Thứ 5, 14/11/2024, 23:55[GMT+7]

Tiếp tục phấn đấu,vì môi trường giáo dục lành mạnh

Thứ 2, 20/11/2017 | 10:57:41
615 lượt xem
Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo; tiếp nối truyền thống ấy, Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm, chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD - ĐT).

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thăm phòng truyền thống của Trường THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: Thành Tâm

Hàng năm, vào dịp 20/11, toàn xã hội lại dành nhiều tình cảm và tổ chức những hoạt động thiết thực để tôn vinh người thầy. 35 năm trôi qua kể từ khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định “Hàng năm lấy ngày 20/11 làm ngày Nhà giáo Việt Nam”, “để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với sự nghiệp giáo dục” và cũng là “để phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta”.

Với quyết định quan trọng này, Đảng và Nhà nước ta đã nâng cao và coi trọng vị thế, vai trò của người thầy trong xã hội. Giáo giới chúng ta vui mừng, phấn khởi, tự hào vì từ đó, mỗi năm chúng ta có một ngày kỷ niệm cho riêng mình, những người được giao sứ mệnh vẻ vang trong “sự nghiệp trồng người”. Vinh dự, tự hào khi được đứng trong đội ngũ các nhà giáo, chúng ta cũng nhận rõ trách nhiệm to lớn, nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Để xứng đáng với niềm tin yêu ấy, từ nhiều năm nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên Thái Bình đã đoàn kết, phấn đấu với một quyết tâm cao, vượt qua những khó khăn, từng bước vươn lên và đã giành được những kết quả rất đáng phấn khởi.

Chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là dịp để ngành Giáo dục tổng kết các phong trào thi đua, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”. Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã và đang được ngành Giáo dục Thái Bình thực hiện hiệu quả. Từ mục tiêu đó đòi hỏi GD - ĐT phải tích cực chuyển biến, phải không ngừng tự đổi mới để phát triển hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

Để làm được điều đó, các nhà giáo Thái Bình đã xác định: Trước hết và trước mắt phải chú trọng rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn. Tích cực triển khai thực hiện Chương trình hành động số 34-CTHĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tích cực thực hiện các cuộc vận động, chú trọng nội dung “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với trọng tâm “Nhà giáo mẫu mực, học sinh chăm ngoan, môi trường giáo dục lành mạnh”. Ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới quản lý giáo dục và đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học. Tất cả nhằm thực hiện mục tiêu, với ý nghĩa bao trùm là mỗi thầy cô giáo chúng ta tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống cao quý, tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam, tiếp tục tô thắm truyền thống ấy bằng tất cả nhiệt huyết, phẩm chất đạo đức cao quý, năng lực nghiệp vụ vững vàng và lòng tận tâm nghề nghiệp để hoàn thành trọng trách cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó.

Năm học 2016 - 2017, từ quy mô đến chất lượng của GD - ĐT Thái Bình đều phát triển với nhiều thành tích cao hơn. Cơ sở vật chất trường học trong những năm qua được tăng cường mạnh mẽ, các nguồn kinh phí của ngành GD - ĐT được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đề án quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình được thực hiện tích cực; các phòng giáo dục, các trường trực thuộc đã tích cực tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc mở rộng diện tích đất theo tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia, trường học nông thôn mới; xây dựng trường THCS liên xã, dồn điểm trường mầm non, giảm điểm lẻ trường tiểu học. Công tác quản lý có tiến bộ, đội ngũ giáo viên cơ bản đạt chuẩn, trên 80% giáo viên các cấp có trình độ trên chuẩn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường theo hướng chuẩn hóa - hiện đại hóa. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, bậc học như sau: mầm non 255/302 trường, tiểu học 288/295 trường, THCS 206/267 trường, THPT 17/39 trường. Các trường chuyên nghiệp đã mở rộng mã ngành đào tạo, quy mô tuyển sinh tăng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và đất nước.

Kết thúc năm học 2016 - 2017, kỷ cương, nền nếp tiếp tục ổn định, nhiều trường đã phát huy tốt những mặt tích cực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học. Nhiều chỉ tiêu của ngành đề ra đã hoàn thành, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá và tốt cao. Có 37/64 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 1 giải nhất, 3 giải nhì, 16 giải ba và 17 giải khuyến khích; 1 học sinh được dự thi chọn đội tuyển quốc gia đi dự thi quốc tế. 640 học sinh lớp 9 tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 392 em đạt giải trong đó 28 giải nhất, 97 giải nhì, 120 giải ba và 147 giải khuyến khích; 1.612 em tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh, 942 em đạt giải, trong đó 35 giải nhất, 162 giải nhì, 292 giải ba và 453 giải khuyến khích. Tổ chức nghiêm túc các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên và THPT đại trà. Từ các phong trào thi đua, nhiều cá nhân và đơn vị đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Toàn ngành có 3 đơn vị được đề nghị tặng cờ thi đua của Chính phủ, 5 đơn vị được tặng cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 5 đơn vị được tặng cờ thi đua của tỉnh; 4 cá nhân được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 13 tập thể, 47 cá nhân được tặng bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 14 cá nhân được UBND tỉnh công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 9 tập thể được công nhận tập thể lao động xuất sắc, 9 đơn vị và 16 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen. Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ổn định ở tốp đầu của cả nước.

Hội Khuyến học tỉnh và các cấp hội hoạt động tích cực; Hội Cựu giáo chức tỉnh đã tạo sự phối hợp tốt cùng ngành GD - ĐT chăm lo sự nghiệp trồng người. Chúng ta có thể khẳng định sự nghiệp giáo dục của tỉnh ta thực sự là sự nghiệp của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Công tác xã hội hóa giáo dục ở Thái Bình ngày càng được phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.

Kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta lại nhớ tới lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo thế hệ sau này góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Chính sự vẻ vang đó mà mỗi người khi đã gắn mình vào nghề dạy học thì dù ở bất kỳ thời đại nào cũng phải ý thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình. Và trước những yêu cầu đổi mới của xã hội đòi hỏi người thầy ngày càng nâng cao cả về phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, nghĩa là phải chuẩn nghề nghiệp. Như vậy, vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo người làm công tác giáo dục thực sự yêu nghề, yêu người, hết lòng chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Các nhà giáo Thái Bình những năm qua đã cùng với đội ngũ nhà giáo trong cả nước nỗ lực phấn đấu cho một nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương và với nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, chúng ta tin tưởng GD - ĐT Thái Bình ngày càng phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

Đặng Phương Bắc

(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo)