Chủ nhật, 17/11/2024, 14:40[GMT+7]

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp

Thứ 5, 03/08/2017 | 20:09:48
1,724 lượt xem
Chiều ngày 3/8, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương và thành phố Thái Bình. Cùng đi có đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra lúa mùa tại xã Đông Long (Tiền Hải).

Hiện nay, lúa mùa trên địa bàn tỉnh đang sinh trưởng và phát triển tốt, trà lúa mùa sớm ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái; trà lúa mùa đại trà đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến ngày 1/8, bệnh lùn sọc đen hại lúa đã xuất hiện rải rác ở một số xã thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải; rầy lưng trắng lứa 5 nở rất rộ trên đồng ruộng và có mật độ cao bất thường so với cùng kỳ nhiều năm, nơi cao có mật độ từ 700 - 1.500 con/m2, cá biệt có những nơi mật độ từ 5.000 - 10.000 con/m2

Sau khi kiểm tra tình hình thực tế, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức rõ mức độ nguy hại của rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, qua đó chủ động phòng trừ, hạn chế đến mức thấp nhất thiện hại do sâu bệnh gây ra. Trong quá trình kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện diện tích có mật độ rầy từ 20 - 25 con/khóm trở lên phải phun phòng trừ ngay. Các địa phương chủ động điều tiết nước trên toàn hệ thống để bảo đảm đủ nước tưới dưỡng cho lúa ở thời kỳ đẻ nhánh, đặc biệt chú trọng tới những diện tích lúa đang bị nhiễm rầy lưng trắng cần phải phòng trừ, không được để tình trạng thiếu nước xảy ra. Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Chi Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huy động lực lượng cán bộ kỹ thuật tăng cường cho các địa phương, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và phòng chống bệnh lùn sọc đen bảo vệ lúa mùa… Các huyện, thành phố phân công địa bàn cụ thể cho từng thành viên ủy ban để thường xuyên kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng khẩn trương phối hợp với các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, khuyến cáo người dân mua những loại thuốc đặc trị và biện pháp phòng trừ để qua đó đạt hiệu quả cao nhất trong phòng trừ sâu bệnh…

 Phạm Hưng

  • Từ khóa