Thứ 3, 26/11/2024, 12:42[GMT+7]

Sinh kế của người khiếm thị

Thứ 5, 26/10/2017 | 08:29:23
1,480 lượt xem
Trải qua hơn 15 năm hình thành và phát triển, nghề tẩm quất đã mở ra con đường sinh kế cho nhiều người khiếm thị trong tỉnh. Tẩm quất không chỉ giúp người khiếm thị có việc làm, thu nhập mà còn tạo cho họ cơ hội giao lưu, hòa nhập cộng đồng, từ đó có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Cơ sở tẩm quất của anh Trần Văn Quảng (Đông Hưng).

Đến nay, chị Nguyễn Thị Dung (xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy) đã gắn bó với nghề tẩm quất được 15 năm. 

Chị Dung chia sẻ: May mắn với tôi là được học và làm nghề tẩm quất. Nếu không có dịch vụ tẩm quất, cuộc sống của tôi không được như hiện nay, nghề tẩm quất thực sự đã giúp tôi thay đổi cuộc đời. 

Bị khiếm thị bẩm sinh, trước kia, quanh năm suốt tháng chị Dung chỉ biết quanh quẩn ở nhà phụ giúp việc vặt trong gia đình. Cuộc sống khó khăn, chị phải đi mò cua bắt ốc. Song từ ngày theo nghề tẩm quất chị có thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng, có thể tự lo cho cuộc sống của mình, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Quan trọng hơn, mỗi ngày được giao tiếp, mang đến tiếng cười cho khách hàng và giúp họ thư giãn, chị thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.

Không chỉ chị Dung mà cuộc sống của nhiều người khiếm thị khác trong tỉnh đã đổi thay nhờ có nghề tẩm quất. Từ cơ sở đầu tiên do Hội Người mù tỉnh mở năm 2002 với 3 nhân viên, sau 2 năm, cùng với cơ sở của Tỉnh hội, 8 cơ sở tại các huyện, thành phố lần lượt ra đời, tạo việc làm cho 60 người khiếm thị. 

Đến nay, sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, toàn tỉnh đã có 45 cơ sở tẩm quất của người khiếm thị với 197 hội viên có việc làm, thu nhập từ dịch vụ, trong đó 9 cơ sở do các cấp hội quản lý, 36 cơ sở do người khiếm thị tự thành lập. Ngoài các cơ sở tẩm quất trong tỉnh, nhiều người khiếm thị sau khi được học tẩm quất đã mở cơ sở tại tỉnh ngoài. Hiện có 28 cơ sở được thành lập ở các tỉnh, thành phố. Nhiều cơ sở đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm như cơ sở tẩm quất của Hội Người mù tỉnh, Hội Người mù thành phố Thái Bình… Nhờ đó, đời sống của nhiều người khiếm thị ngày càng được nâng cao với thu nhập trung bình hiện nay từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Dịch vụ tẩm quất thực sự đã mở ra ánh sáng cho cuộc sống của người khiếm thị.

Chú trọng công tác đào tạo nhân lực, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ tẩm quất, những năm qua, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh liên tục mở các lớp dạy tẩm quất cho người khiếm thị. Cùng với các lớp do giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình đào tạo, Hội Người mù tỉnh còn rà soát, chọn lọc và cử hội viên đi học các khóa đào tạo do Hội Người mù Việt Nam tổ chức. 

Tính từ năm 2002 đến nay, có trên 300 người khiếm thị được đào tạo nghề tẩm quất. Đan xen vào bài học chuyên môn, Hội Người mù tỉnh còn có những chương trình ngoại khóa về kỹ năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý và thái độ ứng xử với khách hàng đồng thời tổ chức các buổi giao lưu giữa học viên với nhân viên tại các cơ sở tẩm quất. Sau các khóa đào tạo, hầu hết người khiếm thị đều có việc làm.

Do đặc thù ít phải đi lại, phù hợp với sức khỏe, vốn đầu tư thấp và mang lại thu nhập ổn định cho người khiếm thị nên dịch vụ tẩm quất được nhiều người lựa chọn, trở thành nghề mũi nhọn của các cấp hội. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay để phát triển dịch vụ tẩm quất là vấn đề nhân lực và cơ sở vật chất. Dù đã có kế hoạch đào tạo hàng năm nhằm đáp ứng sự phát triển, mở rộng của các cơ sở song số lượng người được đào tạo đạt tiêu chuẩn vẫn không đủ. Vì thế, để có thể thành nghề, người khiếm thị phải rèn luyện và tự học từ thực tế. Bởi việc đào tạo tẩm quất cho người khiếm thị không hề đơn giản. Những thao tác của công việc này đòi hỏi độ chính xác cao và phải có sức khỏe.  

Đối với người khiếm thị, tìm một việc làm có thu nhập ổn định và phù hợp với khả năng không hề đơn giản. Vì thế, thời gian tới, Hội Người mù tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các lớp dạy tẩm quất giúp nhiều người khiếm thị được học và có việc làm. Hội viên tại các cơ sở tẩm quất cần thường xuyên học hỏi nâng cao tay nghề và trau dồi các kỹ năng về giao tiếp, ứng xử với khách hàng đồng thời giữ vững đạo đức nghề nghiệp, uy tín của dịch vụ tẩm quất người khiếm thị. Các cơ sở phấn đấu hoàn thiện trang thiết bị để nâng cao chất lượng dịch vụ. Câu lạc bộ tẩm quất người mù tỉnh phát huy hơn nữa vai trò cầu nối để gắn kết, giúp đỡ người khiếm thị. Song để dịch vụ tẩm quất của người khiếm thị có chỗ đứng và phát triển hơn nữa cần có sự chia sẻ của cộng đồng. Bởi mỗi khách hàng đến với người khiếm thị là giúp họ có việc làm, thu nhập và không trở thành gánh nặng cho xã hội.

Như Hoàng