Thứ 5, 14/11/2024, 11:23[GMT+7]

Nữ dân quân sông Hồng - những bông hoa thép làm nên lịch sử

Thứ 3, 12/09/2017 | 08:32:38
1,537 lượt xem
Trong những năm giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, lớp lớp trai tráng tòng quân ra trận. Ở lại hậu phương, những nữ dân quân luôn chắc tay súng, vững tay cày, cùng viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.

Các thành viên trung đội nữ dân quân sông Hồng cùng nhau ôn lại kỷ niệm.

Lần theo những tư liệu lịch sử, chúng tôi tìm về xã Vũ Vân (Vũ Thư) gặp những nữ dân quân trực chiến sông Hồng năm xưa. Những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy nay tuổi đều đã xấp xỉ 70.

Trung đội nữ dân quân sông Hồng được thành lập năm 1963 với 24 chị em thuộc Hợp tác xã Quang Trung (gồm 3 xóm Việt Thắng, Vân Trung và An Thịnh) xã Vũ Vân. Khi đó, Bà Nguyễn Thị Lợi được bầu làm trung đội trưởng, được cử đi học tập kinh nghiệm của 7 cô gái làng Nê (thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương). Hoạt động của trung đội lúc đó chủ yếu là tham gia tập luyện quân sự, làm công tác hậu phương quân đội, hỗ trợ, giúp đỡ gia đình chính sách và nhân dân lợp nhà, phòng, chống lụt bão, sản xuất.

Ngay sau khi thành lập, trung đội nữ dân quân sông Hồng đã lập nên những chiến công vang dội. Tháng 8/1966, giặc Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại miền Bắc. Chúng sử dụng nhiều loại máy bay khác nhau, chia thành nhiều tốp tiến hành đánh phá quy mô lớn và liên tục trên toàn miền Bắc. Huyện Vũ Tiên, đặc biệt là xã Vũ Vân ngày đó cũng nằm trong vùng đánh phá của không quân Mỹ. Trung đội nữ dân quân sông Hồng cùng lực lượng dân quân xã đã trực chiến ở dốc đê Thái Hạc, bắn cháy một chiếc máy bay F4 của địch.

Khi nhớ về trận đánh điển hình ngày 7/3/1967, ánh mắt của những nữ dân quân ấy vẫn ánh lên niềm tự hào. Lực lượng lúc này đã có trên 80 chị em tham gia, được phát triển thành 2 trung đội, mỗi trung đội biên chế 40 chị em. Trong số đó 12 chị em được cử đi trực chiến ở bến đò Sa Cao (thôn Thái Sa). Khi máy bay địch đến khu vực trận địa, trung đội nữ dân quân sông Hồng bố trí ở bến đò Sa Cao đã phối hợp với các đơn vị phòng không bắn bị thương 1 máy bay Mỹ. Năm 1972, trung đội tham gia trực chiến bảo vệ bến đò Sa Cao, trực bóng hidro, trực kẻng báo động. Lúc này lực lượng đã lên đến trên 100 người. Nhờ sự dũng cảm, linh hoạt của các chị trong trung đội mà bến đò Sa Cao và đê Thái Hạc luôn được bảo vệ an toàn.

Trung đội còn tham gia làm nhiệm vụ thu dọn bom mìn ở xóm 8 xã Vũ Trung, huyện Vũ Tiên (nay là xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương), tham gia chống lụt, đắp đê ở thôn Lạc Đạo, xã Vũ Lãm, huyện Vũ Tiên, tham gia cứu vớt tàu chở hàng, đào hầm trú ẩn... Bà Nguyễn Thị Hường, thành viên trung đội nữ dân quân sông Hồng nhớ lại: Mỹ đánh bom 2 cái thuyền, mỗi thuyền có 2 công nhân lái tại khu vực chúng tôi trực chiến. Chị em chúng tôi bơi ra chỗ thuyền bị đánh bom, dùng dây chão kéo thuyền vào cái lạch gần đó, lấy võng ra cáng 4 công nhân vào trạm xá để trị thương.

Còn đối với bà Nguyễn Thị Mận - một thành viên của trung đội nữ dân quân sông Hồng thì những ngày đi làm thủy lợi là kỷ niệm khó quên nhất: Tỉnh điều đội thủy lợi Quang Trung xuống để làm kè. Nếu như không kịp thời 4 huyện sẽ ngập hết. Được sự chỉ đạo của tỉnh, chị em chúng tôi đã làm 8 ngày đêm ngâm mình dưới nước cắm kè cho đất xuống để ngăn chặn dòng chảy. Khi lên bờ thì cả người đã nhợt nhạt hết.

Với những nữ dân quân như bà Mận, bà Hường thì ký ức về 54 năm trước vẫn vẹn nguyên, để rồi mỗi khi nhắc lại niềm tự hào lại được nhân lên gấp bội. Ngày ấy, đa số các bà, các chị có chồng đi bộ đội xa nhà, một mình phải gánh vác công việc nhà chồng, lo nuôi dạy con cái, lại tham gia hoạt động dân quân. Mỗi người một hoàn cảnh, khó khăn vất vả là thế nhưng với tình yêu Tổ quốc, bằng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với sự động viên, cảm thông từ gia đình, ai cũng nỗ lực vượt qua để hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao. Họ luôn chắc tay súng, vững tay cày, thi đua cùng tiền tuyến. Trong số họ có nhiều bà, nhiều chị còn tích cực tham gia công tác địa phương như bà Nguyễn Thị Gái là chủ tịch UBND xã; bà Vũ Thị Thanh là chủ tịch hội phụ nữ; bà Lê Thị Hường là bí thư đoàn thanh niên. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Mận - người có sáng kiến thiết kế ra băng tải chuyển bùn làm tăng năng suất lao động lên 300% vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, đây là nữ Anh hùng Lao động duy nhất của huyện Vũ Thư cho đến thời điểm hiện tại.

Ghi nhận chiến công của những nữ dân quân sông Hồng, năm 1966, trung đội vinh dự được công nhận là đơn vị nữ dân quân đầu tiên trong toàn quốc và được Quân khu 3 tặng cờ đơn vị quyết thắng 6 năm liền. Đặc biệt, trung đội được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, mái tóc xanh của những nữ dân quân năm xưa giờ đây đã điểm bạc nhưng lúc nào, ở đâu họ vẫn luôn phát huy bản lĩnh của người nữ dân quân đã được tôi luyện và trưởng thành trong gian khó. Họ luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương giàu mạnh. Họ đã và đang truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay. Chị Nguyễn Thị Minh Hường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vũ Vân khẳng định: Nhắc đến trung đội nữ dân quân sông Hồng đây là vinh dự của xã Vũ Vân nói chung, niềm tự hào của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vũ Vân nói riêng. Trong thời kỳ ác liệt của đất nước, các bác đã đóng góp sức lực vừa chiến đấu vừa sản xuất bảo vệ quê hương, làm công tác hậu phương quân đội. Thế hệ trẻ chúng tôi luôn khắc ghi và tri ân những đóng góp của các bác đối với thành tích chung của Đảng bộ và nhân dân trong xã nói riêng, cả nước nói chung.

Thu Trang

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày