Thứ 5, 14/11/2024, 11:38[GMT+7]

“Bà đỡ” của nông dân

Thứ 2, 25/09/2017 | 09:13:17
1,448 lượt xem
Biết nắm cơ hội từ nghề truyền thống của địa phương, nhiều năm qua, dân quân Nguyễn Tiến Phóng, thôn Cầu Xá, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) được người dân ví như “bà đỡ”, giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản làm ra trên đồng đất quê hương.

4 giờ chiều, khoảng sân trước nhà dân quân Nguyễn Tiến Phóng lại tấp nập người dân đến bán nông sản cho vợ chồng anh. Chẳng mấy chốc, khoảng sân đã chật kín hành hoa, cà rốt, dưa gang, thì là... Nhà ba, bốn cân, nhà chục cân được anh Phóng ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ của mình. Theo anh Phóng, thời điểm bận rộn nhất trong ngày là từ 16 giờ đến 19 giờ. Sau khi thu mua xong, hai vợ chồng anh còn phải sơ chế, nhặt bỏ các cành lá úa, bó thành từng loại để xe ô tô đến chở đi các tỉnh, thành phố tiêu thụ. Từ nhiều năm nay gia đình anh là điểm thu gom nông sản tin cậy của gần 300 hộ trong thôn Cầu Xá.

Nhập ngũ năm 1999 tại Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 (Quân khu 1), đến năm 2001 Nguyễn Tiến Phóng xuất ngũ trở về địa phương, tham gia lực lượng dân quân cơ động của huyện Quỳnh Phụ. Những năm đầu, anh đi khắp nơi với nghề buôn xoong, nồi nhưng thu nhập bấp bênh, không bảo đảm cho cuộc sống gia đình. Nhận thấy nghề trồng rau ở quê còn manh mún, nhỏ lẻ, người dân thường tự trồng, tự đi chợ bán, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, anh đã bàn với gia đình tìm cách tháo gỡ khó khăn cho bà con, tích cực tìm thị trường tiêu thụ một số nông sản của quê mình. 

Nguyễn Tiến Phóng tâm sự: Lúc đầu tôi vay mượn người thân số tiền 100 triệu đồng để đầu tư, thu gom nông sản của bà con nhưng thất bại. Nguyên nhân là do không thể chiếm lĩnh được thị trường, một số tiểu thương có kinh nghiệm chèn ép nên việc kinh doanh thất bại. Bên cạnh đó, một số mặt hàng thu mua của bà con không bán được, mất giá, thua lỗ liên tục. Vợ tôi và bố mẹ nhiều lần khuyên tôi bỏ cuộc để tìm nghề khác phù hợp.

Dân quân Nguyễn Tiến Phóng giúp đầu ra nông sản của bà con trong thôn ổn định.

Với bản lĩnh, ý chí được tôi luyện trong quân ngũ, không chịu khuất phục trước khó khăn, Phóng vẫn kiên trì với công việc này. Anh tự mua sách về lĩnh vực kinh doanh để nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức; đồng thời, đi nhiều nơi, trực tiếp tham quan, học tập nhiều mô hình liên kết kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa... Anh tiếp tục vay mượn thêm 200 triệu đồng để theo đuổi ước mơ làm giàu từ chính sản phẩm đặc trưng của quê hương mình. 

Đến nay, sản phẩm của gia đình anh đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường trong huyện, trong tỉnh và các địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An... Không chỉ trả hết nợ, xây dựng nhà kiên cố, anh còn tạo điều kiện giúp đỡ vốn, kinh nghiệm kinh doanh cho bạn bè, đồng đội của mình. Hiện nay, công việc thu gom nông sản của anh đem lại thu nhập cho gia đình gần 200 triệu đồng/năm.

Nguyễn Tiến Phóng chia sẻ: Trung bình mỗi ngày gia đình tôi thu mua từ 1,5 - 2 tấn rau màu các loại để xuất ra thị trường. Có thời điểm cuối năm và đầu năm vào vụ đại trà, gia đình phải mượn thêm 4 - 5 lao động làm theo giờ. Nghề trồng rau màu ở Quỳnh Hải có từ lâu đời. Tuy vất vả quanh năm nhưng đổi lại thu nhập của các gia đình cũng khá hơn. Để có được thị trường ổn định, ngoài chất lượng rau, củ, quả thì việc thu gom, sơ chế cũng là yếu tố quyết định.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, là một dân quân cơ động, Nguyễn Tiến Phóng luôn tích cực tham gia các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng động viên khi có nhiệm vụ. 

Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Quỳnh Hải cho biết: Trong các đợt huấn luyện do cơ quan quân sự huyện điều động, Phóng đều có mặt đầy đủ, tham gia huấn luyện đủ nội dung. Ngoài ra, khi địa phương có yêu cầu về phòng, chống lụt, bão, tuần tra trong dịp tết Nguyên đán, ngày lễ, anh đều sắp xếp công việc gia đình tham gia. Anh là một trong những điển hình tiên tiến được Ban CHQS huyện khen thưởng tại Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang huyện Quỳnh Phụ giai đoạn 2012 - 2017.

Tất Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày