Thứ 7, 23/11/2024, 21:17[GMT+7]

Anh Đẳng làm giàu từ chim bồ câu

Thứ 4, 27/09/2017 | 08:30:58
1,477 lượt xem
Từ chỗ thường xuyên phải đi làm thuê, sau gần 4 năm nuôi chim bồ câu Pháp, anh Phạm Bình Đẳng, sinh năm 1977, thôn Lộc Điền, xã Việt Hùng (Vũ Thư) đã trở thành chủ trang trại chim bồ câu có tiếng. Với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp giúp anh Đẳng làm giàu.

Gia đình anh Đẳng thoát nghèo, từng bước làm giàu nhờ nuôi chim bồ câu Pháp.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng khang trang mới xây, anh Đẳng không giấu được niềm vui. Anh chia sẻ, nhờ nuôi chim bồ câu Pháp thành công, vợ chồng anh mới có điều kiện xây dựng nhà cửa, chăm lo cho hai con nhỏ, mẹ già và chị gái sức khỏe yếu. Trước kia, vợ chồng anh cấy mấy sào ruộng, kinh tế khó khăn, anh thường xuyên phải đi làm thuê, vừa vất vả lại không ổn định. Năm 2013, anh nảy ra ý tưởng và quyết tâm thử nghiệm nuôi 50 cặp chim bồ câu Pháp. Đất ở nông thôn rộng rãi, anh xây dựng chuồng trại nuôi chim ngay tại mảnh vườn bỏ không của gia đình. Mới đầu, do chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc chim bồ câu Pháp nên hiệu quả chưa cao, khoảng 1/3 cặp chim bị chết, sinh sản kém. Tuy nhiên, nhận thấy những cặp bồ câu còn lại rất khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, thị trường tiêu thụ lại thuận lợi, vì vậy anh quyết tâm học hỏi, nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, từng bước mở rộng đàn. 

Đến nay, trang trại chim bồ câu Pháp của anh Đẳng có trên 500 cặp bồ câu bố mẹ, mỗi tháng sinh sản khoảng 350 - 400 cặp chim non; xuất ra thị trường trên 200 cặp bồ câu thương phẩm (khoảng 1 tháng tuổi) và trên 100 cặp bồ câu giống (2 - 3 tháng tuổi). Với giá bán khoảng 115.000 đồng/cặp bồ câu thương phẩm, 200.000 đồng/cặp bồ câu giống, doanh thu của trang trại đạt gần 40 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Sau 4 năm gắn bó, chịu khó quan sát, học hỏi, tìm hiểu đặc tính của bồ câu Pháp, anh Đẳng đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc loài chim này. Anh cho biết, giống bồ câu này có sức đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh, tuy nhiên mỗi ngày anh vẫn tiến hành vệ sinh chuồng nuôi 1 lần để bảo đảm môi trường sạch sẽ, tạo điều kiện để bồ câu khỏe mạnh, nhanh lớn. 

Trong khu chuồng nuôi, anh lắp đặt hệ thống quạt mát, xốp chống nóng để thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Bồ câu Pháp thường ăn các thức ăn đơn giản như ngô, thóc, đậu đỗ, vì thế gia đình anh thường tận dụng sản phẩm nông nghiệp của gia đình và bà con địa phương. Nước uống cho chim bồ câu phải sạch sẽ, định kỳ hàng tháng có thể bổ sung vitamin và khoáng chất vào nước uống cho các cặp chim bố mẹ. Vì thiết kế mỗi ô nuôi là một cặp chim bố mẹ nên hàng ngày anh có thể quan sát, theo dõi tình trạng sức khỏe, sinh sản của từng cặp. Với những cặp chim bồ câu bố mẹ không bảo đảm, anh tiến hành thay thế kịp thời để nâng cao hiệu quả sinh sản. Chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi cặp bồ câu Pháp có thể đẻ tới 7 - 8 lứa/năm, 40 - 45 ngày/lứa. Sau 1 lần đầu tư giống ban đầu, khoảng 5 năm sau mới phải thay cặp bồ câu bố mẹ. So với nuôi thả tự do, nuôi chim bồ câu Pháp tập trung cho hiệu quả kinh tế cao hơn vì chế độ chăm sóc bảo đảm hơn, chim sinh sản ổn định, đều lứa, chất lượng thịt thương phẩm cũng không thua kém bồ câu nuôi thả vì hầu hết thức ăn đều là ngô, thóc.

Nhận thấy thị trường tiêu thụ sản phẩm bồ câu Pháp hiện nay khá lớn, anh Đẳng từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật để bà con địa phương mạnh dạn đầu tư nuôi chim bồ câu Pháp để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài cung cấp bồ câu giống, anh còn tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bồ câu Pháp, thậm chí hỗ trợ, giúp đỡ từ khâu thiết kế lồng, chuồng nuôi, quy trình chăm sóc từng giai đoạn để bà con yên tâm sản xuất. Học tập mô hình của anh Đẳng, đến nay, nhiều gia đình ở địa phương đã triển khai nuôi chim bồ câu Pháp với quy mô khoảng 20 - 50 đôi/hộ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hà Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày