Chủ nhật, 17/11/2024, 14:29[GMT+7]

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sơ kết gieo cấy lúa mùa, triển khai công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ đông

Thứ 4, 19/07/2017 | 14:50:13
1,507 lượt xem
Sáng ngày 19/7, tại Thái Thụy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất gieo cấy lúa mùa, triển khai công tác chăm sóc phòng trừ sâu bệnh vụ mùa năm 2017; chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ đông năm 2017; công tác chăn nuôi, thú y 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Đến ngày 18/7, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 75.600ha, đạt 94,3% kế hoạch, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 26 – 27%. Đến nay, trà lúa mùa cực sớm đang trong giai đoạn ôm đòng, dự kiến trỗ bông cuối tháng 7, đầu tháng 8; trà lúa mùa sớm đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ; trà lúa đại trà đang bén rễ hồi xanh đến đẻ nhánh. Giai đoạn lúa sau cấy xuất hiện một số đối tượng gây hại như ốc bươu vàng, chuột ở diện hẹp, ngành chuyên môn đã có hướng dẫn và chỉ đạo nông dân tổ chức diệt chuột, ốc bươu nên diện tích thiệt hại không đáng kể. Các đối tượng sâu, bệnh khác đang được tập trung theo dõi. Vụ đông năm 2017, các địa phương trong tỉnh phấn đấu gieo trồng 35.315ha, trong đó diện tích cây ưa ấm 17.614ha, diện tích cây ưa lạnh 18.701ha. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các địa phương đang tập trung cao độ cho việc tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc lúa mùa, thu hoạch cây màu hè và gieo trồng cây màu vụ hè thu, giúp cây trồng có sức sinh trưởng tốt.

Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thành phần dịch hại trên lúa mùa năm 2017 cơ bản không có gì thay đổi so với vụ mùa năm 2016, bao gồm các đối tượng chính: sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, bệnh bạc lá, khô vằn, đen lép hạt… Trong đó một số đối tượng hại: sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá có xu hướng gây hại cao hơn so với vụ mùa năm 2016.

Đến ngày 18/7, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 75.600ha, đạt 94,3% kế hoạch

6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 4.239.589 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đạt 3,66%. Công tác quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống vật nuôi và môi trường chăn nuôi được chú trọng. Toàn tỉnh có 21 trang trại chăn nuôi tập trung được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; đã có 2 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác chăn nuôi được hình thành. Công tác giám sát và xử lý dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm, động vật thủy sản được duy trì thường xuyên, không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; đã phát hiện và xử lý kịp thời 01 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1; giám sát và xử lý bệnh đốm trắng ở tôm nuôi. Phấn đấu năm 2017, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 3,5% so với năm 2016; 6 tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án Tái cơ cấu giống gia súc trong chăn nuôi nông hộ, Đề án Quy hoạch và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của ngành Nông nghiệp thể hiện ở tốc độ tăng trưởng ngành 6 tháng đầu năm qua. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Nông nghiệp tập trung đôn đốc tiến độ xây dựng NTM, tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư vào  nông nghiệp, nông thôn. Trước mắt tăng cường lực lượng cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, phân công cán bộ phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân các giải pháp kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng sau mưa úng, đặc biệt công tác dặm tỉa, bón phân cân đối cho lúa mùa. Làm tốt công tác điều tiết nước, theo dõi, nắm bắt tình hình dịch hại và biện pháp phòng trừ trên lúa và cây màu; phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin tình hình dịch hại để nông dân phát hiện và xử lý kịp thời.

 Lưu Ngần