Thứ 6, 15/11/2024, 20:54[GMT+7]

Mô hình diệt chuột ở Thụy Thanh

Thứ 2, 24/04/2017 | 14:22:53
2,828 lượt xem
Trong khi nhiều địa phương khác trong tỉnh đang vất vả vì tình trạng chuột phá hại lúa xuân thì ở xã Thụy Thanh (Thái Thụy) người dân lại không phải lo lắng chuột cắn phá lúa. Thậm chí, cả xã không có hộ nào phải căng nilon quanh bờ ruộng để chống chuột phá hại lúa.

Chuột bị sập bẫy.

Xã Thụy Thanh có 327ha gieo cấy lúa. Những năm trước đây, địa phương luôn phải đối mặt với nạn chuột phá hại lúa, có vụ chuột cắn phá mất từ 20 - 30% diện tích lúa, ảnh hưởng lớn tới năng suất của địa phương. 

Theo ông Nguyễn Thế Tứ, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thụy Thanh: Để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra, năm 2016, HTX yêu cầu các thôn trong xã thành lập các tổ đánh chuột từ 5 - 8 người/tổ, có nhiệm vụ hàng ngày tổ chức đánh bẫy chuột trên toàn bộ cánh đồng của thôn bằng các hình thức như thả mồi bả, cạm bẫy, đào bắt thủ công… Các thôn tự xây dựng kế hoạch cử người tham gia tổ đánh chuột, mức đóng góp theo diện tích (có thỏa thuận với xã viên) để duy trì và bảo đảm hiệu quả hoạt động diệt chuột. Hiện nay, các hộ dân trong xã đã thống nhất đóng góp 50.000 đồng/sào/năm cho các thôn để trả tiền công cho người tham gia trong tổ đánh chuột, mua cạm bẫy, mồi bả, dụng cụ đánh chuột..., qua đó duy trì hiệu quả hoạt động của tổ. Ngoài ra, HTX đầu tư 40 triệu đồng/năm để cấp cho 4 thôn phục vụ hoạt động diệt chuột. Chuẩn bị vào đầu vụ khi đổ ải, HTX tổ chức đánh chuột bằng thuốc hóa học nhằm hạn chế thấp nhất số lượng chuột trên đồng ruộng, sau đó trách nhiệm diệt chuột do các tổ đánh chuột đảm nhiệm.

Ông Nguyễn Công Tươi, thành viên tổ đánh chuột thôn Vô Hối Tây cho biết: Tổ hiện có 8 người, chịu trách nhiệm đánh chuột trên diện tích 120ha lúa của thôn và một số cánh đồng lân cận của các thôn trong xã. Đầu vụ khi đổ ải, tổ sử dụng mồi thuốc hóa học để diệt chuột, dọn sạch cây cối, cỏ dại ngoài đồng, đào, đánh bắt chuột bằng các biện pháp thủ công. Khi bước vào vụ cấy, tổ duy trì hoạt động đánh chuột hàng ngày, bằng nhiều biện pháp, trong đó đặt cạm bẫy là chủ yếu. Cứ đầu giờ chiều, các thành viên trong tổ chia nhau đặt cạm bẫy, rải mồi trên từng cánh đồng, chú ý những vùng chuột hay cắn lúa thì đặt nhiều mồi và bẫy. Buổi tối các thành viên tổ chức đi soi đèn pin và đuổi đánh, buổi sáng đi thu bẫy và kiểm tra tình trạng chuột cắn phá để có phương án xử lý.

Đến nay, toàn xã thành lập được 4 tổ diệt chuột ở 4 thôn và duy trì hiệu quả hoạt động, giúp hạn chế tình trạng chuột cắn phá lúa và góp phần tiết kiệm hàng trăm triệu đồng tiền người dân mua nilon để căng quanh bờ ruộng chống chuột phá lúa. 

Ông Nguyễn Duy Thự, hộ dân cấy hơn 2 mẫu ruộng ở thôn Vô Hối Tây cho biết: Trước đây, để chống chuột, trên 1 sào lúa tôi phải chi phí từ 100.000 - 120.000 đồng để mua nilon, que tre, dây buộc, chưa kể tiền công. Có khi nilon chỉ dùng được một vụ, đến vụ khác tôi lại phải mua mới mà hiệu quả chống chuột cũng không cao, chuột vẫn chui vào cắn lúa mạnh. Từ khi có tổ đánh chuột, tôi và các hộ khác trong thôn không phải căng nilon chống chuột nữa, so với tiền đóng góp cho tổ diệt chuột hoạt động trên đầu sào thì tiền bỏ ra căng nilon cao gấp từ 3 - 4 lần.


Ông Nguyễn Thế Tứ, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thụy Thanh 

Việc duy trì hiệu quả tổ đánh chuột đã giúp tình trạng chuột phá hại lúa trên địa bàn xã hạn chế ở mức thấp nhất. Trong khi nhiều địa phương khác đang bị chuột cắn phá mất từ 10 - 15% diện tích lúa xuân, thì hiện trong xã số lượng lúa xuân bị chuột cắn phá là rất nhỏ, chỉ một vài mét vuông. HTX đề nghị các cấp, ngành cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ giúp địa phương duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ đánh chuột cũng như giảm việc đóng góp của người dân.


Ông Phạm Bá Tập, tổ trưởng tổ đánh chuột thôn Vô Hối Tây

Từ đầu vụ lúa xuân tới nay, tổ đã diệt được gần 3.000 con chuột. Sau khi đánh bẫy, chúng tôi chặt đuôi nộp cho HTX, xác chuột mang đi chôn lấp. Trung bình các thành viên trong tổ được trả tiền công từ 500.000 - 600.000 đồng/tháng. Tuy tiền công không nhiều nhưng mọi người đều nhiệt tình với công việc, bởi diệt chuột không chỉ bảo vệ lúa cho người dân mà còn cho chính diện tích lúa của gia đình mình.



Bà Bùi Thị Ngấm, thôn Vô Hối Tây

Đến nay, hơn một mẫu lúa xuân của gia đình tôi chưa xảy ra tình trạng bị chuột cắn phá. Từ khi tổ đánh chuột của thôn hoạt động người dân chúng tôi rất yên tâm, không phải thường xuyên ra đồng kiểm tra chuột phá hại lúa, đặc biệt là không phải quây nilon để chống chuột, nhờ đó tiết kiệm chi phí sản xuất.


Bắc Ninh