Thứ 7, 23/11/2024, 23:11[GMT+7]

Trường Sa - Khúc tráng ca (Bài 4)

Thứ 6, 05/05/2017 | 09:30:00
2,230 lượt xem
Vượt qua muôn vàn con sóng, chúng tôi có mặt trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao thuộc tuyến giữa quần đảo Trường Sa, nơi mà cách đây 29 năm, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã kiên cường, anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài 4: Thiêng liêng Gạc Ma

Hôm ấy, bình minh như đến sớm, những mệt mỏi của hải trình dài vật lộn với sóng gió như tan biến, chỉ còn niềm xúc động, tự hào trong mỗi chúng tôi.

4 giờ sáng, không ai bảo ai, gần 200 con người trong đoàn công tác ra Trường Sa đã thức dậy và tập trung trên boong đầu tàu 936 chờ đón lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Tất cả đều ăn mặc chỉnh tề, mỗi người một công việc chuẩn bị cho buổi lễ. 

Đến 7 giờ, tiếng nhạc trầm hùng của bài Hồn tử sĩ vang vọng cả một vùng biển bắt đầu cho những nghi thức trang nghiêm, thành kính và xúc động. Chúng tôi đã lặng người khi nghe Đại tá Nguyễn Hưng, Phó Lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân đọc diễn văn ôn lại những trang sử vẻ vang của bộ đội hải quân, những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Đảo Cô Lin hôm nay vững mạnh xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.

Những đôi mắt đỏ hoe, giọt nước mắt nghẹn ngào cứ lăn dài trên khuôn mặt những người có mặt ở buổi lễ khi nhớ về ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và sát hại 64 chiến sĩ hải quân của ta. Hình ảnh các anh trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh chiến đấu với những tàu chiến của Trung Quốc có trang bị vũ khí hiện đại một cách kiên cường của quá khứ cứ hiện lên khơi dậy niềm tự hào truyền thống anh hùng, bất khuất của thế hệ cha anh trong chúng tôi. Những cái tên liệt sĩ như Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Trần Văn Phương cùng hình ảnh 64 chiến sĩ kết thành một vòng tròn vừa bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng chủ quyền đất nước, vừa hiên ngang chiến đấu giữa làn mưa đạn của kẻ thù mà không hề nao núng, run sợ đã trở thành tượng đài anh hùng bất tử của dân tộc và của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Hưng chia sẻ: Mỗi lần ra công tác Trường Sa, chúng tôi đều cho tàu dừng lại bên đảo Gạc Ma và tổ chức lễ tưởng niệm các anh. Thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân hôm nay chưa bao giờ quên các anh và tinh thần chiến đấu sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền quốc gia của các anh. 29 năm rồi, các anh vẫn còn nằm trong lòng biển sâu nhưng chúng tôi nghĩ các anh không cô đơn vì lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa công tác ở đảo Cô Lin, Len Đao luôn ở sát bên các anh, giữ vững vùng biển, đảo quê hương mà các anh đã không tiếc máu đào để có được. 

Còn Thượng úy Vũ Đức Mạnh, Chính trị viên đảo Cô Lin quê ở xã Thụy Quỳnh (Thái Thụy) cho biết: Phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng của 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao, cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin luôn khắc ghi và ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. Tất cả chúng tôi luôn một lòng hướng về nơi các anh đã ngã xuống và cầu mong các anh yên giấc, phù hộ cho những người con ưu tú của dân tộc đang làm nhiệm vụ canh giữ quần đảo Trường Sa mạnh khỏe, sáng suốt, mưu trí, chắc tay súng bảo vệ miền biên hải phía Đông của Tổ quốc.

Trong những câu chuyện về Gạc Ma được cán bộ, chiến sĩ Trường Sa kể với chúng tôi, có một câu chuyện mang lại niềm xúc động và rất linh thiêng. Những vòng hoa kết hình lá cờ Tổ quốc viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ đang nằm lại ở Gạc Ma được các đoàn công tác thả xuống biển cứ quấn quýt bên mạn tàu và những nén nhang cắm trên vòng hoa chợt bùng cháy thành ngọn lửa khi vòng hoa chạm nước. Có ai đó khẽ nói: Các anh hùng liệt sĩ đã về bên chúng ta rồi! Và dù biển có động đến nhường nào, sóng có cồn cào bao nhiêu, gió có gầm rít thổi về phương nào đi chăng nữa thì vòng hoa ấy vẫn cứ nổi, cứ trôi một cách nhẹ nhàng về phía đảo Gạc Ma rồi neo lại nơi các anh đã ngã xuống.

Lễ thả vòng hoa tưởng niệm, tri ân 64 liệt sĩ ở Gạc Ma.

Tham dự lễ thả hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và nghe câu chuyện kể về Gạc Ma, phóng viên Phạm Thị Ánh Hồng (Đài Phát thanh Truyền hình Bình Định) đã không cầm được nước mắt và nói trong nghẹn ngào: “Em thương các anh lắm! Nhất định em sẽ trở lại nơi các anh đã ngã xuống một lần nữa”.

29 năm đã trôi qua, thân xác 64 anh hùng liệt sĩ của dân tộc đã hòa vào nước biển mặn mòi của biển Đông. Các anh đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc như bao lớp ông cha ta đã dựng nước và giữ nước. Các anh không mất, các anh không cô đơn mà nằm trong lòng đất mẹ để tiếp tục dìu dắt thế hệ hôm nay, mai sau tiếp bước vững vàng trấn giữ vùng cực Đông của Tổ quốc.

(còn nữa)

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày