Thứ 7, 16/11/2024, 00:28[GMT+7]

Khó khăn trong đào tạo vận động viên thành tích cao

Thứ 2, 29/05/2017 | 09:02:51
7,293 lượt xem
Những năm qua, thể thao thành tích cao Thái Bình gặt hái nhiều thành công, được đánh giá cao trong khu vực cũng như trên toàn quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đào tạo vận động viên vẫn còn không ít khó khăn.

Cơ sở vật chất dành cho thi đấu còn hạn chế.

Khó khăn trong đào tạo

Ông Phạm Đức Thiện, Trưởng phòng Huấn luyện, Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao (TDTT) tỉnh cho biết: Hiện nay, công tác đào tạo vận động viên (VĐV) của Trung tâm gặp khó không chỉ ở một khâu mà ở tất cả các khâu. Nói riêng về công tác tuyển chọn, khi điều kiện kinh tế ngày càng được nâng cao, tâm lý chung cha mẹ nào cũng muốn bên cạnh chăm sóc con cái, sợ các con vất vả, trong khi đó thể thao lại đòi hỏi quá trình luyện tập nghiêm ngặt, khắt khe. Bởi vậy, nhiều trường hợp mặc dù có đam mê, năng khiếu, Trung tâm đã cử người đến tận nhà vận động nhưng phụ huynh vẫn nhất quyết không cho con theo học.

Việc tuyển chọn trong đào tạo VĐV đã khó song việc giữ chân VĐV còn khó hơn bởi việc để nhân tài “rơi” vào tay các câu lạc bộ khác là chuyện không hiếm trong đời sống thể thao nói chung, thể thao Thái Bình nói riêng. Với những đơn vị có tiềm lực kinh tế, họ có thể đưa ra các lời hứa hẹn đầy thu hút như điều kiện tập luyện, thi đấu tốt hơn, chế độ dành cho VĐV cao hơn, nhất là sau khi giải nghệ có thể được bố trí công việc… Những điều đó đánh trúng tâm lý VĐV dẫn đến không ít VĐV đã rời Trung tâm ra đi. 

Thêm nữa, đặc thù của lĩnh vực thể thao thành tích cao đó là thời gian đào tạo dài, thậm chí đến 10 năm mới có được một VĐV chuyên nghiệp. Thời kỳ này, nỗi lo về việc giữ chân VĐV lại càng gian nan hơn gấp bội. Điển hình là cuối năm 2016, VĐV Cao Thị Hảo, một trong những VĐV xuất sắc của đội tuyển đua thuyền Việt Nam, từng giành suất tham dự Olympic trẻ thế giới năm 2014 quyết định nghỉ thi đấu để lập gia đình. 

Theo huấn luyện viên Trần Văn Sáu, Trưởng Bộ môn đua thuyền, Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh: Những VĐV như Hảo đang ở “thời điểm vàng” về phong độ nhưng lại cũng là giai đoạn “chín” về tuổi đời. Rất khó để ép các em lựa chọn sự nghiệp mà quên đi trách nhiệm với gia đình. Do vậy, khi một VĐV giải nghệ không chỉ mất thời gian để đào tạo lại mà còn bị ảnh hưởng rất nhiều tới thành tích.

Vận động viên bộ môn đua thuyền phải di chuyển xa để tới nơi luyện tập.

Nỗi lo tìm đầu ra

Để trở thành VĐV thành tích cao, phần lớn các VĐV đều phải sống tập trung ở Trung tâm, dành phần lớn thời gian cho luyện tập và các giải đấu ngay từ khi còn rất nhỏ. Trong khi đó, thời kỳ đỉnh cao của một VĐV lại rất ngắn, chỉ khoảng vài năm. Giải nghệ khi tuổi đời còn quá trẻ trong khi ở lĩnh vực khác bạn bè chỉ vừa bắt đầu con đường lập nghiệp đó là một khó khăn rất lớn mà các VĐV gặp phải.

Theo ông Đoàn Hồng Tiến, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh: Để khắc phục những khó khăn cho VĐV, Trung tâm đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ VĐV như: tham mưu với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp kinh phí tham gia bảo hiểm cho VĐV từ 18 tuổi trở lên, liên kết với Trường Đại học TDTT đào tạo trình độ đại học, cao học cho các VĐV đang thi đấu, sinh hoạt tại Trung tâm. Tuy vậy, kể cả khi VĐV đã hoàn thành bằng cấp thì việc có được công việc đúng chuyên môn cũng không hề dễ dàng bởi chỉ tiêu biên chế cho huấn luyện viên eo hẹp, quy định khắt khe trong tuyển dụng giáo viên giáo dục thể chất khiến không ít VĐV rơi vào tình cảnh thất nghiệp sau khi tốt nghiệp, nhiều người phải chuyển sang làm ngành nghề khác. 

Trường hợp của cựu VĐV điền kinh Lê Thị Thơm là một ví dụ điển hình. Lê Thị Thơm từng gắn bó với Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh 9 năm, tham gia nhiều giải thi đấu trong nước và quốc tế, từng giành huy chương vàng giải trẻ Đông Nam Á, có bằng cử nhân TDTT nhưng sau khi ra trường vẫn không tìm được việc làm. Chị cho biết: Sau khi hoàn thành chương trình đại học, tôi mong muốn có thể trở thành giáo viên giáo dục thể chất. Tuy nhiên, khi cầm bằng đi xin việc thì nhiều nơi không nhận bằng huấn luyện, kể cả khi tôi đã có chứng chỉ sư phạm. Khi tỉnh tổ chức thi công chức, tôi nộp hồ sơ nhưng cuối cùng vẫn phải ra về. Vì mưu sinh, 3 năm nay tôi đành đi làm công nhân may.

Những nguyên nhân trên khiến cho công tác đào tạo VĐV thành tích cao gặp nhiều khó khăn. Để sự nghiệp TDTT phát triển, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc điều chỉnh các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho VĐV yên tâm thi đấu và cống hiến. Bên cạnh đó cũng cần sự chung tay của cộng đồng nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa TDTT. Trên thực tế, giải pháp này đã được nhiều địa phương áp dụng nhằm tăng thêm nguồn lực phục vụ các hoạt động TDTT và cho thấy hiệu quả tích cực. Hy vọng trong thời gian tới công tác đào tạo VĐV thành tích cao của tỉnh sẽ vượt qua khó khăn, đưa thể thao Thái Bình vươn lên tầm cao mới.

Năm 2016, Trung tâm Huấn luyện TDTT đề nghị tuyển dụng 25 vận động viên, nhưng cùng năm đó, 24 vận động viên phải nghỉ hợp đồng lao động. Không ai còn xa lạ với quy luật tuyển chọn và đào thải khắc nghiệt của thể thao nhưng việc sắp xếp việc làm cho vận động viên sau khi nghỉ thi đấu vẫn luôn là điều khiến toàn ngành thể thao phải trăn trở.

Thảo Tiên