Thứ 5, 14/11/2024, 11:04[GMT+7]

“Nụ cười chiến thắng”

Thứ 2, 15/05/2017 | 09:06:51
12,112 lượt xem
Trong một chuyến đi cơ sở, tôi may mắn được gặp cựu chiến binh (CCB) Lê Xuân Chinh, quê ở thôn Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà) nhân dịp ông về thăm quê và các đồng đội cùng chiến đấu. CCB Lê Xuân Chinh là nhân vật chính trong bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” dưới chân Thành cổ Quảng Trị (15/8/1972) - bức ảnh nổi tiếng đăng trên Báo Nhân dân đúng dịp 2/9/1972 được đánh giá cao bởi đã thể hiện được sự lạc quan của người chiến sĩ giữa chiến trường ác liệt.

Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” do phóng viên Đoàn Công Tính, Báo Quân đội nhân dân chụp dưới chân Thành cổ Quảng Trị.

Tháng 6/1972, Lê Xuân Chinh lên đường nhập ngũ, được biên chế về Đại đội 18 thông tin liên lạc của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B cùng các đồng đội hành quân vượt sông Thạch Hãn tiến vào Thành cổ Quảng Trị. Nhiệm vụ chính của ông và đồng đội là hàng ngày dẫn lực lượng chủ lực, đem công văn, mệnh lệnh từ chỉ huy xuống các đơn vị chiến đấu vào trong Thành cổ. Mưa bom bão đạn thi nhau dội xuống trận địa, đường dây vô tuyến, hữu tuyến gần như không hoạt động nên mệnh lệnh của chỉ huy chủ yếu được truyền đạt qua đơn vị thông tin liên lạc. 

CCB Lê Xuân Chinh chia sẻ: Hồi đó, mỗi chiến sĩ đưa tin chúng tôi coi cái chết nhẹ tựa như lông hồng, mưa bom bão đạn nhưng anh em đều vượt qua, đem thông tin kịp thời cho đơn vị.

Chiến dịch Thành cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm (từ 28/6/1972 đến 16/9/1972) thì CCB Lê Xuân Chinh bám trụ đến 70 ngày. Mỗi ngày, ông và đồng đội không biết phải bao lần đối mặt, vượt qua cái chết chỉ trong gang tấc. Thế nhưng đến chiều ngày 5/9/1972, trên đường mang công văn từ chỉ huy Trung đoàn xuống Ái Tử, ông bị mảnh pháo của địch găm vào sườn trái, máu ướt sũng áo quần. Khi tỉnh dậy ông mới biết mình đã được chuyển ra bệnh viện dã chiến ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh (áo trắng) trong một lần về thăm quê.

Ngồi bên các đồng đội và kể về bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” chụp dưới chân Thành cổ Quảng Trị, CCB Lê Xuân Chinh chia sẻ: Khi ấy tôi nhận nhiệm vụ dẫn phóng viên ảnh Đoàn Công Tính, Báo Quân đội nhân dân vào Thành cổ Quảng Trị. Khi đến chốt của quân ta ở gần sông Thạch Hãn, thấy có một nhóm chiến sĩ vui cười, nói chuyện giữa lúc pháo địch chuyển làn, phóng viên Đoàn Công Tính bảo: “Các anh em cứ ngồi ở đó cười thật tươi, tôi chụp bức ảnh”. Gia đình tôi khi ấy chỉ có một mình tôi là con trai nên bản thân cũng muốn chụp bức ảnh để gia đình ở quê biết là tôi còn sống và chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Lúc đó anh em chẳng ai nghĩ sẽ sống sót và nổi tiếng cả nên ai cũng cười thật tươi cho khí thế.

Năm 1974, Lê Xuân Chinh phục viên. Vừa bước ra từ chiến trường đổ máu, ông quyết định cùng vợ con lên làm kinh tế mới ở Điện Biên. Đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền, giấy tờ khi tại ngũ lại thất lạc nên cuộc sống sau này của gia đình ông khá vất vả. Mãi đến năm 2002, khi bạn bè chiến đấu phát hiện ra ông chưa hy sinh, đồng đội đã giúp ông xây dựng căn nhà tình nghĩa, ông được cấp thẻ thương binh hạng 4/4. Cuộc sống của người lính già tuy đỡ vất vả hơn nhưng di chứng chất độc da cam/Điôxin lại khiến cho hạnh phúc gia đình không trọn vẹn. Người con trai duy nhất bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin; người cháu bị bại não, chỉ nằm một chỗ...

Khó khăn là thế nhưng nụ cười lạc quan ngày nào vẫn luôn hiện hữu trên khuôn mặt người lính cựu, để rồi đây, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông lại trở về quê hương Hưng Hà, gặp gỡ những người đồng đội cùng tham gia chiến đấu. Bên ly trà nóng, họ cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân ta khi đã đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày