Thứ 3, 26/11/2024, 15:24[GMT+7]

Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân từ mỗi cộng đồng dân cư

Thứ 2, 20/11/2017 | 11:27:48
1,164 lượt xem
Những ngày qua, không khí vui tươi của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc và các hoạt động kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2017) diễn ra khắp các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh về mục đích, ý nghĩa, tác động của ngày hội đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương.

Người dân xã Thái Tân (Thái Thụy) xây dựng nông thôn mới.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư có ý nghĩa như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Thị Hoa: Những năm qua, cứ vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11), các khu dân cư trong toàn tỉnh đều náo nức, phấn khởi tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là dịp để cán bộ, nhân dân các khu dân cư ôn lại truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam; tăng cường sự gắn kết, đồng thuận của cộng đồng dân cư; củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới, nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Thông qua tổ chức ngày hội tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tự giác tham gia ở các khu dân cư. Ngày hội cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo đảng, chính quyền, MTTQ các cấp, các ngành, lãnh đạo địa phương cùng sinh hoạt với nhân dân, nắm rõ hơn tình hình đời sống và những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở từng địa phương; là cơ hội để bà con các khu dân cư ngồi lại với nhau cùng nhìn nhận, đánh giá những công việc đã làm được và chưa làm được trong năm, trao đổi kinh nghiệm, bàn giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương trong những năm tới.

Phóng viên: Thời gian qua, Thái Bình đã tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đạt kết quả như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Hoa: Việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư trong những năm qua được các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo toàn diện, cụ thể. Các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ ngày hội được các cấp chính quyền bảo đảm. Hầu hết các địa phương đều hỗ trợ thêm kinh phí từ 3 - 4 triệu đồng/khu; từ năm 2015, UBND tỉnh đã cấp thêm 10 triệu đồng/xã để nâng cao chất lượng tổ chức ngày hội.

Điều đáng mừng nhất là ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, ngày hội đại đoàn kết toàn dân đã được khẳng định trong Luật mặt trận tổ quốc Việt Nam, trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực, làm phong phú, tô đậm thêm nét đẹp văn hóa ở tất cả các khu dân cư; thông qua đó đã động viên, cổ vũ, tập hợp nhân dân, tăng cường sự đoàn kết cộng đồng, thực sự là “Ngày hội của nhân dân”.

Thông qua việc tổ chức ngày hội ở các khu dân cư đã biểu dương, khen thưởng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thi đua sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa góp phần xây dựng con người Việt Nam mà trọng tâm là xây dựng đạo đức, lối sống, nếp nghĩ, cách làm, tinh thần tương thân tương ái, kính lão trọng thọ… nhân lên khát vọng làm giàu chính đáng, sống vì cộng đồng, mạnh dạn đấu tranh phê phán cái xấu, cái ác, hình thành lối sống tốt đẹp, phù hợp với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Thông qua việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua và tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo sự lan tỏa, sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, con em xa quê ủng hộ các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh đã có 286 nhà văn hóa xã, 1.711 nhà văn hóa thôn (chiếm 82,4%); 275/286 xã, phường, thị trấn có khu thể thao; 1.658 thôn, tổ dân phố có sân thể thao (79,8%). Nhân dân tự nguyện đóng góp mua sắm loa máy, trang thiết bị cho  nhà văn hóa thôn phục vụ các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, nhân dân có nơi vui chơi, hội họp, có điều kiện tổ chức các trò chơi dân gian, các trò thi tài, đua khéo, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân trong tỉnh.

Người dân thôn Văn Lăng, xã Thượng Hiền (Kiến Xương) tích cực làm nghề để tăng thu nhập.

Phóng viên: Năm nay, việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh có điểm gì mới thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Hoa: Năm nay, 100% các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo khí thế thi đua phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, bảo đảm tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Trước thời điểm tổ chức ngày hội, các khu dân cư làm tốt công tác tuyên truyền, trang trí, khánh tiết tạo không khí phấn khởi và thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Ban công tác mặt trận nhiều khu dân cư đã phát  động đoàn viên, hội viên các đoàn thể và nhân dân tổ chức tổng vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải; không lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo cảnh quan phong quang, sạch đẹp, vận động nhân dân treo cờ Tổ quốc, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, mời những người con xa quê về cùng dự.

MTTQ tỉnh đã mở ngày hội tại 8 khu dân cư làm điểm của tỉnh, mời các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể về dự chung vui với nhân dân. Ban thường trực ủy ban MTTQ mỗi huyện, thành phố cũng chọn từ 2 - 3 khu dân cư làm điểm, rút kinh nghiệm.

Nhiều khu dân cư đã đổi mới nội dung, cách thức tổ chức ngày hội: phần hội được chuẩn bị công phu, chu đáo, hầu hết các khu dân cư tổ chức bữa cơm đại đoàn kết. Phần lễ thực hiện đúng nội dung, chương trình, ngắn gọn kết hợp tổ chức tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu, tổ chức phát động phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Có thể khẳng định, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư năm nay thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn tỉnh, nâng cao vai trò, vị trí của mặt trận trong giai đoạn mới, là dịp để các khu dân cư đánh giá toàn diện, đề ra các giải pháp vận động cán bộ, nhân dân thực hiện tốt hơn nữa 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tham gia giải quyết tốt những vấn đề Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết ở các địa phương như: xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát và phản biện xã hội… góp phần củng cố, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hình

(thực hiện)


Ông Vũ Duy Hạnh, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Tam Bảo, xã Nam Hồng (Tiền Hải)  

87 năm qua, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay MTTQ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi bè lũ thực dân, đế quốc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, MTTQ Việt Nam không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Người dân thôn Tam Bảo nguyện phát huy tinh  thần đó, sáng tạo trong lao động sản xuất, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Ông Lều Vũ Cự, tổ 17, phường Phú Khánh (thành phố Thái Bình)

Hơn 10 năm tham gia công tác mặt trận trên địa bàn phường Phú Khánh, tôi cảm thấy rất vui mừng khi chứng kiến diện mạo đô thị ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách đã nhận được sự quan tâm, chăm lo chu đáo từ cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng xã hội. Tôi xin hứa, bản thân còn sức khỏe là còn cống hiến, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần xây dựng thành phố Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành đô thị loại I.

Chị Ðỗ Thị Lụa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ðại Ðồng, xã Tân Hòa (Vũ Thư)

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay vui hơn gấp bội vì khu dân cư chúng tôi 9 năm liên tục đạt khu dân cư văn hóa. Chị em trong thôn phấn khởi đi dự ngày hội và tham gia ký giao ước thi đua tiếp tục đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, giáo dục con cháu tích cực học tập, lao động sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình hạnh phúc. Chúng tôi cũng sẽ tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, các tầng lớp nhân dân luôn tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với mảnh đất truyền thống cách mạng và vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. 

Ông Lê Hải Dương, Mục sư quản nhiệm Hội Thánh Tin lành Khả Cảnh, xã Hồng Tiến (Kiến Xương)

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do MTTQ Việt Nam phát động, chúng tôi luôn răn dạy các tín đồ trong Hội Thánh đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, vươn lên trong cuộc sống, sống phúc âm trong lòng dân tộc. Các tín đồ cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện tốt phong trào xây dựng “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu” và phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, bà con cùng tham gia đóng góp ngày công, tiền của, chung sức xây dựng nông thôn mới, làm cho diện mạo nông thôn và đời sống của nhân dân ngày một tiến bộ. Đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là truyền thống của dân tộc, là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là những điều kinh thánh dạy nên chúng tôi tích cực tuyên truyền, khuyến khích các tín đồ ra sức thực hiện một cách thiết thực. Hội Thánh cũng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp để tạo môi trường thuận lợi cho tín đồ hoạt động tín ngưỡng và tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua của địa phương.

Ông Ðặng Văn Thưởng, thôn Ký Con, xã Ðông Xuân (Ðông Hưng)

Những năm qua, ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam (18/11) và ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương thực sự trở thành ngày hội của toàn dân. Tất cả đường làng ngõ xóm trong thôn đều được dọn dẹp phong quang, sạch sẽ và được trang trí rực rỡ sắc màu của cờ Tổ quốc, của băng rôn, khẩu hiệu. Từ các cụ ông, cụ bà đến những nam thanh, nữ tú đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất tham dự ngày hội. Năm nay, tôi cũng như mọi người dân trong thôn rất phấn khởi vì cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” từng bước đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Ngày hội không chỉ mang đến không khí đầm ấm tình làng nghĩa xóm mà còn là diễn đàn để người dân có điều kiện phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết ở cơ sở. Đây cũng là dịp để người dân chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn, động viên nhau cùng hướng đến những điều tốt đẹp.Nhóm phóng viên