Chủ nhật, 24/11/2024, 00:06[GMT+7]

Kết quả sự hy sinh thầm lặng

Thứ 4, 02/08/2017 | 08:28:12
2,900 lượt xem
Đời người con gái ai cũng mong lấy được người chồng khỏe mạnh làm chỗ dựa nhưng có những phụ nữ vẫn chấp nhận khó khăn, gian khổ, tình nguyện lấy thương binh nặng. Thầm lặng hy sinh, thầm lặng làm chỗ dựa cho chồng, họ đã chứng minh một điều: “Tình yêu có thể vượt qua tất cả”.

Hàng ngày chị Thơm như một y tá chăm sóc vết thương cho chồng.

Giữ trọn lời hẹn ước

Năm 1984, người con gái Phạm Thị Thơm đem lòng yêu chàng trai cùng làng Phạm Đình Khiển, thôn Đông Nghĩa, xã Quang Hưng (Kiến Xương). Tình yêu chớm nở, anh xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). 2 năm sau, anh trở về mang trên mình thương tật 81%. Những tưởng tình yêu của chị dành cho anh sẽ nguội lạnh nhưng chị vẫn kiên quyết nhận lời làm vợ người thương binh nghèo, mặc cho người thân, bạn bè khuyên can. 

Nói về quyết định gắn bó cả cuộc đời với anh, chị Thơm chia sẻ: Lúc anh ấy mới về, bụng chằng chịt vết mổ do mảnh pháo cối trong trận chiến làm đứt 5 khúc ruột, phải dùng hậu môn nhân tạo, người gầy gò xanh xao, thấy thế nhiều người khuyên tôi không nên lấy anh, thậm chí có người còn nói lấy thương binh như thế chắc gì đã sinh được con, cáng đáng làm sao được công việc gia đình. Song bỏ ngoài tai những lời khuyên, nhìn anh ốm yếu trong khi bạn bè cùng trang lứa được đi khắp nơi chị càng thương anh hơn, quyết tâm làm chỗ dựa cho anh. Rồi niềm vui đến với anh chị, sau đám cưới lần lượt 4 người con ra đời nhưng đó cũng là lúc khó khăn chồng chất đến với chị, vừa chăm chồng đau yếu, chăm sóc bố mẹ chồng vừa chăm sóc con nhỏ. 

“Mỗi khi trái gió trở trời, những mảnh đạn còn sót lại trong người khiến cơ thể anh đau nhức, mệt mỏi, tính tình anh cũng vì thế mà thay đổi thất thường nhưng thương chồng tôi nghĩ mình phải cố gắng vượt qua” - chị Thơm tâm sự. 

Thấu hiểu nỗi đau mà chồng đang phải gánh chịu, chị chưa khi nào trách giận mỗi khi anh to tiếng, luôn bên anh suốt hơn 30 năm. Hàng ngày, chị như một người y tá vệ sinh vết mổ, chuẩn bị thuốc men, lo cho chồng từng bữa ăn, giấc ngủ. Tấm chân tình của người vợ tảo tần, hết lòng hy sinh vì chồng, vì con của chị đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh giúp anh vượt qua nỗi đau bệnh tật. 

“Những công việc nặng vợ tôi đều tự làm hoặc mượn người khác giúp chứ nhất định không cho tôi động vào, qua từng việc làm, hành động nhỏ của vợ tôi biết cô ấy rất thương tôi” - thương binh nặng Phạm Đình Khiển tâm sự.

Để chia sẻ gánh nặng kinh tế trên đôi vai người vợ, anh học thêm nghề cây cảnh, đào ao thả cá, cùng vợ trông nom cửa hàng tạp hóa nhỏ. Cuộc sống khó khăn nhưng hai vợ chồng luôn kề vai sát cánh, tạo điều kiện cho các con ăn học đầy đủ. Giờ đây, 4 người con của anh chị đã trưởng thành, nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi. Tình yêu thương của chị chính là điểm tựa để anh vươn lên trong cuộc sống.

Những lúc rảnh rỗi chị Tiệc cùng chồng làm thêm một số việc để tăng thu nhập.

Một đôi chân gắn kết hai số phận

Ngôi nhà hai tầng rộn tiếng trẻ thơ cùng tấp nập khách đến mua hàng tại cửa hàng chăn ga gối đệm của gia đình thương binh nặng Hoàng Văn Môn và người phụ nữ tần tảo Phạm Thị Tiệc, thôn Cao Mại, xã Quang Hưng (Kiến Xương) là kết quả của tình yêu khiến nhiều người cảm phục. Năm nay, dù cả hai đã gần 60 tuổi nhưng tình yêu của họ dành cho nhau vẫn không hề vơi cạn, dẫu trong cuộc sống phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. 

Nhắc lại kỷ niệm ngày hai người quen nhau rồi tình nguyện đến với nhau, anh Môn đến giờ vẫn không tin đó là sự thật: Tôi quê xã Quang Hưng, chúng tôi quen nhau năm 1986 khi tôi đang điều trị tại Trại điều dưỡng thương binh nặng. Tôi mang trong mình thương tật 92%, không còn đôi chân, còn cô ấy là đoàn viên thanh niên của xã Quang Trung. Tôi gặp cô ấy trong một lần cô ấy đi thu dọn bão qua nơi tôi điều trị, tôi có chút xao động và dần thổi bùng lên ngọn lửa hy vọng có một mái ấm gia đình. Gạt đi sự tự ti, mặc cảm với cả hai chân không còn nguyên vẹn, tôi tìm đến nhà và dùng chính những tình cảm chân thành của mình để cảm động người con gái xã bên. Sau một năm quen nhau, chúng tôi đến với nhau trong sự ủng hộ của hai gia đình.

Với cô thôn nữ Phạm Thị Tiệc, để yêu và chấp nhận làm chỗ dựa cả đời cho một người thương binh nặng chị phải bỏ ngoài tai rất nhiều lời khuyên từ bạn bè. 

“Trước khi đến với anh ấy tôi cũng có rất nhiều thanh niên trong xã theo đuổi nhưng tôi không có tình cảm. Khi gặp anh, ban đầu vẫn còn những e ngại bởi nghĩ mình lành lặn trong khi bạn bè cùng lứa thì người yêu người ta có chân có tay, đi làm được những việc nặng nhọc cho gia đình, rồi bạn bè khuyên can nhưng khi thấy anh chịu nhiều thiệt thòi tôi rất thương anh ấy. Nhiều đêm suy nghĩ, cũng vì chiến tranh, vì đất nước nên anh mới như thế, thông cảm với hoàn cảnh của anh tôi quyết định dành trọn cuộc đời mình làm chỗ dựa cho anh” - chị Tiệc chia sẻ.

Khi mới đến với nhau, cuộc sống của hai vợ chồng rất khó khăn, gia đình hai bên cũng chẳng có gì giúp đỡ. Ban đầu hai vợ chồng bán thuốc lá ở chợ rồi chuyển dần về nhà bày bán nhỏ. Có đồng lãi, vợ chồng chuyển sang mở cửa hàng chăn ga gối đệm tại gia đình. Để có tiền trang trải cho gia đình, chị đã cùng chồng buôn bán ngược xuôi, một tay lo toan công việc đồng áng, vườn tược, ngoài ra chị còn gồng gánh thêm cả những việc của anh. Nhiều khi bệnh tật hành hạ, khó khăn kinh tế bủa vây song chị chưa bao giờ nản chí bởi bên cạnh chị luôn có sự cổ vũ tinh thần của người chồng thương binh. Dù cuộc sống có muôn vàn trắc trở, người vợ ấy vẫn luôn lặng lẽ bên chồng, nâng bước anh trên đôi chân giả, mang đến cho anh một gia đình trọn vẹn mà anh hằng mơ ước. Sự vất vả, tảo tần của chị đã được đền đáp xứng đáng khi hai người con đều ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, trở thành niềm tự hào của bố mẹ.

Câu chuyện tình yêu của chị Thơm, chị Tiệc chỉ là hai trong số rất nhiều mối tình đẹp của những người phụ nữ dành cho những thương binh nặng. Họ sẵn sàng chấp nhận mọi gian khó để cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Họ đến với nhau không chỉ bằng tình yêu mà lớn hơn đó là tình thương với những người chiến sĩ đã hiến dâng một phần thân thể và tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của dân tộc. 

ình yêu thương, đức hy sinh của các chị thực sự là tấm gương để thế hệ trẻ hôm nay phải suy nghĩ và học tập.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày