Chủ nhật, 24/11/2024, 02:46[GMT+7]

Đến với vùng đất anh hùng

Thứ 3, 25/07/2017 | 18:10:42
1,960 lượt xem
Những ngày tháng 7, hàng triệu trái tim người dân Việt Nam bồi hồi tưởng nhớ công lao to lớn của những người con đã ngã xuống vì quê hương, đất nước. Trong dòng mạch tri ân ấy, Đoàn công tác tỉnh Thái Bình đã đến mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió để thăm viếng, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk.

Đại biểu các sở, ngành tỉnh Thái Bình dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk.

Thành phố Buôn Ma Thuột được nhiều người biết đến không chỉ là một vùng đất huyền thoại với bản sắc văn hóa đa dạng, đây còn là một mảnh đất đã ghi vào lịch sử với chiến thắng quan trọng “Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975” - điểm khởi đầu của đại thắng mùa xuân năm 1975, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. 

Từ một vùng đất nhỏ bé của người Êđê, do vị trí địa lý thuận lợi và đất đỏ bazan màu mỡ, các cộng đồng dân cư ở mọi miền Tổ quốc hội tụ về đây chung lưng đấu cật sinh cơ lập nghiệp, tạo dựng cơ đồ bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ XIX. Họ cùng nhau chống thù trong giặc ngoài, nhất là từ khi thực dân Pháp đặt chân lên Tây Nguyên với các phong trào đấu tranh của Ama Jhao, N'Trang Gưh, Oi H’Mai, Sam Brăm, N'Trang Lơng, Y Út, Y Jút... 

Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Buôn Ma Thuột đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền và hai cuộc kháng chiến trường kỳ với 9 năm chống thực dân Pháp và 20 năm chống đế  quốc Mỹ. Với ý chí kiên cường quyết tâm bám buôn, bám bản bảo vệ từng tấc đất quê hương, quân và dân Buôn Ma Thuột đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn tỉnh có 3.800 phần mộ liệt sĩ đã được quy tập tại các nghĩa trang. Trong đó, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh đông nhất với 2.178 phần mộ liệt sĩ, trong số hàng nghìn người con ưu tú đó có 107 liệt sĩ là con em quê hương Thái Bình. Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk tọa lạc trên một quả đồi rộng, được bao bọc bởi những hàng thông cao vút hòa cùng với nắng gió của Tây Nguyên tạo nên những bản nhạc du dương che chở nơi các anh yên nghỉ trong lòng đất mẹ. 

Có mặt ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk những ngày tháng 7, từng đoàn người từ khắp nơi đổ về dâng hương, hoa thành kính tri ân các anh linh liệt sĩ. Dưới tán cây xanh và trong tiếng nhạc trầm lắng, Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình đã kính cẩn nghiêng mình thắp những nén tâm nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ. Đứng trước hàng nghìn phần mộ, lần theo từng dòng tên tuổi, quê quán, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh, từ trong  tâm khảm mỗi người đều dâng trào lên niềm xúc động, nén lòng nhưng sống mũi vẫn cay, vẫn có những tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt nước mắt rơi... 

Trong hàng nghìn những tấm bia đó chúng tôi đã gặp những người con ưu tú của quê lúa Thái Bình đang yên nghỉ nơi đây như: Trần Đức Bình, xã Bình Minh (Kiến Xương); Phạm Bá Tiên, xã Thái Đô (Thái Thụy); Phạm Đức Cẩm, xã Nguyên Xá (Vũ Thư); Bùi Gia Thiện, xã An Ninh (Quỳnh Phụ); Đặng Văn Việt, xã Đông Giang (Đông Hưng); Nguyễn Đình Xuân (Hưng Hà); Bùi Ngọc Thoa, xã Nam Thắng (Tiền Hải)… Không ai bảo ai, trong chốc lát nơi các anh yên nghỉ đều có những nén hương thơm, những nhành hoa tươi thắm và có cả đặc sản quê hương thể hiện tình cảm của những người con quê hương Thái Bình mang đến với các anh, biểu lộ lòng tri ân, sự biết ơn sâu sắc với những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì quê hương, đất nước.        

Chiến tranh đã đi qua, có mặt ở những nơi ghi dấu chiến tích về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc mới thấy hết những khốc liệt mà cha anh đã trải qua. Để rồi, mỗi chúng ta càng tự hào trước sự hy sinh lớn lao của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho nền hòa bình, tự do của Tổ quốc và được tiếp thêm năng lượng và tự nhủ bản thân, cần sống tốt hơn để xứng đáng với những hy sinh, mất mát của lớp cha anh đi trước.

Để có một Buôn Ma Thuột nên thơ giữa đại ngàn Tây Nguyên lộng gió như hôm nay đã có hàng nghìn người con ưu tú trên mọi miền Tổ quốc không tiếc máu xương chiến đấu và anh dũng hy sinh bảo vệ từng buôn làng, dòng suối nơi đây.




Ông Lê Hải Lý, Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk)

Những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk luôn phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thân nhân gia đình liệt sĩ tìm kiếm hài cốt, cũng như di dời hài cốt liệt sĩ về quê và công tác thăm viếng. Sở cũng chỉ đạo ban quản lý các nghĩa trang quan tâm nhang khói, thường xuyên chăm sóc các phần mộ liệt sĩ để các anh ấm lòng.

Ông Đỗ Viết Mão, cựu chiến binh thành phố Buôn Ma Thuột

Bản thân tôi là người lính đã “vào sinh ra tử” trên các chiến trường ác liệt như Tây Ninh, Sài Gòn và biên giới phía Nam, tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội anh dũng hy sinh. Tôi may mắn hơn các anh được sống, chứng kiến thành quả cách mạng mà các anh phải đổi bằng xương máu. Để ấm lòng đồng đội, nhiều năm qua tôi đã đến đây chăm sóc phần mộ các liệt sĩ với mong muốn đem sức lực còn lại của mình an ủi, sưởi ấm cho vong linh của các anh.

Anh Hoàng Xuân Hòa, cán bộ Tỉnh đoàn Đắk Lắk

Là thế hệ trẻ, sinh ra khi đất nước không còn chiến tranh chúng tôi luôn biết ơn và trân trọng, tự hào về thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho đất nước. Thế hệ trẻ tỉnh Đắk Lắk luôn nguyện  noi theo những tấm gương dũng cảm hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, ra sức học tập, công tác, xây dựng mảnh đất cao nguyên ngày càng giàu đẹp.


Nguyễn Tùng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày