Thứ 5, 14/11/2024, 23:37[GMT+7]

Vang mãi bài ca mở đất (Kỳ 1)

Thứ 4, 01/11/2017 | 08:56:17
2,046 lượt xem
Nằm ở cuối sông Hồng, với hơn 23km bờ biển, 3 cửa sông lớn đổ ra biển, mảnh đất Tiền Châu xưa, huyện Tiền Hải nay đã trở thành biểu tượng của người nông dân trong cuộc đấu tranh sinh tồn, chinh phục thiên nhiên.

Đền thờ Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại xã Tây Sơn (Tiền Hải).

Người Tiền Hải luôn in đậm dấu ấn về cuộc khẩn hoang năm 1828 do Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ khởi xướng và tổ chức thực hiện, lập nên huyện Tiền Hải, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong lịch sử khai hoang của các thế hệ người Tiền Hải. 

Ngược dòng lịch sử, cách đây gần 190 năm, vùng đất Tiền Châu (còn gọi là cồn Tiền) chỉ là mảnh đất hoang vu, đầy lau sậy, sú vẹt, được hình thành bởi quá trình bồi tạo của sông Trà Lý, sông Lân và đặc biệt là sông Hồng. Trước sự ưu đãi của thiên nhiên, Tiền Châu sớm trở thành ước vọng của những người nông dân khi phóng tầm nhìn về phía biển. Ngay từ thế kỷ XVII, lẻ tẻ đã có người đến khai phá Tiền Châu như dân An Tứ Hạ khai khẩn lập ra thôn Bát Cấp và An Phú; dân các làng Đại Hoàng, Tiểu Hoàng, Thư Điền mở rộng lập ra các làng ấp ở Ngoại Đê, Hoàng Môn, Diêm Trì; người làng Bắc Trạch lập ra các họ giáo Nam Trại (Nam Thanh nay)… 

Song trước tình hình thiên tai, bão lụt và giặc biển, cư dân các làng mới lập chỉ sống cảnh “triều khứ, mộ hồi” (sớm tản cư đi, tối trở về). Thuở ấy, bước vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, Tả Thị lang bộ hình Nguyễn Công Trứ với lòng yêu nước, thương dân đã dâng sớ trình triều đình nhiều việc trong đó có việc “Vỡ ruộng hoang cho dân nghèo”. Trong sớ có đoạn viết: “Hiện ở Nam Định, các huyện Giao Thủy, Chân Định ruộng bỏ hoang mênh mông bát ngát không biết mấy ngàn mẫu, nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn. Thêm nữa, bãi Tiền Châu hoang rậm, trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay cho khai hoang lập làng, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác”. 

Nguyễn Công Trứ cũng đề nghị cụ thể về cách tập hợp lực lượng: Những đất hoang có thể khai khẩn được thì cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi cùng làm... Mộ được 50 người thì thành lập một làng cho làm lý trưởng. Mộ 30 người thì lập một ấp cho làm ấp trưởng. Mọi nhà đều được chia đất, cấp tiền công để làm cửa nhà, mua trâu, bò, nông cụ, lại lượng cấp tiền gạo, lương tháng trong hạn 6 tháng, ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn. 3 năm thành ruộng chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc đề phòng năm mất mùa cho dân vay...”. 

Tờ sớ của Nguyễn Công Trứ được nhà vua y sớ, giao cho Nguyễn Công Trứ chức Dinh điền sứ để tổ chức việc khai hoang. Bằng tài năng và nghị lực sáng tạo, tháng 3/1828, Nguyễn Công Trứ đã chiêu tập dân nghèo và dân lưu vong các nơi, chỉ 6 tháng sau đã hoàn thành công cuộc khẩn hoang mở đất. Tháng 9 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), triều đình cho đặt tên là huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương, trấn Nam Định (nay thuộc tỉnh Thái Bình). 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của huyện ven biển này nên những viên tri huyện Tiền Hải đều là những người được triều đình cân nhắc, tuyển lựa kỹ càng. Ngoài tiêu chuẩn cần có theo quy định cho ngạch quan này của triều đình, những viên tri huyện ấy còn phải “hợp với người và đất”  vùng này thì mới được cắt cử. Ngay cả đội ngũ quan lại cấp cơ sở cũng là những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Chỉ những lý trưởng “hạng ưu” mới được cử làm phó tổng, chánh tổng. Trên vùng đất mới, các lý, ấp, trại, giáp trực tiếp đứng ra phân phối ruộng đất cho dân đinh theo nguyên tắc ruộng đất của lý, ấp, trại, giáp nào thì dân ở đó được sử dụng. Trong cùng một đơn vị, mọi người đều được nhận khẩu phần bằng nhau (kể cả thổ cư, ruộng). 

Bên cạnh việc quản lý và phân phối ruộng đất, các lý, ấp, trại, giáp còn tiếp tục phải tiến hành đắp đê, xây dựng hệ thống thủy nông. Những con đê biển và đê sông Trà, sông Lân, sông Cá... cũng như các cống dưới đê đòi hỏi các lý, ấp, trại, giáp phải hợp sức để đào đắp, giữ gìn. Nhiều lý, ấp, trại, giáp đã đắp hàng nghìn mét đê, nhiều chỗ đắp xong lại bị sóng biển cuốn trôi, đắp 2 - 3 vòng vô cùng vất vả. 

Huyện lỵ Tiền Hải đầu tiên đặt ở ấp Phong Lai, tổng Tân Thành (nay là khu vực đất chùa Phong Lai, xã Đông Phong). Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), huyện lỵ được chuyển về ấp Ngoại Hoàng thuộc tổng Tân Định (nay là xã Tây Sơn). Khi tỉnh Thái Bình được thành lập ngày 21/3/1890, huyện Tiền Hải gồm 8 tổng, 79 xã thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. 




Ông Phạm Quang Tiệp, nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tiền Hải

Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tạc “tượng đồng bia đá” trong lòng mọi thế hệ, đặc biệt là nhân dân Tiền Hải không bởi con đường thăng quan hoạn lộ mà bằng chính sự nghiệp công danh cứu dân giúp đời, trong đó có việc tổ chức khai hoang lập nên đất Tiền Hải. Để nối tiếp truyền thống đó, cũng là tri ân bậc tiền nhân, trong các nhiệm kỳ, huyện Tiền Hải đều xây dựng chủ trương và đề ra mục tiêu đúng, trúng, đồng thời tổ chức thực hiện tốt các giải pháp phát triển mạnh kinh tế biển. Theo đó, Tiền Hải phát triển toàn diện các ngành, nghề biển tạo ra tốc độ phát triển kinh tế nhanh, bền vững với tầm nhìn dài hạn, qua đó tăng cường bảo vệ an ninh vùng biển.


Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch UBND xã Tây Sơn (Tiền Hải)

Theo sử sách ghi lại, Nguyễn Công Trứ lúc nhỏ tên là Củng, tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, sinh năm Mậu Tuất (1778). Là một thiếu niên anh tuấn, có tài văn chương nhưng mãi đến năm 42 tuổi ông mới giành được giải Nguyên trường nghệ khoa thi năm Kỷ Mão (1819). Cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm, đầy giai thoại, giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc. Một minh chứng rõ nét đó là ông đã tổ chức thực hiện thành công khai hoang lập nên 2 huyện Tiền Hải và Kim Sơn, cùng với cách bố trí hệ thống thủy lợi rất khoa học, cách bố trí dân cư rất hợp lý.


Ông Phạm Xuân Thung, thủ nhang đền thờ, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, xã Tây Sơn (Tiền Hải)


Nhân dân Tiền Hải mãi khắc ghi công lao to lớn của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ vì vậy họ đã lập đền thờ hương khói tri ân từ khi ông còn sống (sinh từ). Năm 2011, khu lưu niệm Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại xã Tây Sơn được khánh thành với kinh phí đầu tư trên 20 tỷ đồng, thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Tiền Hải anh hùng cho các thế hệ. Hàng năm, vào ngày 14/11 âm lịch là ngày giỗ của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, nhân dân Tiền Hải đều tiến hành nghi lễ thờ cúng ông như đối với ông bà, tổ tiên.


Sau 6 tháng thực hiện khẩn hoang, đến tháng 9 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), Nguyễn Công Trứ đã tổ chức thực hiện: khai khẩn được 18.970 mẫu đất canh tác, chiêu tập được 2.350 người đến lập nghiệp sống trên 97 điểm dân cư; thành lập 7 tổng, 14 làng, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp (làng có diện tích 600 mẫu, ấp 400 mẫu, trại 200 mẫu, giáp 120 mẫu).


(còn nữa)

Nhóm Phóng viên

  • Từ khóa