Thứ 5, 14/11/2024, 11:05[GMT+7]

Hưng Hà - Điểm sáng làng nghề

Thứ 6, 29/09/2017 | 08:39:05
2,312 lượt xem
Là địa phương phát triển nhiều nghề và làng nghề nhất trong tỉnh, những năm qua, các làng nghề ở Hưng Hà đã góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Đây là một trong những hướng đi đúng, hiệu quả nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nghề làm hương ở xã Duyên Hải (Hưng Hà).

Hiện nay, Hưng Hà có hơn 50 làng nghề và 4 xã nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Trong đó, nhiều nhất là làng nghề dệt khăn với 20 làng, dệt chiếu 21 làng. Ngoài ra, địa phương còn phát triển các làng nghề khác như mây tre đan, bún bánh, nghề mộc, nghề làm hương… Nghề và làng nghề phát triển đã góp phần tạo việc làm cho hơn 23.000 lao động. 

Ông Nguyễn Quốc Thắng, xã Tân Lễ chia sẻ: Năm 1977, sau khi rời quân ngũ, với mong muốn góp sức phát triển nghề dệt chiếu truyền thống của quê hương, tôi đã cùng với gia đình xây dựng xưởng in hoa văn chiếu. Mỗi ngày, xưởng in của gia đình in khoảng 300 lá chiếu thường, 200 lá chiếu đậu. Không chỉ tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương, xưởng in của gia đình còn cho thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Được biết, đến nay, sản phẩm chiếu Tân Lễ được tiêu thụ trên toàn quốc. Địa phương còn là nơi trung chuyển, tiêu thụ chiếu cho các địa phương khác như huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thanh Hóa.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các làng nghề hiện nay ở Hưng Hà giờ không chỉ làm sản phẩm bằng phương thức thủ công mà còn từng bước đưa máy móc vào sản xuất, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm. Hiện nay, toàn huyện có trên 4.700 máy dệt khăn thủ công, 536 máy dệt khăn công nghiệp và 336 máy dệt chiếu công nghiệp. 

Chị Lê Thị Mây, xã Duyên Hải cho biết: Cơ sở sản xuất hương xuất khẩu của gia đình hiện tạo việc làm cho trên 20 lao động. Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng tăng, gia đình đã đầu tư hơn 30 máy làm hương xuất khẩu sang Ấn Độ. Xã Duyên Hải hiện có trên 360 lao động làm hương, giá trị sản xuất hương hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Không chỉ làm chiếu, làm hương, Hưng Hà còn nổi tiếng với nghề dệt khăn ở xã Thái Phương, làng Mẹo ở Thái Phương được mệnh danh là làng tỷ phú từ hàng chục năm qua. Nghề dệt khăn không chỉ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở các địa phương trong huyện mà còn phát triển mạnh ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để làng nghề phát triển bền vững, Hưng Hà chú trọng công tác điều tra, khảo sát tình hình sản xuất; ra nghị quyết phát triển nghề, làng nghề, có nhiều giải pháp nhằm duy trì hiệu quả hoạt động các làng nghề cũ, đồng thời du nhập, phát triển nghề mới vào địa phương. Huyện cũng chú trọng công tác phối hợp tổ chức dạy nghề cho lao động. 9 tháng đầu năm 2017, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã phối hợp tổ chức 2 lớp dạy nghề may cho học viên ở các xã Chi Lăng, Thống Nhất. Đồng thời, tổ chức tập huấn công tác khuyến công cho đội ngũ cán bộ khuyến công viên ở các xã, thị trấn. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 100% xã, thị trấn có ít nhất từ 1 làng nghề trở lên, du nhập thêm 3 - 5 nghề mới và xây dựng được 5 - 7 thương hiệu sản phẩm. 

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, huyện chủ trương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề. Gắn phát triển làng nghề với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan khắc phục những hạn chế về ô nhiễm làng nghề, mặt yếu về công tác đào tạo, thông tin thị trường... Đặc biệt, triển khai các giải pháp gắn phát triển làng nghề với du lịch lễ hội văn hóa, lễ hội tâm linh, góp phần để nghề và làng nghề phát triển ổn định, bền vững.

Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày