Thứ 4, 13/11/2024, 06:51[GMT+7]

Cầu Bo qua phố (Kỳ 1)

Thứ 2, 25/09/2017 | 09:02:34
1,976 lượt xem
Tái hiện lại phố thị xưa, tập ký “Cầu Bo qua phố” đã lột tả những địa danh, những câu chuyện về những con người có danh và vô danh trong thị xã bé nhỏ để tri ân người xưa, trả nghĩa quê hương, giữ lấy văn hóa sống và yêu quê. Báo Thái Bình chủ nhật giới thiệu tập ký “Cầu Bo qua phố” của nhà văn Võ Bá Cường.

Cầu Bo năm 1963.

Kỳ 1: Làng lúa

Phố thị xưa đất hầu hết nằm trên làng Bo, đình Bo. Dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. “Lúa vào tận phố, lúa vây tận nhà”. Câu thơ ấy ai viết vào đầu năm 1970 quả không sai.

Cứ như người xưa truyền lại, thuở ấy làng Bo thưa vắng bóng người, trên dưới chục nóc nhà, nhà nào cũng chỉ tranh tre, mành liếp. Phần lớn ruộng vườn là của đất đình, đất làng. Đàm lạch, lau sậy miên man chạy từ phía Đông sang phía Tây, gặp đê sông Trà Lý dừng lại. Đất thở, người thở sau cuộc phát cây, cuốc cỏ khai khẩn. Vài chục năm sau, đất trở nên trù phú, con cháu ngày một đông vui, chen chúc nhau sống, tạo thành làng, thành phố. Đình Bo to lên, chùa chiền nhiều hơn. Để nhớ người đi mở đất chốn lau đầm và những bà mẹ tiên phong cầm cuốc. Họ là những người nhiều nếm trải, nhiều cay đắng, được dân làng tôn thành ông hoàng, bà chúa vùng đất lúa.

Thành phố nằm giữa làng lúa, làng hoa. Đồng quê Thái Bình đã cho thứ quà thần tiên là cốm giã. Người thưởng cốm lịch thiệp trang nhã, khi búp tay son mở gói cốm bọc trong lá sen tơ chùa Tiền. Họ luôn giữ lấy chất quê, như rượu quê, sông quê, gạo quê, ổi quê (làng Bo), chuối quê (Cổ Tiết), ấu Sa Cát quê, gà quê, cá quê, gái quê. Lời quê chắp nhặt thốt lên tự đáy lòng, quý như hương cốm. Chúng tôi quê đấy, nhưng đố ai vất được quê đi. Mất quê, quên quê là vong ân bội nghĩa. Hãy đến Thái Bình mà chạm vào tiếng trống chèo quê làng Khuốc, chạm vào miếng ăn làng Ngói. Các cụ xưa dạy: “Ăn Ngói, nói Khuốc”, nó là đỉnh cao văn hóa Thái Bình. Dân phố thị đến được đỉnh cao chữ quê đâu dễ!

Quê cho ta cái gậy chống đi muôn nơi, như cây tre hàng nghìn năm chịu giông bão giờ mới nên thành nên lũy. Dân phố thương quê, nhớ quê xây dựng biết bao chùa chiền để giữ lấy lòng người đi ở lại. Ta hãy dạo quanh ba phố Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam ngắm chùa Tiền, chùa Bồ, chùa Ngàn, chùa Lộng, chùa Trung, chùa Hai Bà Trưng với hai con voi đặt cửa ra vào. Rồi đi xem đền Mẫu, đền Quan Lớn, đền Tân Lợi, đền Cảnh Binh, đền Bà Chúa (Bản tỉnh), đền Quang Tự (thờ Trần Hưng Đạo), đền Chưởng Nga, đền Gốc Mít. Ta hành hương về quá khứ, gom nhặt lại thời gian thưởng vị ổi Bo, nghe tiếng trống chèo, tiếng sóng khua động trên dòng Trà Lý. Được nếm trải mùi vị đắng cay, buồn vui ngõ chợ Bo, chợ Gốc Mít, phố Cô Đầu, xóm Nước Đen mà nghĩ đến quê, đối diện với hiện tại nghĩ về quá khứ, cùng nhau tiếc nuối những ngày xa quê, thiếu quê. Đêm nằm ngẫm ngợi câu thơ của Vũ Hoàng Chương dạy ở Trường Phan Thanh (làng Khuốc): “Ta hàn sĩ, nửa đời luân lạc mãi/Xót cho người cùng lạnh giấc tha hương”.

Ngẫm ngợi sâu lắng câu thơ trên, càng thương thân phận Nguyễn An (A Lưu), người nước Nam ta, một trong số trẻ em (con trai) mỹ tú bị Trương Phụ bắt về Trung Quốc. Nguyễn An có công xây dựng thành trì Bắc Kinh. Ông đã xây Tử Cấm Thành.

Trong Kiến văn tiểu lục, Lê  Quý Đôn, người Thái Bình viết: “Nguyễn An là người khắc khổ, liêm khiết, giản dị, cứng rắn, giỏi tính toán trong việc tu tạo thành Bắc Kinh gồm chín cửa, hai cung, ba điện, năm phủ đến các đường nha môn”. Người thiết kế đào con sông Tùy nối liền Nam Kinh với Bắc Kinh, thuận lợi cả đường thủy, bộ cho Trung Quốc. Trước khi chết, vịn vào cành cây ngân hanh, ngẩng mặt lên trời cao, nhìn về nước Nam với nỗi nhớ quê mà than rằng: “Này ai, nếu ai về Nam hãy cho ta về với”. Lời than như dòng nước mắt khôn cùng.

Những người như chúng ta được sống với quê, tắm nước ao quê, ngủ với mẹ nơi giường cao, chiếu sạch ở quê sung sướng biết nhường nào.

Một ai đó khi sấn bước vào chốn giang hồ hoặc may ra chạm vào ngưỡng cửa chốn thượng lưu, được ăn sung mặc sướng, lên xe xuống ngựa, một mình một ghế chẳng biết đến quê hỏi đã hơn ai?

Anh Tàu chạy sang chiếm đất ở phố thị cũng vội vàng lập đền thờ để cầu may, bỏ rủi, gọi là đền Hậu Quản, chẳng qua anh ta cũng cố gắng giữ lấy cốt cách quê  mình. Ở đây cũng cây xanh bóng mát, hương khói vàng mã quanh năm nhưng đền anh Tàu thiếu hương bông hoa móng rồng, bông ngọc lan… Các cụ ngày trước lo dựng đình để bàn việc nước. Đình của các cụ ông, chùa của các cụ bà. Ngôi đình nằm ở trung tâm phố như đình Bồ Xuyên, đình Bo, đình Hàng Phố. Sau này, mỗi ngôi đình đều có công đóng góp cho việc giành nước, giữ nước. Trước cảnh cây xanh bóng nước giữa phố phường, ai mà nhớ hết tên hồ, tên đầm, ao chuôm, ngòi lạch của phố. Giữa chốn đông đúc bỗng hiện ra cảnh sóng nước của hồ Ti Rượu như bức tranh thủy mặc giữa phố phường. Hồ nằm ngay xưởng xẻ cũ, sát với nhà rượu của Pháp, giờ thuộc đất phường Bồ Xuyên, chân cầu Thái Bình phía sang làng Bo. Hồ Ti Rượu luôn được tiếp nhận sương sa buổi sớm từ dòng Trà Lý thổi vào, tạo ra sự dịu dàng và yên tĩnh cho người qua kẻ lại. Mỗi lần bọn trẻ lội xuống hồ tắm đều thiết tha hương vị sen hồ. Người rời khỏi cổng tỉnh ai cũng bồi hồi nhớ đến tiếng ếch kêu, tiếng con bồ nông, con bìm bịp vào buổi sáng. Nhìn cánh chim bay vội biết đất đã trở mùa sau lưng mình rồi. Bỗng nhắc lòng mình nhớ quê: “Mưa bay trắng lá rau tần/Thuyền ai bốc khói xa dần sông mưa”.

Hồ Tổ quốc cạnh vườn hoa thị xã Thái Bình (ảnh chụp năm 1994). Ảnh: Duy Đông

Những ngày giá rét, mặt nước hồ Ti Rượu lăn tăn, bèo xô, gió thổi tạo ra cảnh ảm đạm. Nhìn thật sâu vào góc ao thấy trứng nước con bọ ngoáp trắng như bọt xà phòng bám vào đầu cành tre nhỏ kéo xuống nước, thấy sự sinh nở của nó trong bóng tối, như phận người lúc đó xa quê càng thương quê, nhớ quê. Bởi nơi đây là mảnh đất nuôi ta, là Tổ quốc ta, là hồn ông bà, cha mẹ ta lưu giữ. Những ngày đông ken, bấc thổi, con người dúm dó, với chiếc thuyền nan mỏng như chiếc lá tre khô, một ông già cong mình thả lưới xuống lòng hồ giữa chốn hoang vu lau lách. Tiếng chèo khua thong thả, tiếng gõ mạn thuyền, chỉ tiếc trước cảnh ấy thiếu tiếng đàn trong gió thoảng. Bốn mùa ông già vẫn sống như thế. Đầu đội nón lá, mình mặc áo ngắn, đôi lúc đầu quấn khăn rìu màu nâu thẫm, ông già đánh bạn với hồ sâu, như đôi bạn tri âm tri kỷ, để đến con rái cá cũng quen tiếng động  mái chèo, tức thì nó ngoi lên mặt hồ theo thuyền ông luồn trong lau lách. Ông già không hề bận tâm đến nó, tay già bụm cái chén tợp hớp rượu, đôi mắt lim dim. Vừa buông chén, mắt ông đăm đăm nhìn vào cõi không cùng, như người suy tưởng trước cảnh hồ quê. Khuôn mặt ưu tư của già rung lên từng thớ thịt. Bằng động tác khéo léo kỳ lạ, ông chèo thuyền đi như vào miền cổ tích.

Cây gạo trên bờ lặng lẽ, mùa đông cành lá khẳng khiu như đời người thả lưới, thương nhau, quyện vào nhau, bận rộn với nhau. Do ân đức cây và người trở thành đôi bạn thật là “tương tri lại gặp tương tri”. Hồ Ti Rượu không sóng vỗ mênh mang, không mù khơi tít tắp, không gợi cảm cho người yêu thơ như cảnh Tây Hồ với bóng chim sâm cầm mùa đông. Nhưng ông già gầy, lưng thẳng vẫn để lại mấy câu: “Lưới ta giăng khắp mặt hồ/Rượu say mượn chén cây khô bóng lồng/Nước hồ không gạn mà trong/Sào ta không dựng mà trông cao vời/Đây hồ Ti Rượu rong chơi/Đêm tung lưới đắp cho người tỉnh say”.

(còn nữa)

Ký của nhà văn Võ Bá Cường