Chủ nhật, 24/11/2024, 02:00[GMT+7]

Thực hiện bình đẳng giới trong các cấp hội phụ nữ

Thứ 2, 06/11/2017 | 10:04:05
473 lượt xem
Những năm qua, cùng với triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác hội, công tác bình đẳng giới (BĐG) luôn được hội các cấp phụ nữ đặc biệt quan tâm.

Tại hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ, hội viên phụ nữ do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Đông Hưng phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức, rất nhiều chị em đã đưa ra các ý kiến liên quan trực tiếp đến phụ nữ, đồng thời được giải đáp cụ thể về chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của mình. 

Chị Phạm Thị Luyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Châu (Đông Hưng) cho biết: Từ những buổi truyền thông, cán bộ hội không chỉ được bồi dưỡng nghiệp vụ trong công tác mà còn được nâng cao kiến thức pháp luật về BĐG, từ đó tuyên truyền, vận động chị em ở cơ sở tốt hơn. 

Chị Nguyễn Thị Vóc, hội viên phụ nữ thôn Văn Hải, xã Đông Phong (Tiền Hải) bày tỏ: Phụ nữ nông thôn bận bịu với công việc đồng ruộng, làm công nhân, chăm sóc gia đình nên không có nhiều thời gian để nắm bắt thông tin. Thông qua các buổi tuyên truyền, các hội thi do hội các cấp LHPN tổ chức giúp chúng tôi hiểu thêm về công tác hội, Luật Bình đẳng giới cũng như các kiến thức pháp luật liên quan mật thiết đến giới mình. 

Với chúng tôi, BĐG đơn giản là việc được các cấp hội chăm lo về sức khỏe, tinh thần, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

Từ khi Luật Bình đẳng giới có hiệu lực (năm 2007) đến nay, hàng năm, các cấp hội phụ nữ đều lồng ghép tập huấn kiến thức về giới, Luật Bình đẳng giới trong các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho cán bộ hội các xã, phường, thị trấn. Phối hợp với các ngành liên quan truyền thông, phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế... cho cán bộ, hội viên, phụ nữ các địa phương. 10 năm qua, các cấp hội đã tích cực chủ động phối hợp với ngành Tư pháp củng cố và phát triển mạng lưới tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ. Hội LHPN cơ sở phối hợp với các ngành chức năng giải quyết 924 đơn, thư thuộc các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, trẻ em, đất đai, thừa kế; phối hợp với tổ hòa giải cơ sở hòa giải 12.157 vụ mâu thuẫn gia đình, làng xóm; tham mưu xây dựng và duy trì 1.956 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng...

10 năm qua, các cấp hội còn tích cực tham mưu cho các cấp ủy đảng tạo điều kiện, hỗ trợ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. 

Thành phố Thái Bình là địa phương tiêu biểu trong việc tạo nguồn cán bộ nữ. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ nữ được bầu vào ban chấp hành đảng bộ xã, phường của thành phố chiếm 21,51% (tăng 1,36% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015). 

Tỷ lệ nữ được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 chiếm 23,81% (tăng 7,14% so với nhiệm kỳ trước đó). Bình quân những năm gần đây, tỷ lệ nữ được kết nạp Đảng chiếm trên 50%. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND xã, phường đạt 24,08% (tăng 1,3% so với nhiệm kỳ trước). 

Chị Nguyễn Thị An, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết: Để có kết quả trên, một phần do các cấp hội LHPN tổ chức nhiều lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Hội LHPN thành phố cũng tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố, UBND các xã, phường cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tham gia thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ...

Cùng với hoạt động thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực chính trị, các cấp hội LHPN còn góp phần thúc đẩy BĐG trên các lĩnh vực lao động việc làm, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ; tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn; phối hợp với ngành Y tế, công ty bảo hiểm… tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em; triển khai các chương trình bảo vệ tài chính cho phụ nữ nghèo...

Chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá: Việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Luật Bình đẳng giới đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp hội đã thực hiện hiệu quả các hoạt động công tác hội, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, góp phần hỗ trợ phụ nữ thực hiện BĐG trên các lĩnh vực; vai trò, vị thế của phụ nữ được nâng lên. 

Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, hội viên và nhân dân về Luật Bình đẳng giới, kiến thức về BĐG, tổ chức thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhiệm vụ công tác để tích cực hỗ trợ phụ nữ thực hiện BĐG trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, tích cực đề xuất với các ngành chức năng những vấn đề liên quan để thực hiện hiệu quả BĐG; làm tốt công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng những điển hình trong thực hiện BĐG...

Phương Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày