Chủ nhật, 17/11/2024, 13:54[GMT+7]

Giúp doanh nghiệp vươn mình để Thái Bình phát triển

Thứ 2, 15/05/2017 | 09:11:00
1,208 lượt xem
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp còn e dè khi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn bởi hiệu quả kinh tế thấp, tính rủi ro cao, Thái Bình đã xây dựng một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bước đầu được khá nhiều doanh nghiệp, người dân đón nhận theo chiều hướng tích cực.

Thu hoạch ngao ở Nam Thịnh (Tiền Hải). Ảnh: Phạm Hưng

Những năm qua, cùng với việc tích cực triển khai các cơ chế, chính sách của trung ương nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Thái Bình đã xây dựng, triển khai đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cùng với đó, thành công của hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tổ chức đầu tháng 4/2017 cho thấy quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng người dân nhằm tạo bước đột phá mới để nông nghiệp, nông thôn Thái Bình phát triển toàn diện, bền vững. Hiểu rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp, nông thôn, đông đảo các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh còn được tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Thái Bình. 

Một trong những băn khoăn của doanh nghiệp khi quyết định đầu tư là đất đai. Để giải quyết vấn đề đó, Thái Bình đã xây dựng cơ chế ưu đãi với các tổ chức, cá nhân có dự án được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư được hưởng đơn giá thuê đất với mức thấp nhất của loại đất tương ứng trong bảng giá do UBND tỉnh quy định. Đặc biệt, doanh nghiệp có dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp khuyến khích đầu tư của tỉnh được miễn tiền thuê đất trong 15 năm đầu đối với dự án đầu tư tại hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy; trong 11 năm đầu đối với các dự án đầu tư tại các vùng nông thôn khác kể từ ngày dự án hoàn thành, đi vào hoạt động. Riêng các dự án đầu tư phát triển công nghệ cao và dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tỉnh hỗ trợ 70.000 đồng/m2 kinh phí san lấp mặt bằng trên tổng diện tích thực hiện san lấp.

Trong chăn nuôi, doanh nghiệp có dự án được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có quy mô chăn nuôi thường xuyên tập trung từ 1.000 con lợn thịt, 500 con trâu, bò, dê hoặc từ 200 con bò thịt cao sản nhập ngoại, 500 con bò sữa cao sản trở lên được hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án để xây dựng hạ tầng xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị. Ngoài hỗ trợ hạ tầng, nếu dự án nhập giống gốc cao sản vật nuôi được hỗ trợ không quá 40% chi phí nhập giống gốc.

Với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, doanh nghiệp có dự án với công suất theo quy định được hỗ trợ thấp nhất 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì ngoài mức hỗ trợ nêu trên, dự án còn được hỗ trợ thêm 70% chi phí và không quá 5 tỷ đồng/dự án.

Nông dân Quỳnh Phụ chăm sóc cây màu hè.

Ngoài ra, căn cứ vào các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, Thái Bình cũng đã xây dựng cơ chế hỗ trợ cụ thể như: hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản; hỗ trợ mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ sản xuất cây vụ đông, vụ hè; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nghề, làng nghề… Đặc biệt, tỉnh có cơ chế bảo lãnh cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê đất của người dân để phát triển sản xuất nông nghiệp với thời hạn thuê đất từ 20 - 30 năm, được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. 

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Thái Bình vừa qua, doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco đã phát biểu: Thời gian qua, với những cách làm sáng tạo, chỉ trong thời gian ngắn Thái Bình đã huy động được diện tích đất lớn cho doanh nghiệp thuê đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đó là một trong những việc làm không phải nhiều địa phương làm được. Không chỉ vậy, Thái Bình còn tập trung cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ nhất để phục vụ doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn.

Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được tổ chức đầu tháng 4 vừa qua, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thái Bình luôn là địa chỉ hấp dẫn, tin cậy đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; luôn lắng nghe, thấu hiểu, điều chỉnh và đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh… nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Ngao là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Thái Bình, chiếm 50% sản lượng ngao toàn quốc. Để phát triển sản xuất giống ngao, UBND tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí giải phóng mặt bằng, 50% lãi suất tiền vay ngân hàng để đầu tư tài sản cố định trực tiếp cho sản xuất giống ngao sinh sản trong 3 năm đầu kể từ ngày vay vốn cho các doanh nghiệp có dự án xây dựng cơ sở sản xuất giống ngao sinh sản được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.


Lưu Ngần