Thứ 7, 23/11/2024, 18:19[GMT+7]

Tiền Hải phát triển nghề và làng nghề bền vững

Thứ 4, 08/11/2017 | 10:12:46
1,745 lượt xem
Thời gian qua, huyện Tiền Hải đã có nhiều giải pháp để duy trì, thúc đẩy phát triển nghề và làng nghề, góp phần tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân và gìn giữ văn hóa truyền thống của các địa phương.

Nghề đan làn ở xã Tây An (Tiền Hải).

Những năm trước đây, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho sản phẩm làng nghề của Tây An bị suy giảm, lao động làng nghề thường xuyên thiếu việc làm. Trước thực trạng trên, xã đã bám sát chủ trương phát triển ngành nghề tiểu thủ công của huyện, xây dựng lộ trình tổng thể để phát triển làng nghề gắn với thu hút và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tích cực hỗ trợ vốn vay theo cơ chế ưu đãi cho hoạt động làng nghề thông qua các đoàn thể nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nghề thủ công phát triển. 

Hiện nay, nghề và làng nghề của Tây An có bước đi vững chắc, ngoài 1 làng nghề truyền thống là nghề rèn với 47 hộ sản xuất xã còn có nhiều doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, nổi bật là doanh nghiệp Phương Anh và doanh nghiệp mây tre đan xuất khẩu Tây An với các mặt hàng thủ công như móc hộp, làn, mũ cói, đồ mỹ nghệ… cho thu nhập từ 25 - 30 tỷ đồng/năm. Sản phẩm làng nghề có mặt ở các thị trường khó tính như Đức, Nhật, Thái Lan, Mỹ. Các doanh nghiệp nộp thuế cho nhà nước gần 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động với thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trần Lâm Thao, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Để phát triển nghề và làng nghề bền vững, những năm trước đây, Tiền Hải xây dựng lộ trình phát triển các làng nghề ở khu Tây, khu Đông, trong đó có Tây An là một trong những xã thực hiện thành công các giải pháp phát triển nghề và làng nghề do huyện đề ra. Hiện nay, trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế đồng thời xuất phát từ những khó khăn của làng nghề truyền thống, vấn đề bức thiết đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, đủ sức cạnh tranh để tiếp tục tồn tại và phát triển. Tiền Hải tiếp tục triển khai đề án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề tại các xã khu Nam giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII: chú trọng phát triển nghề và làng nghề ở các xã khu Nam, giải quyết việc làm cho người lao động. Mở rộng cụm công nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao vào đầu tư. Tập trung phát triển các nghề như làm nón, dệt chiếu, chế biến nước mắm, chế biến thủy sản, chế biến gỗ gia dụng, mỹ nghệ... Chú trọng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và thực hiện tốt các chính sách về thu hút đầu tư để phát triển làng nghề như tạo điều kiện về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. Hình thành các mô hình tổ hợp tác nhằm tạo mối liên kết trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài huyện. Đồng thời, các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở làng nghề cũng chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung đầu tư vốn, máy móc, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước... 

Hiện nay, bước đầu triển khai đề án, các làng nghề tại các xã khu Nam đã giải quyết việc làm tại chỗ và mang lại thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho 4.175 lao động, đóng góp 97.027 triệu đồng chiếm 26,7% giá trị sản xuất của làng nghề trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy bản sắc văn hóa của các địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.

Mạnh Thắng

  • Từ khóa