góp phần đưa đời sống của người dân ngày càng nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Sự phát triển nghề đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2016 đạt trên 50 tỷ đồng, chiếm 51% cơ cấu kinh tế của xã.

Để có sự phát triển như vậy, Hồng Thái đã duy trì phát triển nghề theo mô hình tổ và thành lập Chi hội Kim hoàn đá quý chạm bạc Đồng Xâm để tìm kiếm thị trường nguyên liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Trong những năm nền kinh tế thế giới suy giảm toàn cầu, để tìm hướng đi đúng, các tổ sản xuất ở Hồng Thái đã hướng vào thị trường nội địa, thực hiện phương châm người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hiện nay sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, mẫu mã phong phú, nhiều công đoạn đã được ứng dụng cơ khí hóa vào sản xuất như máy đột dập, máy đánh bóng đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, vừa qua nhãn hiệu của làng nghề chạm bạc đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận logo. Đây là bước ngoặt mang tính đột phá, tạo dựng thương hiệu cho làng nghề trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Một số công đoạn của sản phẩm đã được dùng bằng máy móc.

Bên cạnh đó, các thợ chạm bạc Đồng Xâm luôn đặt chất lượng lên hàng đầu để phát triển thương hiệu cho làng nghề nói chung, từng hộ gia đình nói riêng. Do đó, đến năm 2008, nghề chạm bạc ở Hồng Thái đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh là 1 trong 12 làng nghề tiêu biểu trong cả nước với 5 nghệ nhân. Đặc biệt, năm 2016, địa phương có 2 nghệ nhân tiêu biểu được Nhà nước phong tặng nghệ nhân nhân dân, 1 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân ưu tú cấp quốc gia và số còn lại được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng nghệ nhân bàn tay vàng.

Tuy nhiên, hiện nay các hộ làm nghề chạm bạc Đồng Xâm còn không ít khó khăn về vốn, vật tư, cơ sở hạ tầng, môi trường và đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Hoan, để làng nghề tiếp tục duy trì và phát triển mạnh hơn, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cần có những chính sách ưu đãi đầu tư cho làng nghề, nhất là việc quy hoạch các làng nghề truyền thống, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cụm, điểm công nghiệp làng nghề thu hút các dự án lớn. Ngoài ra cần xây dựng đề án dạy nghề để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, tạo đà cho các doanh nghiệp, tổ, hộ, người lao động tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện kinh phí để xây dựng nhà truyền thống cho làng nghề nhằm quảng bá những cổ vật và sản phẩm của làng nghề, tạo điểm nhấn thu hút khách hàng, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày