Thứ 7, 23/11/2024, 19:29[GMT+7]

Đông Hoàng giữ vững màu xanh rừng ngập mặn

Thứ 3, 06/06/2017 | 08:41:55
2,644 lượt xem
Là xã ven biển của huyện Tiền Hải, Đông Hoàng thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lụt, triều cường. Những năm qua, nhân dân địa phương đã tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn, tạo nên “vành đai xanh” góp phần hạn chế thiên tai, phát huy hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân Đông Hoàng tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn.

Từ nhỏ ông Đỗ Xuân Hiển, thôn Hải Long đã phải chứng kiến cảnh thiên tai tàn phá vùng quê ven biển, mỗi khi có bão, hàng trăm hộ dân phải di dời, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. Không có rừng, vùng cửa biển xã Đông Hoàng luôn bị ảnh hưởng của triều cường có chỗ bị bào mòn lấn sâu vào thân đê. Thế nhưng từ ngày rừng ngập mặn phát triển, mọi việc đã thay đổi. Rừng được trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển đã giữ lại phù sa, trở thành những bãi bồi rất màu mỡ. 

Ông Hiển cho biết: Người dân địa phương đã bắt đầu có sự thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình. Rừng ngập mặn đã trở thành ngôi nhà sinh thái của vô số đàn cò, tôm, cua… Khi có bão vào, rừng hạn chế được sóng đánh, con tôm, con cá cũng có môi trường tự nhiên để ẩn nấp… “Bức tường xanh” vững chãi, đã tạo nên sự bình yên cho cuộc sống người dân và động vật thiên nhiên trước những tác động tiêu cực của thiên tai. 

Còn ông Vũ Văn Tưởng vì lo lắng cho sự tồn tại của khu rừng, ông đã xin với chính quyền tự nguyện ra trồng, chăm sóc rừng ngập mặn từ năm 1994. Nhiều lần ông đã lấy tính mạng của mình kiên quyết đấu tranh với những đối tượng chặt phá rừng, chăn thả súc vật… để bảo vệ những cánh rừng đang vươn ra biển. Giờ đây rừng đã trở thành một phần trong cuộc sống của gia đình ông Tưởng. Qua gần 24 năm chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn, gia đình ông đã duy trì và mở rộng hàng chục héc-ta rừng. Cùng với khai thác các nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật, ông Tưởng thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng kiểm soát, ngăn chặn các đối tượng chặt phá rừng.

Rừng ngập mặn xã Đông Hoàng.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng cho biết: Năm 2009, rừng ngập mặn của Đông Hoàng chỉ có gần 100ha, đến nay mở rộng lên hơn 450ha. Rừng ngập mặn không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng, hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển phong phú của các quần thể sinh vật ven biển. Chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức trong việc chung tay bảo vệ rừng. Thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn bảo vệ, kiểm tra nghiêm ngặt tình trạng phá rừng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về bảo vệ rừng, tạo phong trào sâu rộng nâng cao ý thức người dân, thu hút toàn xã hội tham gia bảo vệ rừng. Lựa chọn trồng những cây phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như sú vẹt, bần, thông… có bộ rễ dày để góp phần làm giảm tốc độ dòng chảy của thủy triều, giảm sự xói lở chân đê do sóng biển gây ra. Ngoài ra, việc trồng rừng còn bảo đảm ổn định việc nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân địa phương và bảo vệ quốc phòng, an ninh vùng ven biển. 

Mặc dù đạt kết quả ban đầu trong bảo vệ rừng ngập mặn, song thời gian tới cần phải sự chung tay của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và của nhân dân trong việc phát triển rừng ngập mặn một cách bền vững.

Mạnh Thắng