Thứ 2, 18/11/2024, 02:37[GMT+7]

Thái Thụy: Nhiều chuyển biến trong xử lý rác thải nông thôn

Thứ 4, 10/05/2017 | 09:00:59
2,708 lượt xem
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Thái Thụy được các ngành và các cấp chính quyền quan tâm, từ đó có nhiều chuyển biến tích cực.

Khu xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt tại xã Thái Xuyên (Thái Thụy).

Với 47 xã và 1 thị trấn, dân số 260.000 người, tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Thái Thụy hiện nay khoảng 110 tấn/ngày. Trong đó, một số địa phương có lượng rác thải phát sinh nhiều như thị trấn Diêm Điền 9 tấn/ngày, xã Thụy Xuân 6 tấn/ngày, xã Thụy Phong 5,5 tấn/ngày… 

Hiện nay, 100% xã, thị trấn trong huyện đã thành lập tổ thu gom rác thải. Tùy theo số lượng thôn, xóm và quy mô dân số mà các địa phương bố trí số lượng các tổ và số lao động thu gom phù hợp, tần suất thu gom được thực hiện đối với các xã là 2 - 3 ngày/lần, riêng thị trấn Diêm Điền là 1 ngày/lần. Phương tiện tham gia vận chuyển rác chủ yếu là xe lôi, xe thùng kéo, được trang bị trung bình từ 1 - 2 xe/tổ, mỗi xã có từ 3 - 15 xe.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Hiện nay, công tác xử lý rác thải tại các địa phương trong huyện chủ yếu bằng công nghệ lò đốt và chôn lấp hợp vệ sinh. Toàn huyện, hiện có 10 xã với 8 khu thu gom, xử lý rác thải theo công nghệ lò đốt và 3 xã đã quy hoạch đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải theo công nghệ lò đốt nhưng chưa lắp đặt lò đốt do chưa được hỗ trợ kinh phí. Xã Thụy An có khu thu gom, xử lý rác thải theo công nghệ chôn lấp kết hợp ủ phân vi sinh; 11 xã có khu thu gom, xử lý rác thải theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Các xã còn lại chưa có khu xử lý và rác thải được đội vệ sinh thu gom lại đem chôn lấp trực tiếp tại các vị trí đã quy hoạch khu xử lý nhưng chưa đầu tư xây dựng hoặc các bãi rác tự phát, lộ thiên địa phương tự quy hoạch từ nhiều năm nay, gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Thụy Phúc đã quy hoạch khu xử lý rác thải sinh hoạt rộng 1,1ha, lựa chọn công nghệ lò đốt rác của Hàn Quốc để lắp đặt. Tổng kinh phí xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt của xã là 4,7 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, huyện 500 triệu đồng, còn lại là ngân sách của địa phương. 

Ông Đàm Xuân Lượng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, tất cả lượng rác thải sinh hoạt của xã được tập kết về khu xử lý rác thải tập trung để tiêu hủy bằng lò đốt, công suất đốt khoảng từ 6 - 8 tấn rác/ngày. Sau gần 3 năm đưa vào hoạt động khu xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt đã góp phần cải thiện rõ rệt vấn đề môi trường của địa phương, bảo đảm cho việc xử lý rác thải mang tính bền vững.

Ông Phạm Trung Kiên cho biết thêm: Bên cạnh những chuyển biến tích cực thì công tác thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện còn tồn tại một số hạn chế, như ý thức phân loại rác thải tại hộ gia đình của người dân không cao dẫn đến khó khăn cho việc xử lý; tần suất thu gom, vận chuyển rác thải ở một số nơi không thường xuyên, liên tục theo ngày mà trung bình 3 ngày/lần thu gom, cá biệt có nơi 1 tuần/lần nên một số người dân thiếu ý thức mang rác đi vứt bừa bãi. Nhiều xã chưa chi trả tiền công, quan tâm chăm lo đời sống, sức khỏe, trang bị thiết bị an toàn lao động… cho các nhân viên thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải một cách đúng mực. Một số xã ven biển như Thụy Xuân, Thụy Hải do đặc thù về điều kiện tự nhiên nên không thể quy hoạch được khu thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt bảo đảm diện tích, cự ly, khoảng cách đến khu dân cư theo quy định...

Để giải quyết những tồn tại trên, thời gian tới, huyện Thái Thụy sẽ tập trung vào thực hiện một số giải pháp như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật bảo vệ môi trường tới các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong huyện; vận động, thuyết phục người dân phân loại rác tại hộ gia đình và tổ chức thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác thải đã phân loại một cách phù hợp. 

Huyện cũng tăng cường chỉ đạo các xã tăng tần suất thu gom rác thải lên 1 - 2 ngày/lần; quan tâm mua bảo hiểm y tế, chi trả tiền lương kịp thời, xứng đáng cho các nhân viên vệ sinh môi trường; bố trí mặt bằng, xây dựng cơ sở xử lý rác thải tập trung theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; điều chỉnh mức phí thu bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng các khu xử lý rác thải công nghệ lò đốt đáp ứng quy chuẩn Việt Nam hiện hành, theo quy mô liên xã để bảo đảm việc đầu tư, xử lý rác thải đạt hiệu quả. 

Với những xã do điều kiện về quỹ đất không thể bố trí đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải bảo đảm khoảng cách cự ly đến khu dân cư gần nhất, sẽ hướng cho các xã liên kết đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ lò đốt.

Trần Tuấn