Thứ 3, 26/11/2024, 06:40[GMT+7]

Để bộ máy tinh gọn, thông suốt, hiệu quả (kỳ 4)

Thứ 4, 02/08/2017 | 08:50:04
1,442 lượt xem
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thì việc rà soát chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả và nâng cao chất lượng cán bộ là vấn đề bức bách hiện nay, cần có giải pháp đồng bộ.

Cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy làm tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho cấp ủy tỉnh.

Đổi mới thể chế và chính sách

Thời gian qua, đã có nhiều văn bản liên quan đến công tác cải cách hành chính nhà nước do Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ban hành. Vừa qua, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 và nhận thấy thể chế pháp luật quy định về tổ chức bộ máy hành chính hiện nay còn chưa đồng bộ, quy định không rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước. Vấn đề đặt ra không chỉ riêng đối với Thái Bình mà trong cả nước là làm thế nào để tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. 

Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng giảm chi phí, năng cao năng suất cây trồng ở Đông Hưng.

Theo đồng chí Phạm Văn Tuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Trên cơ sở những mặt được, những hạn chế, tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn những năm qua, Chính phủ cần sớm tiến hành tổng rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan, tổ chức khác thuộc bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương. Trên cơ sở đó điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; có thể chuyển giao những công việc mà cơ quan hành chính nhà nước không nên làm hoặc làm chưa hiệu quả cho xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận. Tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống văn bản về công tác tổ chức bộ máy của Chính phủ, của các bộ, ngành, văn bản nào không còn phù hợp thì bãi bỏ, văn bản nào mâu thuẫn, chồng chéo thì sửa đổi, văn bản nào chưa có thì kịp thời ban hành. Cùng với đó, cần đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có giải pháp nâng cao tính kịp thời của việc ban hành các văn bản pháp luật. Sớm đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương để phát huy tính tự chủ, năng động của chính quyền địa phương các cấp; phân biệt rõ hơn chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mỗi cấp hành chính, mỗi loại hình đơn vị hành chính để phân cấp cho phù hợp. Cải cách mạnh mẽ thể chế quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công theo hướng đề cao quyền tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công. Nghiên cứu xây dựng tổng thể quy hoạch bộ máy nhà nước từ Chính phủ đến các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ, ổn định, hạn chế thay đổi.

Cán bộ Hội Cựu chiến binh tỉnh thăm mô hình sản xuất của hội viên ở Hưng Hà.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của UBND các cấp, các sở, ban, ngành, các phòng, ban, chuyên môn trực thuộc UBND huyện, thành phố bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính, bảo đảm thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bỏ trống nhiệm vụ quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó quy định chặt chẽ khung số lượng tổ chức trực thuộc bảo đảm tinh gọn, hợp lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Phân cấp, phân quyền hợp lý cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đồng thời tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự quản lý thống nhất của bộ máy hành chính nhà nước. Tỉnh cũng sẽ xây dựng đề án sắp xếp tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Quy định khung số lượng các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, cấp huyện, nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Chất lượng cán bộ - yếu tố then chốt

Đồng chí Đỗ Xuân Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Chất lượng cán bộ là yếu tố then chốt trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Thời gian tới, Thái Bình sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhằm xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ và đổi mới công tác tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ; kiên quyết điều chuyển, miễn nhiệm kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc tín nhiệm thấp, xây dựng cơ chế để đảng viên và nhân dân tham gia giám sát cán bộ và công tác cán bộ.

Sản xuất sứ dân dụng tại Công ty TNHH Sản xuất sứ Hảo Cảnh.

Ông Nguyễn Văn Bài, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận xét: CBCCVC trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay hầu hết đều là những người có trình độ, được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, ở bất kỳ vị trí công tác nào, cán bộ đều phải giữ phẩm chất đạo đức trong sáng, hết lòng vì công việc. Muốn nâng cao chất lượng công tác cán bộ, theo ông Bài, tỉnh cần có chính sách thu hút, tuyển dụng những người tài, nhất là những người có khả năng nghiên cứu, hoạch định chính sách. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ. Đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng, thiết lập môi trường làm việc thuận lợi, có chính sách đãi ngộ hợp lý để CBCCVC yên tâm làm việc lâu dài và cống hiến với khả năng cao nhất.

Cùng với nâng cao chất lượng công tác cán bộ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên các lĩnh vực, loại bỏ thủ tục rườm rà, chồng chéo, dễ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và tổ chức. Quy hoạch và xây dựng công sở theo hướng tập trung và từng bước hiện đại hóa nền hành chính, có đủ điều kiện, phương tiện làm việc, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác, giải quyết công việc.


Đồng chí Bùi Văn Huân, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Hưng

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, không chỉ tổ chức thực hiện hiệu quả đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập còn phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng, đánh giá CBCCVC mới nâng cao được chất lượng đội ngũ CBCCVC. Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá CBCCVC, người lao động, trên cơ sở đó bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ hợp lý. Các cơ quan, đơn vị phải giáo dục CBCCVC tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, văn hóa hành chính trong thi hành công vụ. Thực hiện nghiêm túc chế độ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tiêu cực, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ.

Đồng chí Nguyễn Văn Nam, công chức lao động - thương binh và xã hội xã Duy Nhất (Vũ Thư)

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đầu vào và làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ thì đội ngũ CBCCVC mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng, thiết lập môi trường, tạo điều kiện làm việc thuận lợi, có chính sách đãi ngộ hợp lý để đội ngũ CBCCVC yên tâm làm việc lâu dài, cống hiến với khả năng cao nhất của mình cho cơ quan, đơn vị nơi họ công tác…

Ông Đặng Xuân Khoa, xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình)

Chất lượng đội ngũ CBCCVC đóng vai trò tiên quyết trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng chất lượng cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ; cải tiến phương pháp làm việc theo hướng chuyên sâu, rõ trách nhiệm cá nhân, khuyến khích cán bộ nghiên cứu, đề xuất, phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Xây dựng tiêu chí đánh giá, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ, ngoài tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cần chú trọng, nhấn mạnh tiêu chí về năng lực và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.


(còn nữa)

Nguyễn Hình - Thu Hiền