Thứ 7, 23/11/2024, 16:25[GMT+7]

Lão tướng Bạch đầu quân

Thứ 2, 19/06/2017 | 09:11:41
13,416 lượt xem
Làng An Cúc, xã Việt Hưng (nay là xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy) có đội du kích đêm ngày đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng, kiên cường chiến đấu với quân xâm lược. Nhiều chiến sĩ du kích đã hy sinh anh dũng, trong đó có lão tướng Phạm Khắc Roạt.

Sân đền Gọc Chợ, thôn An Cúc, địa điểm ông Phạm Khắc Roạt cùng các chiến sĩ du kích quân luyện tập võ thuật để bảo vệ quê hương trong những năm 1947 - 1949.

Khoảng giữa năm 1951, sau khi tàn phá hết các làng kháng chiến ở Nam Quỳnh Côi, Bắc Phụ Dực (nay là huyện Quỳnh Phụ), giặc Pháp mở nhiều trận càn xuống địa bàn huyện Thụy Anh (nay là huyện Thái Thụy), trong đó có cuộc hành quân mang tên Me-ri. Quân giặc có pháo binh, xe cóc yểm trợ và đặc biệt một trung đoàn gồm lính Âu - Phi từ Diêm Điền tràn về bổ sung thêm lực lượng càn quét, bình địa các xã của huyện Thụy Anh nhằm truy bắt cán bộ cách mạng và bộ đội chủ lực nằm vùng. Làng An Cúc, xã Việt Hưng (nay là xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy) có đội du kích đêm ngày đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng, kiên cường chiến đấu với quân xâm lược. Nhiều chiến sĩ du kích đã hy sinh anh dũng, trong đó có lão tướng Phạm Khắc Roạt.

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Khắc Roạt sinh năm 1902 tại làng An Cúc, xã Việt Hưng (nay là xã Thụy Việt). Ông mồ côi cha mẹ từ tấm bé, lớn lên đi ở đợ cho địa chủ. Cuộc sống lầm than, khổ cực, quanh quẩn sau lũy tre làng dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã nung nấu trong ông ý chí chiến đấu quét sạch quân giặc cướp nước và bè lũ tay sai bán nước ra khỏi bờ cõi, quê hương. Rồi một ngày, ánh sáng cách mạng rọi tới vùng quê nghèo của ông, ông đi theo cách mạng, gia nhập đội quân du kích thôn. Nhận nhiệm vụ tổ chức đảng giao, ông tập hợp thanh niên, trai tráng trong làng, trong xã luyện tập võ thuật, tự chế tạo binh khí, đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ và liên tục chiến đấu chống càn của giặc Pháp, bảo vệ cán bộ cách mạng, bảo vệ làng.

Năm 1947 - 1949, thực hiện chủ trương của Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Thụy Anh, Ủy ban kháng chiến xã Việt Hưng tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng thôn trang chiến và xây dựng làng kháng chiến. Trước khi quân Pháp chiếm đóng Diêm Điền, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến xã Việt Hưng, các thôn Đồng Hòa, Cao Trai, An Cúc trở thành thôn trang kháng chiến kiểu mẫu, xung quanh thôn có hàng tre ken dày làm dậu lũy ngăn bước tiến quân thù, giúp dân quân, du kích tuần tra, canh gác ban đêm được thuận lợi. 

Đầu năm 1950, quân Pháp chiếm được Diêm Điền, tình hình chiến sự trở nên ác liệt, Ủy ban kháng chiến xã Việt Hưng kịp thời chỉ đạo các thôn, làng triển khai kế hoạch đào hố cá nhân, hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, du kích, bộ đội chủ lực nằm vùng. Ngày 16 tháng Giêng năm Canh Dần 1950, giặc mở đợt tấn công vào xã Việt Hưng, ngay lập tức chúng đã vấp phải tinh thần chiến đấu quả cảm của đội quân du kích cùng nhân dân các thôn, làng với phương châm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Xác định vị trí trọng điểm khi quân Pháp tiến đánh Việt Hưng, Chi ủy Việt Hưng chỉ đạo thôn An Cúc xây dựng thôn trang kháng chiến kiểu mẫu, huy động lực lượng du kích cùng nhiều quần chúng có tinh thần giác ngộ cách mạng cao tập trung đào giao thông hào từ Cao Dương đến chợ Gọc (thôn An Cúc), từ Hòa Đồng, Cao Dương đến sát bốt Xá Thị.

 Ông Phạm Khắc Roạt là du kích thôn đồng thời là đội viên du kích “bạch đầu quân”, với tinh thần kiên cường bám làng kháng chiến, gương mẫu đi đầu trong hoạt động kháng Pháp không quản ngại khó khăn ông huy động cả vợ, con trai Phạm Khắc Huy là du kích thôn đào hầm, nấu cơm nuôi giấu cán bộ. Sáng sớm ngày 1/8/1950, được sự chỉ điểm của bọn việt gian, quân giặc từ bốt Xá Thị tràn vào làng An Cúc lùng sục, truy tìm cán bộ cách mạng. Một số cán bộ, du kích kịp thời xuống hầm bí mật, số không kịp ẩn nấp bị bắt cùng nhân dân, bọn giặc dồn tất ra đình. Lũ giặc kéo vào nhà ông Roạt, bắt ông lôi ra đình tra tấn. Chúng dụ dỗ ông chỉ hầm bí mật, nơi cất giấu tài liệu, vũ khí, ông một mực trả lời: Không biết. Chúng quẳng ông xuống ao, dìm ông uống no nước rồi lôi ông lên bờ thay nhau nhảy lên bụng ông dận cho phọt nước ra đường miệng. Mỗi lần hỏi cung ông chúng lại nhúng ông xuống ao rồi 6 tên lính bảo an túm chân ông dốc ngược, dỗ đầu ông xuống tảng đá kê làm cầu ao như giã giò. Đánh đập ông chán, chúng lại lôi ông về nhà bắt ông chỉ cho chúng hầm bí mật, lết những bước đi nặng nhọc ông nhìn thẳng vào mặt lũ giặc với ánh mắt căm hờn: “Tao không biết”. Chúng lại đè ngửa ông ra đổ nước điếu vào miệng cho sặc sụa rồi dùng giày đinh dận lên ngực cho nước điếu trào ra. Không tìm được hầm bí mật, chúng lôi ông ra ngoài đình, dong ông đi từng hàng người ở đình, bắt ông phải chỉ người nào là Việt Minh, ông vẫn nghiến chặt hai hàm răng, thều thào: Không có. Mọi ánh mắt thương cảm của các đồng chí du kích, cán bộ cách mạng, nhân dân thôn An Cúc đổ dồn về phía ông, nhiều người đã không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến cảnh tra tấn cực hình của quân giặc với lão tướng “bạch đầu quân”, cho dù lúc ấy trước mắt kẻ thù có nhiều đồng chí của ông là cán bộ cốt cán của tổ chức đảng, du kích và cả bộ đội chủ lực đang đứng trà trộn cùng quần chúng nhân dân trong làng. Một tên lính bảo an lôi xềnh xệch ông đến trước mặt ông Phạm Công Thỉnh là chỉ huy du kích hỏi đây có phải là thằng Thỉnh không, ông nói trong hơi thở khó nhọc: Là thằng Thính chứ không phải thằng Thỉnh. Nhờ câu trả lời đó ông Thỉnh thoát khỏi sự truy lùng của giặc. Biết ông Roạt bị bắt, bị tra tấn hết sức dã man, nhiều cán bộ, du kích, trong đó có ông Đào Ngọc Chế là Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Thụy Anh về chỉ đạo phong trào du kích xã Việt Hưng cùng 4 đồng chí trong ban chi ủy xã đang trú dưới hầm bí mật tại nhà ông và căn hầm bí mật ấy lại do chính ông cùng vợ, con ông đào đã phải cắn chặt răng đến bật máu kìm nén nỗi xót thương người đồng chí kiên trung của mình đang bị tra tấn ngay trên đầu mình.

Suốt 6 giờ tra tấn, bọn giặc không thể cạy răng ông Roạt lấy bất kỳ một thông tin nhỏ nhoi nào về tổ chức đảng, hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, nơi cất giấu tài liệu, vũ khí… ngược lại, chúng trả lại cho ông một tấm thân tàn tạ, quần áo tơi tả, người bê bết máu. Bất lực trước lòng dũng cảm, kiên trung của người chiến sĩ cộng sản, quân giặc lôi ông ra bên trái đình, cạnh bờ ao nhà ông Nguyễn Quang Hò, bắt ông quay mặt ra ao rồi dùng súng lục bắn vỡ đầu ông, đạp ông nằm sấp xuống ao. Chúng điên cuồng đốt cháy nhà ông và nhiều nhà dân khác rồi rút quân về đồn.


Ông Phạm Khắc Hòa, đảng viên 65 năm tuổi đảng, nguyên đội viên du kích thôn An Cúc, xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy

Trước lúc hy sinh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Khắc Roạt là đội viên du kích “Bạch đầu quân” thì tôi mới tham gia du kích thôn và còn rất trẻ. Ông Roạt rất chịu khó đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng. Tôi cũng cùng ông đào hầm bí mật, tôi nhỏ người chui vào trong đào đất, ông chuyển đất ra ngoài bờ ao, đùn đất xuống lòng ao đầy bèo lục bình để che mắt giặc. Ông còn cùng vợ con đào ba căn hầm bí mật tại nhà của mình gồm hai hầm chìm, một hầm nổi để nuôi giấu cán bộ. Ông tập hợp thanh niên chúng tôi ra sân đền Gọc Chợ luyện tập võ công phòng khi giặc đến cướp phá làng. Lúc ông bị giặc bắt, bị tra tấn hết sức dã man, tôi có mặt ở sân đình và tận mắt chứng kiến cảnh ông bị giặc Pháp hành hạ, ông cắn răng chịu đựng đau đớn, không khai ra tổ chức, hầm bí mật, nơi cất giấu tài liệu, quân khí, mặc dù lúc ấy vợ ông tay bồng đứa con gái nhỏ kêu khóc thảm thiết, ông chỉ nhìn vợ, nhìn con nước mắt ứa ra, ông không thể nói được gì. Ông nhận tất cả sự hy sinh về mình, bảo vệ an toàn cho 34 cán bộ cách mạng, nêu gương sáng về lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc.


Ông Nguyễn Quang Phê, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Thụy Việt là địa bàn cách mạng của huyện Thái Thụy. Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Khắc Roạt là người con ưu tú, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất của làng An Cúc, xã Thụy Việt chúng tôi đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày nay, là xã khó khăn nhất về phát triển kinh tế của huyện Thái Thụy, Đảng bộ và nhân dân Thụy Việt đoàn kết, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, cùng chung tay góp sức xây dựng thành công nông thôn mới.


Quang Viện