Thứ 7, 23/11/2024, 18:31[GMT+7]

Làng thêu vào tuổi 200

Thứ 2, 30/10/2017 | 08:42:14
9,755 lượt xem
Ra đời cách đây gần 2 thế kỷ, trải qua bao thăng trầm, thịnh suy, đến nay, nghề thêu truyền thống ở Minh Lãng (Vũ Thư) vẫn được gìn giữ và phát huy. Những sản phẩm tuyệt tác, tinh xảo không chỉ minh chứng cho sự tài hoa, khéo léo mà còn giúp người làng thêu sống vững bằng nghề.

Nghề thêu truyền thống tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thăng trầm nghề thêu

Theo những nghệ nhân, tay kim lão luyện trong làng, nghề thêu ở Minh Lãng ra đời vào đầu thế kỷ XIX. Năm 1825, cả vùng Thái Bình bị ngập lụt, mất mùa khiến người dân đói kém, nạn dịch hoành hành. Ba cụ Nguyễn Như Khang, Nguyễn Nghĩa, Nguyễn Ca đã rời làng đi kiếm sống, vô tình tìm học được nghề thêu về truyền dạy cho con cháu và người dân làng Gòi, làng Bùi (thôn Phù Lôi, thôn Bùi Xá ngày nay). Từ đó, nghề thêu Minh Lãng ra đời. Xưa kia, sản phẩm thêu Minh Lãng chủ yếu là mũ, áo, xiêm y, trang phục của quan lại trong triều đình phong kiến. Những năm đất nước chiến tranh, nghề thêu bị ảnh hưởng, mặc dù vẫn được duy trì nhưng số khung thêu không nhiều. Khoảng thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX là thời điểm cực thịnh của làng thêu Minh Lãng. 

Nhớ lại thời hoàng kim của làng nghề quê hương, nghệ nhân thêu tay Nguyễn Cao Bính, thôn Bùi Xá chia sẻ: Thời ấy, cả xã Minh Lãng như một xưởng thêu khổng lồ, xã có hợp tác xã thêu ren chuyên nghiệp thu hút hơn 800 tay kim và hợp tác xã nông nghiệp kiêm làm thêu với khoảng 1.500 thợ thêu tại gia đình. Người Minh Lãng từ già đến trẻ đều biết thêu, làng nghề nổi tiếng khắp vùng, hàng thêu ở đây thường được xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu. Nếu đời sống người dân các nơi còn gặp khó khăn thì thu nhập từ nghề thêu khi đó đã giúp bà con địa phương no đủ, sung túc.

Những năm 1989, 1990, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, nghề thêu Minh Lãng lao đao, tưởng chừng khó đứng vững. Năm 2000, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nghề và làng nghề đã tạo luồng sinh khí mới để nghề thêu Minh Lãng khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Xã có 75 tổ hợp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm thêu tay, thu hút khoảng 5.000 lao động địa phương. Nghề thêu vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho Minh Lãng. 

Những năm gần đây, các doanh nghiệp may mặc phát triển thu hút nguồn lao động, nghề thêu không phát triển cực thịnh mà dần đi vào ổn định. Thu nhập của thợ thêu ở mức khá, không ít hộ dân nhạy bén đã trở thành tỷ phú từ nghề truyền thống.

Sản phẩm tranh thêu tay truyền thống của làng nghề Minh Lãng chinh phục nhiều thị trường khó tính.

Sống vững bằng nghề

62 tuổi đời, bà Trần Thị Hồi (thôn Phù Lôi) có thâm niên 50 năm gắn bó với nghề thêu. Nhiều năm qua, bà chỉ cấy 2 sào ruộng để bảo đảm lương thực cho gia đình, thu nhập trông chờ cả vào việc làm thêu. Đến nay, đều đặn mỗi ngày bà vẫn cần mẫn bên khung thêu từ 9 - 10 giờ. 

Bà Hồi chia sẻ: Tuổi cao, ngồi thêu tuy có đôi lúc hơi đau lưng, mỏi mắt nhưng dù sao cũng nhàn hơn nhiều so với làm ruộng và nhiều công việc khác. Nhiều mặt hàng dành cho thợ thêu trẻ nhưng không ít mặt hàng chỉ những tay kim dày dạn kinh nghiệm mới làm được nên chẳng khi nào tôi hết việc. Thông thường mỗi tháng tôi có thêm thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng từ nghề thêu, góp phần phát triển kinh tế gia đình. 

Không riêng bà Hồi, tại tổ hợp thêu tranh truyền thống của gia đình anh Nguyễn Như Cảnh, thôn Phù Lôi, nhiều thợ thêu khác cũng có thu nhập ổn định từ nghề thêu. 

Anh Cảnh cho hay, tổ hợp của gia đình anh thường thu hút từ 20 - 30 lao động, chủ yếu các bà, các chị từ 40 - 70 tuổi. Hàng ngày, thường chỉ có 5 - 7 tay kim tập trung để thêu, còn lại các bà, các chị nhận hàng về thêu tại gia đình. Vừa tranh thủ làm công việc nhà, mỗi lao động tại tổ hợp của gia đình anh Cảnh có thêm nguồn thu từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Mấy năm gần đây, dòng tranh thêu chữ thập du nhập từ Trung Quốc phát triển ồ ạt, cạnh tranh mạnh với tranh thêu tay truyền thống, tuy nhiên, tổ hợp của anh Cảnh tập trung nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm thêu nên được thị trường ưa chuộng. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình anh Cảnh thu về hàng trăm triệu đồng từ sản xuất tranh thêu truyền thống.

Ông Trần Văn Dần, Chủ tịch UBND xã Minh Lãng cho biết, sau nhiều thăng trầm, đến nay, nghề thêu truyền thống ở địa phương phát triển khá ổn định, trải đều ở 7/7 thôn của xã. Hiện xã có 5 doanh nghiệp, 5 cơ sở sản xuất, trên 20 tổ hợp và nhiều gia đình tham gia nghề thêu, thu hút khoảng 2.500 lao động địa phương. Mặt hàng thêu chủ yếu hiện nay là các sản phẩm cao cấp như thêu trên trang phục áo ki-mô-nô của Nhật Bản, áo hanbok của Hàn Quốc, tranh thêu phong cảnh, con giống. Thu nhập của thợ thêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tay nghề, kinh nghiệm, thời gian thêu trong ngày, bình quân đạt 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, nhiều người đạt 6 - 7 triệu đồng/tháng. Doanh thu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chủ tổ hợp thêu cũng đa dạng, hầu hết đạt hàng trăm triệu đồng, nhiều đơn vị như doanh nghiệp Tiến Đạt, Thành Nam, tổ hợp Ninh - Nhuần có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhiều năm qua, nghề thêu truyền thống có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, năm 2017 ước tính nghề thêu mang về nguồn thu khoảng 220 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% tổng giá trị sản xuất toàn xã.

Trong bối cảnh hiện nay, làng nghề Minh Lãng chịu tác động của nhiều yếu tố, để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, xã tiếp tục quan tâm, khuyến khích nhân dân, nhất là lao động trẻ gắn bó với nghề; phối hợp với Sở Công Thương tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho thợ thêu nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao; quảng bá thương hiệu, tạo thuận lợi tiêu thụ sản phẩm thêu và tạo điều kiện thủ tục vay vốn, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc cho các cơ sở, tổ hợp, doanh nghiệp thêu đang hoạt động trên địa bàn.

"Không chỉ lưu giữ nét văn hóa đẹp, độc đáo của cha ông, nghề thêu truyền thống còn góp phần tích cực nâng cao đời sống, đổi thay diện mạo nông thôn."


Hà Phương