Thứ 6, 15/11/2024, 12:46[GMT+7]

Lạm thu - Chuyện nói cũng không sửa (kỳ 2)

Thứ 5, 28/09/2017 | 08:46:06
1,908 lượt xem
Nguồn ngân sách eo hẹp, phải thực hiện xã hội hóa để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị là lý giải của các trường về các khoản thu. Xã hội hóa hay lạm thu, ranh giới mong manh khi các trường chưa thu đúng, chi đúng.

Nhiều trường học được đầu tư bàn ghế, thiết bị, đồ dùng dạy học đầy đủ.

Kỳ 2: Cần được giám sát chặt chẽ

Núp bóng xã hội hóa?

Qua tìm hiểu thực tế tại các trường, sau thời gian đầu thực hiện Quyết định số 2814 của UBND tỉnh khá nghiêm túc thì đến nay các khoản thu, số thu lại đang có dấu hiệu phình ra. Cùng với các khoản theo quy định mà mặc nhiên mỗi phụ huynh đều vui vẻ, tự nguyện đóng cho con như học phí, tu sửa cơ sở vật chất đầu năm, tiền ăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị bán trú thì hàng chục khoản phát sinh dồn lên phụ huynh, từ tiền trang trí lớp học, phí tin nhắn, báo đội, tổ chức sinh nhật, trung thu đến điện, nước, chất đốt, công cô nuôi, mua mới máy tính, sữa chữa lớp… 

Tìm hiểu về các khoản thu, câu trả lời từ không ít lãnh đạo chủ chốt nhà trường là do nhiều năm nay các trường trong huyện, trong tỉnh cũng đều thu như vậy. Một trường thu được, trường khác thăm dò, tham khảo nhân lên nhiều trường. Có nhiều nơi còn lý giải việc thu như vậy là được phép vì đang phải thực hiện xã hội hóa. Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực từ phong trào xã hội hóa trong công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong hoạt động nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Song việc thực hiện thu tại các trường hiện nay đã không còn là xã hội hóa bởi có nhiều câu hỏi được đặt ra trong hoạt động thu, chi tại các trường. 

Ví dụ điển hình: Mỗi năm, học sinh đều phải đóng tiền tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị theo Quyết định số 2814 quy định thống nhất trên địa bàn tỉnh là 150.000 đồng/học sinh/năm. Nếu học sinh học bán trú có thêm khoản đóng hàng năm là cơ sở vật chất bán trú. Nhưng tại không ít trường học, sau 3 năm học mầm non và 5 năm học tiểu học, hầu hết học sinh vẫn ăn những chiếc bát, thìa inox, đắp chăn, dùng gối cũ mà ít có sự đầu tư thay mới, như vậy số kinh phí đã thu được sử dụng vào việc gì?

Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Thái Bình) đầu tư trang thiết bị, bếp ăn đồng bộ phục vụ tốt công tác nuôi, dạy bán trú.

Tại Trường Mầm non 1/6 (thành phố Thái Bình), đầu năm học vừa qua phụ huynh phản ánh mỗi cháu phải đóng một khoản 100.000 đồng/năm để hỗ trợ nhà trường tổ chức các hoạt động lễ, hội. Bài toán tính nhẩm là với hơn 1.000 học sinh, như vậy nhà trường sẽ có hơn 100 triệu đồng để chi cho các hoạt động lễ, hội. 

Bảng kê thu đầu năm của Trường Mầm non Thụy Sơn (Thái Thụy) cùng với tiền tu sửa nhỏ (150.000 đồng), bổ sung cơ sở vật chất bán trú (70.000 - 85.000 đồng), tiền ăn (11.500 - 12.000 đồng/ngày), mỗi học sinh vẫn phải đóng tiền văn phòng, dụng cụ vệ sinh; tiền chất đốt; tiền trả công cô nuôi; các khoản đồ dùng chăm sóc trẻ và một số hiện vật như mỗi cháu 1 bảng đen, 1 cốc, 1 bát, 1 thìa. Như vậy, theo tính toán của nhà trường thì trong tiền ăn của các cháu chưa có chi phí chất đốt và những hiện vật như cốc, bát thìa hay dụng cụ vệ sinh, đồ dùng chăm sóc trẻ không phải là cơ sở vật chất, trang thiết bị bán trú. 

Tại Trường Mầm non Vũ Thắng (Kiến Xương) cũng có một số khoản thu như Trường Mầm non Thụy Sơn, khi được hỏi về điều này, bà Trần Thị Loan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết do ban đại diện cha mẹ học sinh chia sẻ khó khăn cùng nhà trường nên đề nghị phụ huynh song khi hỏi về sự trùng lặp các khoản thu thì bà không có lời giải thích.  

Cần giám sát chặt chẽ hơn

Bà Hà Thị Thu Phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình khẳng định, việc xã hội hóa giáo dục đặc biệt là xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp là cần thiết nhưng các trường phải thực hiện đúng quy định, quy trình, đặc biệt tuyệt đối không chia bình quân trên đầu học sinh để thu. Để đưa hoạt động thu theo đúng quy định trong năm học này, ngay từ tháng 8, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có công văn chỉ đạo các trường về công tác thu, trong đó ngoài quy định cụ thể về khoản thu học phí có yêu cầu các trường thực hiện nghiêm Quyết định số 2814, yêu cầu 100% đơn vị cam kết với cơ quan quản lý giáo dục không được huy động bất cứ sự đóng góp nào của cha mẹ học sinh, đặc biệt không lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu góp không đúng quy định. Theo kế hoạch, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ tổ chức kiểm tra đầu năm đối với các trường, trong đó có kiểm tra tài chính. Cũng theo bà Phương, trong năm học 2016 - 2017, Phòng đã phát hiện, xử lý 4 đơn vị có biểu hiện thu sai.

Không chỉ có ở thành phố, mỗi năm học mới, các phòng giáo dục và đào tạo đều có những chỉ đạo về công tác thu, chi đầu năm học, việc thực hiện nghiêm Quyết định số 2814 cũng được nhấn mạnh. 

Ông Lê Đình Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiền Hải cho biết, ngay từ cuối tháng 8, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã ban hành công văn về việc hướng dẫn công tác tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học năm học 2017 - 2018. Theo đó, Phòng yêu cầu các trường thống nhất chủ trương, kế hoạch thu các khoản, dự kiến chi từng khoản trong ban giám hiệu, hội đồng nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh. Sau đó, lập kế hoạch thu và dự trù kinh phí chi tiết, niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh kế hoạch thu và dự trù kinh phí. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xin chủ trương thống nhất bằng văn bản và chỉ được tổ chức thực hiện sau khi có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Các cơ sở giáo dục phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai lấy ý kiến của tất cả phụ huynh học sinh theo phương thức phù hợp. Phải được sự nhất trí của tất cả phụ huynh học sinh thì mới được tổ chức thu. Đặc biệt, nghiêm cấm không được huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh để tổ chức thi, kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, cuối năm học; không lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu không đúng quy định. Nhà trường phải có trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn cho ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện nghiêm Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng lên kế hoạch tổ chức kiểm tra công tác thu tài chính tại các trường. Trên thực tế tại thành phố, Tiền Hải, có nhiều trường thực hiện tốt chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo về công tác thu đầu năm nên mức thu chỉ ở ngưỡng hơn 500.000 đồng/học sinh.

Mặc dù nằm ở địa bàn nông thôn, Trường THCS Xuân Hòa (Vũ Thư) vẫn nỗ lực đầu tư hệ thống máy tính và xây dựng tủ sách lớp học để nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhiều lần khẳng định việc thu theo Quyết định số 2814 của UBND tỉnh không gây khó khăn cho các trường, thậm chí còn gỡ khó cho các trường vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, chỉ đạo xuyên suốt của Sở Giáo dục và Đào tạo đối với các đơn vị giáo dục là chấp hành nghiêm Quyết định số 2814 của UBND tỉnh. 

Như vậy, dù có sự chỉ đạo sớm, khá đồng bộ từ tỉnh đến huyện, có những trường đã thực hiện tốt sự chỉ đạo song bên cạnh đó việc thu sai, thu không đúng quy định vẫn diễn ra. Việc thu không đúng quy định diễn ra ở diện rộng, nhiều năm nên đã trở thành việc quen, nhiều trường học không còn coi đó là sai, là chưa đúng quy định. Phụ huynh học sinh sau nhiều eo xèo cũng đành hết ý kiến vì “cả làng” đều đóng như thế. Song khổ nhất là các gia đình khó khăn, mỗi khi năm học mới đến lại đôn đáo lo tiền cho con đóng học bởi đơn giản nếu cha mẹ chưa đóng tiền thì con khó mà dám đến lớp cùng chúng bạn. Song hơn hết, nếu việc thu để thực sự chi cho hoạt động dạy và học, phục vụ học sinh thì dư luận nhân dân cũng không bức xúc bởi sự lạm thu đang có nhiều biểu hiện vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. 

Vì vậy, hoạt động thu tại các trường học đang rất cần sự giám sát chặt chẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý giáo dục, UBND các cấp. Có vậy thì chủ trương chống lạm thu mới thành hiện thực.

Nhóm phóng viên 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày