Thứ 7, 16/11/2024, 07:32[GMT+7]

Đọc sách - Thói quen giúp trẻ phát triển nhân cách

Thứ 2, 05/06/2017 | 08:55:55
2,090 lượt xem
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và hệ thống các thư viện, nhà sách thì việc tìm kiếm những cuốn sách bổ ích, lý thú cho con trong quãng thời gian rảnh rỗi không còn là điều khó khăn đối với các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, thói quen đọc sách vẫn chưa thực sự trở nên thân thuộc đối với các độc giả nhỏ tuổi.

Mỗi buổi thảo luận về sách tại các không gian đọc khiến các em học sinh yêu thích hơn việc đọc sách.

Dù bậc cha mẹ nào cũng hiểu rằng đọc sách mang lại nhiều tác động hữu ích đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ nhỏ nhưng với sức cuốn hút của tivi, của những trò chơi điện tử hay các thiết bị điện thoại thông minh thì việc kéo trẻ ra khỏi vòng luẩn quẩn của công nghệ vẫn là thách thức lớn.

Thông tin Việt Nam không nằm trong danh sách 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất đã không tạo nên bất ngờ đối với nhiều người, bởi nó phản ánh đúng thực trạng về văn hóa đọc đang diễn ra hiện nay. Bởi theo số liệu được thống kê thì trung bình một người dân chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, mà trong đó có tới 2,8 cuốn là sách giáo khoa. Đối với trẻ nhỏ, việc cha mẹ không thường xuyên đọc sách phần nào đã tạo nên thói quen lười tiếp xúc với sách của con và trong giáo dục không yêu cầu bắt buộc trẻ phải tìm đọc sách mới có thể hoàn thành việc học nên việc đọc những cuốn sách ngoài chương trình học đối với nhiều bạn nhỏ cũng chỉ dừng lại ở những cuốn truyện tranh.

Nỗ lực của gia đình và nhà trường

Tại Trường THCS Lương Thế Vinh, thành phố Thái Bình, các em học sinh được khuyến khích đọc sách và trao đổi nhiều hơn với thầy cô giáo, bạn bè về những cuốn sách hay, bổ ích. Với mong muốn trẻ nhỏ có thể tự trau dồi và tìm kiếm những kiến thức mới mẻ từ những cuốn sách ngoài chương trình học nên mỗi lớp học đều có những tủ sách để việc đọc trong những khoảng thời gian thư giãn giữa những giờ học căng thẳng được diễn ra thuận tiện hơn.

Cô giáo Vũ Mỹ Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường chia sẻ: Tủ sách tại mỗi lớp học đều được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, bởi phụ huynh nào cũng ủng hộ việc đọc nhiều hơn mỗi ngày của các con. Việc đặt tủ sách tại mỗi lớp học tuy không mang giá trị cao về vật chất nhưng nhờ đó mà nhiều học sinh đã hăng hái hơn trong việc tìm tòi những cuốn sách mới, bổ ích và lý thú để có thể mang đến lớp chia sẻ cùng các bạn. Cũng nhờ có tủ sách, mà các bạn nhỏ có nguồn sách để đọc dồi dào hơn và đúng với tâm lý, sở thích của các em nhiều hơn. 

Em Minh Anh, lớp 7A1, Trường THCS Lương Thế Vinh thì rất yêu thích tủ sách tại lớp mình, bởi em thấy rằng nhờ việc trao đổi sách thường xuyên mà em có những người bạn cùng chung sở thích, cùng chung niềm đam mê với những tác phẩm văn học về chiến tranh, không chỉ vậy, bởi sách được các bạn trong lớp mang đến nên mỗi người đều có ý thức trân trọng, giữ gìn những cuốn sách nhiều hơn.

Có thể nói, dù trong năm, các em nhỏ luôn bận mải bởi chương trình học với nhiều áp lực, căng thẳng nhưng việc đặt mỗi tủ sách tại mỗi lớp học như ở Trường THCS Lương Thế Vinh là sáng kiến thú vị, cần được nhân rộng. Việc làm này tuy nhỏ nhưng đã thể hiện nỗ lực của các thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, giúp học sinh thêm yêu và trân trọng sách, gắn bó nhiều hơn với văn hóa đọc.

Cần kiểm soát trong việc lựa chọn sách

Sau một năm học tập nhiều bận mải, căng thẳng thì những ngày hè là khoảng thời gian lý thú mà trẻ nhỏ được thư giãn. Tuy nhiên, để con làm gì trong kỳ nghỉ hè lại là nỗi băn khoăn lớn của nhiều bậc phụ huynh. Và thư viện, nhà sách đã trở thành một trong những điểm đến an toàn của bố mẹ để các con có thể tận dụng quãng thời gian rảnh rỗi một cách hiệu quả. Đến thư viện, nhà sách hay các không gian đọc, bố mẹ tin tưởng rằng con có thể tiếp cận với những kiến thức mới mẻ, có thể rèn luyện năng lực tưởng tượng, sáng tạo, có thể góp phần phát triển, trau dồi kho ngôn từ phong phú và đa dạng hơn,…

Tuy nhiên, thực tế là những cuốn truyện tranh, những cuốn truyện ngôn tình lại là sự lựa chọn của nhiều em nhỏ. Tại các nhà sách, khu vực dành cho những thể loại sách này thu hút khá nhiều đọc giả nhỏ tuổi. Nhiều em, bởi không được sự đồng thuận của bố mẹ về việc đọc truyện tranh, truyện ngôn tình, mà sẵn sàng đứng hàng giờ đồng hồ ở nhà sách để tranh thủ đọc hết những cuốn sách ấy. Hay thậm chí tại những quán café sách thu hút giới trẻ thì sự xuất hiện của những cuốn sách văn học kinh điển, hay mảng sách tri thức vốn rất cần thiết cho việc nâng cao vốn hiểu biết cũng rất hạn chế.

Để trẻ nhỏ chấp thuận việc rời mắt khỏi những thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại, tivi, hay những trò chơi điện tử,… đã là nỗ lực lớn của mỗi bậc phụ huynh. Nhưng để con có thể thu về nhiều kiến thức bổ ích, thú vị từ những trang sách thay vì những cuốn truyện tranh, truyện ngôn tình bắt kịp xu hướng hay mang tính giải trí đơn thuần lại càng cần thiết hơn nữa sự quan tâm, tìm hiểu của bố mẹ. Trẻ nhỏ cần được khuyến khích về việc đọc sách và được lựa chọn, định hướng những cuốn sách phù hợp với độ tuổi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Là người cầm bút, đã viết những tác phẩm dành cho thiếu nhi, tôi nhận thấy rằng để trẻ nhỏ có thể yêu thích việc đọc thì trách nhiệm của các tác giả cũng vô cùng quan trọng. Phải viết làm sao để mỗi câu truyện có thể lôi cuốn, thu hút các em yêu hơn trang sách và có thể đọc đến hết cuốn sách. Truyện viết cho thiếu nhi tưởng chừng đơn giản nhưng mỗi tác giả cần hóa thân về với độ tuổi của trẻ nhỏ và mỗi câu truyện cũng cần có độ dài vừa phải, phù hợp với tâm tư, tình cảm của các em, với giọng văn dung dị, chân thành.


(Nhà thơ Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình)


Anh Tú