Thứ 2, 18/11/2024, 02:19[GMT+7]

Thành phố: Hiệu quả từ đề án xây dựng nhà văn hóa

Thứ 6, 15/09/2017 | 08:15:14
1,270 lượt xem
Sau gần 10 năm thực hiện, đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, cụm tổ dân phố thành phố Thái Bình giai đoạn 2008 - 2020 đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân về không gian sinh hoạt, giao lưu, kết nối cộng đồng.

Nhà văn hóa khu dân cư số 5, tổ 7, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) - nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ khu dân cư.

Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, cụm tổ dân phố thành phố Thái Bình giai đoạn 2008 - 2020 được triển khai năm 2008. Thời điểm ấy, toàn thành phố mới chỉ có 63 nhà văn hóa, trong khi số nhà văn hóa cần xây dựng là 262. Xác định nhà văn hóa là một thiết chế văn hóa cơ sở quan trọng, nơi tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương đến với nhân dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, các cấp lãnh đạo thành phố rất chú trọng công tác xây dựng nhà văn hóa. Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, cụm tổ dân phố thành phố Thái Bình giai đoạn 2008 - 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 thành phố có 100% các thôn, cụm tổ dân phố có nhà văn hóa.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ngay từ những ngày đầu thực hiện đề án, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã có sự thống nhất chặt chẽ và đồng bộ. Hàng năm, UBND thành phố lập dự toán, bố trí ngân sách hỗ trợ các địa phương xây dựng nhà văn hóa, trình HĐND thành phố phê duyệt từ đầu năm. Các phòng chức năng hướng dẫn các phường, xã quy hoạch địa điểm, hoàn thiện các thủ tục, lập kế hoạch xây dựng nhà văn hóa theo từng năm và hoàn thiện các thủ tục hồ sơ xây dựng theo quy định. Cấp ủy, chính quyền các phường, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch địa điểm, tuyên truyền, động viên các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà văn hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đẩy mạnh hiệu quả đề án, thành phố chỉ đạo sâu sát công tác xây dựng nhà văn hóa. Số tiền hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà văn hóa được điều chỉnh theo từng giai đoạn phù hợp với sự phát triển của xã hội. Từ kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà văn hóa năm 2009, đến năm 2011 được điều chỉnh lên mức 80 triệu đồng, từ năm 2012 số tiền hỗ trợ tăng lên 100 triệu đồng/nhà văn hóa xây mới, từ 20 - 30 triệu đồng/nhà văn hóa tu sửa, nâng cấp. Đến nay, trung bình mỗi năm thành phố đầu tư 1 tỷ đồng hỗ trợ các phường, xã xây dựng nhà văn hóa. Bên cạnh đó, các phường, xã cũng chủ động huy động sự đóng góp của nhân dân, huy động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân, con em xa quê... Các hình thức vận động đóng góp được thực hiện công khai, minh bạch, tạo được niềm tin trong tập thể.

Với sự đồng lòng nhất trí cao giữa chính quyền và nhân dân, sau 10 năm thực hiện, đến nay toàn thành phố đã có 194 nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 74% số nhà văn hóa theo kế hoạch đề ra, có 37 nhà bạt được đặt tại các cụm tổ dân phố chưa có điều kiện xây dựng nhà văn hóa. Nhiều xã đã khép kín nhà văn hóa so với trước khi thực hiện đề án như Tân Bình, Đông Thọ, Đông Hòa, Đông Mỹ, Vũ Lạc, Vũ Phúc, Vũ Chính...

Chỉ còn 3 năm nữa để hoàn thiện mục tiêu đề án đề ra, mặc dù còn gặp một số khó khăn nhưng thành phố đang nỗ lực phấn đấu để đến năm 2020 cơ bản các thôn, cụm tổ dân phố có nhà văn hóa.


Ông Trần Quang Khải, Trưởng phòng Văn hóa thành phố Thái Bình 

Đi gần hết chặng đường, đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, cụm tổ dân phố thành phố Thái Bình giai đoạn 2008 - 2020 đã gặt hái khá nhiều thành công, tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục, đặc biệt là tình trạng thiếu quỹ đất trong quy hoạch nhà văn hóa ở các phường nội thành. Một số phường còn thiếu hoặc chưa có nhà văn hóa kiên cố như phường Kỳ Bá có 52 tổ dân phố dự kiến xây dựng 40 nhà văn hóa nhưng hiện nay mới chỉ có 17 nhà văn hóa hoàn thiện, phường Quang Trung hiện có 43 tổ dân phố, theo đề án, phường dự kiến xây dựng 20 nhà văn hóa theo cụm, tuy nhiên, hiện tại phường mới có đất quy hoạch được 4 công trình... Để giải quyết tình trạng trên, thành phố đề ra giải pháp cho phép các cụm, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa được dựng nhà bạt, đồng thời đề xuất phương án chuyển nhượng đất từ các đơn vị đang làm thủ tục giải thể vào quy hoạch xây dựng nhà văn hóa, thí điểm đổi đất lấy công trình với hộ dân cư... Nhờ hình thức này, nhiều khu dân cư đã có thêm nhà văn hóa.

Bà Tô Thị Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ 31, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình

Từ khi có nhà văn hóa tới nay, người dân tổ 31 phường Trần Lãm chúng tôi rất phấn khởi. Ngoài làm nơi hội họp, hàng ngày tại nhà văn hóa người dân vẫn thường tới đọc sách, sinh hoạt câu lạc bộ thể dục thể thao, thanh thiếu nhi có nơi để luyện tập múa hát tạo nên bầu không khí rất vui vẻ. Nhà văn hóa đã góp phần tăng cường giao lưu, đoàn kết, gắn bó cho người dân tổ dân phố chúng tôi.


Bà Phạm Thị Phượng, tổ 18, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình

Tổ 18 chúng tôi sinh hoạt văn hóa tại nhà văn hóa cụm tổ dân phố từ tổ 13 - 19. Mặc dù cơ sở vật chất nhà văn hóa đã tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, tuy nhiên, do nhà văn hóa ở khá xa một số khu dân cư nên một bộ phận người dân không có điều kiện thường xuyên đến nhà văn hóa. Chúng tôi mong muốn ngoài việc tập trung xây dựng nhà văn hóa cũng cần có thêm những giải pháp để tăng hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa cụm tổ dân phố.


Thảo Tiên