Thứ 5, 14/11/2024, 11:52[GMT+7]

Giấc mơ Trung Kiên

Thứ 5, 27/07/2017 | 09:06:52
1,244 lượt xem
Từ một cồn cát đứng trước nguy cơ xóa sổ bởi sự bào mòn của biển, sự tàn phá của bão tố, cồn Đen hôm nay bát ngát một màu xanh, từng ngày “thay da đổi thịt” trở thành “hòn ngọc” ở vùng ven biển Thái Thụy. Có được kỳ tích ấy phải kể đến nỗ lực của cựu chiến binh Vũ Trung Kiên, người có giấc mơ kỳ lạ.

Cựu chiến binh Vũ Trung Kiên truyền cảm hứng bảo vệ môi trường biển cho công nhân và thế hệ trẻ.

5 năm trở lại đây, cồn Đen trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch khi tới Thái Bình. Cồn Đen hấp dẫn bởi nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời, bãi tắm đẹp và nhất là được tận mắt thấy công cuộc chinh phục thiên nhiên kỳ vĩ của con người. 

Bà Lisa Yzabest, khách du lịch quốc tịch Anh chia sẻ: Cồn Đen được cải tạo bởi bàn tay con người nhưng thật ngỡ ngàng vì nó còn giữ được rất nhiều nét hoang sơ. Đến thăm nơi này, chúng tôi được hòa mình vào thiên nhiên khi đi bộ trên cây cầu tre dài hàng cây số độc đáo mà không nơi nào có và ngắm rừng ngập mặn hoa trái ngát hương, những loài chim đã được ghi trong sách đỏ.

Chúng tôi đến cồn Đen sau khi bão số 2 đổ bộ vào đất liền. Dù đã hẹn trước nhưng để gặp được chủ nhân của “hòn đảo”, chúng tôi phải cuốc bộ gần một cây số dưới tán rừng thông, phi lao xanh rì ra phía biển mới gặp được ông. 

Đang rốt ráo chỉ đạo và cùng với anh em công nhân thu vớt hàng trăm khối bèo tây chết trôi dạt vào bãi kè, ông Kiên cho biết: Câu chuyện chinh phục cồn Đen bắt đầu từ 10 năm về trước, thời điểm ông vừa rời quân ngũ sau 25 năm phục vụ trong quân đội. Khi ấy, cồn Đen đang đối mặt với nguy cơ xóa sổ bởi bị bào mòn và xâm thực dữ dội của sóng, của gió. Ý tưởng bảo vệ, khôi phục cồn Đen của ông lúc đầu vấp phải sự phản đối của gia đình, người thân và cả chính quyền các cấp bởi nó quá viển vông, xa vời và mạo hiểm. Nhưng với quyết tâm của một người lính từng kinh qua trận mạc và một dự án được viết chi tiết, khoa học, đầy tâm huyết, ông đã thuyết phục được tất cả để có được sự cho phép của chính quyền và bắt tay vào thực hiện giấc mơ.

Trong vô số câu chuyện về cải tạo, bảo vệ cồn Đen, người ta ấn tượng, khâm phục và giật mình nhất là chuyện ông Kiên quai đê lấn biển và làm cầu tre. Chỉ bằng sức người, hơn 1 triệu khối đá được vận chuyển ra cồn để xây dựng hơn 2,5km kè chắn sóng. Rồi việc lắp đặt cây cầu tre dài hơn một cây số len lỏi giữa rừng ngập mặn phục vụ việc đi lại của công nhân, ngư dân sản xuất và công việc tuần tra bảo vệ cồn Đen. 

Ông Kiên chia sẻ: Ban đầu, cây cầu được làm ra chỉ để phục vụ sản xuất, canh coi cồn, không ngờ bây giờ nó lại là con đường yêu thích của khách du lịch khi ra cồn Đen.

Cồn Đen hôm nay trở nên thơ mộng, hiền hòa trong mắt của những ai đã một lần đến đây. Nhưng có lẽ ít người biết được, ẩn sâu trong vẻ đẹp lộng lẫy của “hòn đảo” ven bờ này là biết bao nhọc nhằn, gian khổ, mồ hôi, nước mắt và cả sự hy sinh lớn lao của ông Kiên cũng như các cộng sự của ông. Đó là những lần biển nhấn chìm nơi ăn, chốn ở của công nhân, cuốn phăng hàng trăm mét kè đá, công sức mấy tháng trời của ông Kiên và anh em làm việc quên ngày tháng biến mất chỉ sau một đêm; nào là tiền mất, nợ nần chồng chất, hạnh phúc gia đình của ông Kiên có nguy cơ tan vỡ… Nhưng trong vô vàn khó khăn ấy, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn tỏa sáng, sự bền gan, vững chí đã giúp ông vượt qua để theo đuổi và biến giấc mơ của mình thành hiện thực.

Sau hơn 10 năm lao tâm khổ tứ, giờ đây ông Kiên đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi cồn Đen đã hồi sinh và vươn mình lớn dậy. Điều ông hạnh phúc không phải cồn Đen trở thành điểm du lịch hấp dẫn, bước đầu cho lợi nhuận kinh tế mà đó là giấc mơ của ông thành hiện thực là cơ sở để khơi dậy khát vọng chinh phục thiên nhiên từ những người con miền biển. 

Cồn Đen là biểu tượng cho ước vọng “đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại” của dân tộc và thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay, mai sau viết tiếp bài ca mở cõi, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà bao thế hệ đi trước đã dày công gây dựng.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày