Chủ nhật, 24/11/2024, 23:49[GMT+7]

An Khê - Ðiểm sáng nước sạch nông thôn

Thứ 2, 30/10/2017 | 09:32:26
562 lượt xem
Là xã duyên giang, xa trung tâm huyện nhưng với nhiều giải pháp đột phá, sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng nên gần 80% dân số địa phương sử dụng nước sạch, kết quả đó đưa An Khê trở thành điểm sáng sử dụng nước sạch nông thôn ở Quỳnh Phụ.

Gần 80% dân số An Khê sử dụng nước sạch.

Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, thông qua dự án cấp nước và môi trường nông thôn do Unicef hỗ trợ, 100% hộ dân ở An Khê đã lắp đặt và sử dụng giếng khoan phục vụ sinh hoạt. Song song với đó, thông qua các hoạt động truyền thông, người dân địa phương đã được nâng cao ý thức về sử dụng và bảo vệ nguồn nước sạch cho bản thân và cộng đồng. 

Trước nhu cầu cao về sử dụng nước sạch của người dân, ngay từ năm 2004, xã đã đầu tư xây dựng trạm cấp nước đặt tại thôn An Quý phục vụ nhu cầu của 300 hộ dân. Sau một thời gian vận động, mời gọi đầu tư, năm 2008, trạm xử lý nước quy mô lớn đã được xây dựng tại thôn Lộng Khê. Trạm được lắp đặt hệ thống xử lý nguồn nước mặt lấy trực tiếp từ sông Luộc, công suất thiết kế 850m3/ngày đêm, được đầu tư xây dựng với số vốn 15,5 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ 60%, 40% do nhân dân đóng góp đối ứng. Tại thời điểm đó, cùng với thị trấn Quỳnh Côi và An Bài, An Khê là một trong ba địa phương có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch cao của huyện Quỳnh Phụ.

Ông Ngô Trọng Càn, thôn Hiệp Lực cho biết: Nhờ nỗ lực của địa phương trong việc xây dựng các công trình xử lý nước sạch nên trong những năm qua đông đảo người dân An Khê đã được sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh đó, việc xã công khai, minh bạch trong việc bình ổn giá, niêm yết các chỉ số kiểm nghiệm, hỗ trợ người dân trong thanh toán cước, lắp đồng hồ mới… đã nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân. Gia đình ông Càn sử dụng nước sạch từ năm 2012, đến nay ông và bà con trong thôn hoàn toàn yên tâm về chất lượng nguồn nước.

Đại Đồng là một thôn của xã An Khê nhưng lại nằm bên kia sông Luộc, giáp huyện Ninh Giang (Hải Dương). Nhưng không vì thế mà việc cung cấp nước sạch cho người dân bị xem nhẹ. Ý tưởng về một đường ống chạy ngầm qua sông Luộc dẫn nước sạch từ An Khê cung cấp cho thôn Đại Đồng đã được địa phương đưa ra và nhiều lần mời các đoàn khảo sát, tư vấn thiết kế, thực hiện nhưng không khả thi. Năm 2012, lãnh đạo xã chủ động hợp tác với Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch số 3, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Hải Dương cung cấp nước sạch cho thôn Đại Đồng. Với kinh phí đầu tư trên 2 tỷ đồng, hệ thống đường ống dẫn nước đã được thi công, cung cấp nước sạch tới toàn bộ các gia đình trong thôn. Như vậy, đến thời điểm này, đường ống nước sạch đã phủ kín địa bàn xã. 

Bà Đoàn Thị Nga, thôn Đại Đồng chia sẻ: Tuy bị ngăn cách bởi con sông Luộc nhưng người dân Đại Đồng chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần của địa phương, việc nỗ lực đưa nước sạch về với Đại Đồng đã minh chứng cho điều đó. Nhờ sử dụng nước sạch, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của người dân được nâng cao, cuộc sống thay đổi nhiều so với trước.

Chính quyền phải làm tốt để người dân tin tưởng và tự giác ủng hộ, đó là chia sẻ của ông Lê Đắc Vụ, Chủ tịch UBND xã An Khê về thành công trong việc đưa nước sạch đến với người dân. Để điều hành việc bảo đảm cung cấp nước sạch trên địa bàn, ban quản lý trạm cấp nước sạch do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban với 3 thành viên chuyên trách trong việc vận hành, xử lý nước, xử lý kỹ thuật… Chất lượng nguồn nước là một trong những yếu tố quan trọng giúp người dân tin tưởng và ủng hộ chủ trương của xã, trung bình 4 lần/năm địa phương lấy mẫu nước của các gia đình đưa đi kiểm nghiệm tại các đơn vị uy tín sau đó niêm yết công khai để nhân dân theo dõi, đánh giá. Nguồn nước sạch từ các trạm xử lý cung cấp cho người dân luôn ổn định và đầy đủ, bảo đảm chất lượng. Thông qua các đoàn thể, các cuộc họp tới cơ sở thôn, thông qua những đảng viên, quần chúng gương mẫu, tiên phong, công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch được thực hiện hiệu quả, có chiều sâu. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ của địa phương như giá nước thấp hơn giá thị trường với mức thu 4.000 đồng/m3, xã đối ứng tiền lắp đặt đồng hồ, tài trợ tiền lắp đặt đường ống sau đồng hồ, miễn phí 30m3 nước đầu tiên… 

Theo ông Lê Đắc Vụ: Gần 80% dân số địa phương sử dụng nước sạch là một thành công song không vì thế An Khê tự hài lòng. Thời gian tới, song song với công tác vận động, tuyên truyền, địa phương tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ tiếp nhận từ tỉnh và huyện như hỗ trợ téc nước cho hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch trong năm 2017 theo kế hoạch, giảm kinh phí đối ứng, hỗ trợ lắp đặt đường ống, thiết bị… cho các hộ nghèo, gia đình chính sách. An Khê nỗ lực phấn đấu đạt tỷ lệ 100% dân số sử dụng nước sạch trong thời gian sớm nhất.

Trịnh Cường