Thứ 3, 26/11/2024, 14:01[GMT+7]

Ðộng lực từ phát huy dân chủ

Thứ 6, 13/10/2017 | 09:20:23
619 lượt xem
Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các các cấp trong tỉnh đã có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai sâu rộng, làm cho nhân dân nhận thức đúng hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân, tạo chuyển biến tích cực về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Người dân thôn Vị Thủy, xã Thái Dương (Thái Thụy) chăm sóc hoa trồng ven đường thôn.

Là địa phương được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, sau hơn 3 năm triển khai, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) đã về đích năm 2013. 

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Chước, Bí thư Đảng ủy xã: Đạt được kết quả đó là do địa phương đã phát huy tốt dân chủ ở cơ sở, trên cơ sở bám sát phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Từ đó, nhân dân trong xã đã tự nguyện góp hàng tỷ đồng, tham gia hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn, hiến hàng nghìn mét vuông đất thổ cư, hơn 12ha ruộng để làm đường giao thông, thủy lợi… Tất cả các công trình hoàn thành đều bảo đảm chất lượng, không có ý kiến thắc mắc của người dân.

Không được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới như xã Nguyên Xá, song xã Hòa Bình (Vũ Thư) bằng nội lực của mình, sau 5 năm cũng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí với tổng số tiền nhân dân đóng góp xây dựng các công trình ở xã, thôn là 12,4 tỷ đồng. Ngoài ra, bà con còn đóng góp trên 5.000 ngày công, hàng trăm mét vuông đất thổ cư để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi khác… 

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tài, Phó Bí thư Đảng ủy xã, việc phát huy tốt quyền làm chủ của người dân đã tạo động lực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Từ việc người dân nhận thức đúng hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân đã tạo ra bước chuyển biến mới, tích cực, góp phần khắc phục thói quen trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Sự nghiệp xây dựng nông thôn mới do vậy mới đi tới thành công.

Cùng với Nguyên Xá và Hòa Bình, thực hiện dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, cơ chế, các nguồn lực, các khoản huy động đóng góp của nhân dân; việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh; tiến hành nghiệm thu các công trình hoàn thành bảo đảm nghiêm túc, đúng tiến độ. Nhân dân được thảo luận, bàn bạc, tham gia ý kiến và thống nhất xây dựng phương án, đề án chỉnh trang đồng ruộng, việc thu các loại quỹ, phí, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện để nhân dân phát huy trí tuệ, chung tay góp sức tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy đến nay, toàn tỉnh có 186 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2010 - 2015, nhân dân đã tự nguyện đóng góp trên 1.903 tỷ đồng, đóng góp ngày công, tài sản, hiến đất, hiện vật quy ra tiền khoảng 583,6 tỷ đồng. Riêng năm 2016, vốn huy động từ dân cư để xây dựng nông thôn mới là 3.369,5 tỷ đồng.

Gắn việc thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thời gian qua, các địa phương đã thực hiện công khai các chương trình, dự án đầu tư, các chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, nhất là nguồn tài chính, các chế độ liên quan đến lợi ích của người nghèo. Điều này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2016 còn 4,61% (giảm 0,66% so với năm 2015). Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về thực hiện tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh có 3.105,76ha đất nông nghiệp được doanh nghiệp, người dân thuê lại để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hướng tới hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Để nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh hiện đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch; tổ chức cho doanh nghiệp và người dân đối thoại trực tiếp, công khai thảo luận, giải quyết những kiến nghị của nhân dân để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện. Đến nay, số hộ dân nông thôn trong tỉnh đã đấu nối, sử dụng nước sạch đạt khoảng 42,66%.

Đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, thời gian qua, các xã, phường, thị trấn đã tổ chức cho nhân dân tham gia bàn bạc, thống nhất các nội dung xây dựng hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố. Từ đó, góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa, giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Hết năm 2016, 100% thôn, tổ dân phố đã xây dựng được hương ước, quy ước; 82,3% gia đình đạt gia đình văn hóa; 61,9% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 45,5% xã đạt chuẩn văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; 66,7% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. 

Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phương thức lãnh đạo, năng lực quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền và tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã từng bước được đổi mới theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân...

Đào Quyên

  • Từ khóa