Chủ nhật, 17/11/2024, 10:36[GMT+7]

Phát tài nhờ phát lộc

Thứ 7, 30/12/2017 | 12:04:03
1,477 lượt xem
Đi dọc quốc lộ 39 đến xã Minh Tân (Đông Hưng), không khí xuân đã tràn ngập, dường như tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đến sớm hơn với làng phát lộc Đình Phùng. Trên khắp cánh đồng, dọc quốc lộ đều là cây phát lộc, tháp phát lộc với đủ kích cỡ. Nhờ cây phát lộc mà hàng trăm hộ dân nơi đây phát tài, có cuộc sống sung túc.

Trang trí tháp phát lộc.

Du xuân đem nghề “độc” về cho làng

Phát lộc là tên gọi một loài cây thuộc họ vạn niên thanh, trồng trên đất hoặc ngắt cây cắm vào lọ, chỉ có nước là cây vẫn sống khỏe, vẫn nẩy lộc đâm chồi. Mọi người quan niệm rằng, để cây phát lộc trong nhà thì gia chủ làm ăn phát tài, phát lộc, vì vậy, từ lâu, nhiều gia đình đã dùng cây phát lộc cắm vào bình để trong nhà làm cảnh, mong đón tài lộc vào nhà. 

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, một số hộ nông dân ở xã Minh Tân đã chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây phát lộc để bán cành. Việc chuyển đổi này dù đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho một số hộ nông dân nơi đây nhưng chưa đủ để làm giàu cho cả thôn. Chỉ đến khi nghề làm tháp phát lộc được du nhập, phát triển, dân thôn Đình Phùng mới thực sự đổi đời, nhiều hộ trở thành triệu phú. 

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Đình Phùng cho biết: Trước đây, người dân trong thôn chỉ biết trồng cây phát lộc bán cành để cắm lọ chơi hoặc để lên bàn thờ. Cách đây hơn chục năm, tình cờ một người dân của thôn trong chuyến du xuân lên nhà người thân ở Hà Nội đã bị “hút hồn” bởi tháp phát lộc do người Trung Quốc làm. Khi trở về ông mang theo tháp phát lộc, mày mò tìm hiểu và làm theo. Làm tháp phát lộc dễ, tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú của thôn, nâng cao giá trị cây trồng, lại đẹp, lạ, rẻ, chơi được lâu hơn cả đào, quất nên nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận, tìm mua. Ban đầu, nghề làm tháp phát lộc chỉ có ở một vài hộ dân trong thôn Đình Phùng, song gần chục năm gần đây, chơi tháp phát lộc, lộc bình, thuyền phát lộc trở thành phong trào thì nghề làm tháp phát lộc cũng theo đó phát triển mạnh. Từ đó, Đình Phùng được nhiều người gọi thân mật là “làng phát lộc”. 

Hiện xã Minh Tân đang làm hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận làng nghề làm cây cảnh cho thôn Đình Phùng với các sản phẩm nổi tiếng cả nước là phát lộc và đào cảnh.

Phát tài nhờ phát lộc

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng thôn Đình Phùng cho biết: Đến nay, 100% diện tích đất nông nghiệp của thôn Đình Phùng đã được người dân chuyển đổi sang trồng cây phát lộc và đào cảnh, trên 70% hộ dân của thôn trồng, sản xuất, kinh doanh cây phát lộc. Không chỉ làm giàu cho gia đình, việc mở mang, phát triển nghề làm phát lộc còn đem lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo thương hiệu làng cây cảnh nổi tiếng cho thôn, cho xã. Song để phát tài được nhờ phát lộc, người dân Đình Phùng đã không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. 

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, thôn Đình Phùng cho biết: Trước đây, tháp phát lộc chỉ từ 3 - 5 tầng, giờ được thiết kế lên tới 15 tầng và có thêm nhiều sản phẩm độc đáo làm từ cây phát lộc như lộc bình, thuyền. Khung tháp trước làm bằng nứa để lâu có mùi, giá thành lại cao nên được đổi thành ống nhựa giá rẻ, để bao lâu cũng được. Đặc biệt, số tầng tháp ứng với số lẻ nghĩa là còn phát triển, sẽ phát triển cho hoàn thiện cũng như mừng tuổi trẻ con ngày tết, người ta chỉ mừng tiền lẻ với mong muốn trẻ phát triển hoàn thiện hơn. Với các sản phẩm lạ, đẹp mắt, kích cỡ khác nhau, người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp bài trí làm tươi xanh không gian gia đình cũng như phòng làm việc để đón tài lộc vào nhà.

Những sản phẩm đẹp được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của người dân Đình Phùng.

Gắn bó với nghề trồng phát lộc nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Giảng cho biết: Một sào phát lộc nếu trồng và làm thành sản phẩm thì thu được 20 - 25 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 10 - 15 triệu đồng. Ngoài làm phát lộc, anh Giảng còn đứng ra thu mua sản phẩm tháp phát lộc của các hộ khác để cung ứng cho khách hàng trong Nam, ngoài Bắc nên mỗi năm anh thu nhập từ phát lộc vài trăm triệu đồng.

Còn hơn một tháng nữa mới đến tết Nguyên đán Mậu Tuất nhưng riêng người làm phát lộc ở xã Minh Tân thì không khí tết đang đến rất gần. Những chậu cây phát lộc được tạo nên từ sự cần cù, sáng tạo của người dân nơi đây đang được chuyển đi khắp mọi miền Tổ quốc, đem đến không khí rộn ràng, phấn khởi cho miền quê này.



Anh Trần Đình Ngân, thôn Đình Phùng, xã Minh Tân (Đông Hưng)

Nghề làm phát lộc ở thôn Đình Phùng có cách đây trên 10 năm, gia đình tham gia phát triển nghề này đến nay đã được 8 năm. Ngoài 2 mẫu cây phát lộc nguyên liệu gia đình tự trồng, mỗi năm vẫn phải mua thêm khoảng 5 - 6 sào mới đủ làm để cung cấp cho thương lái các tỉnh. Trung bình mỗi năm gia đình xuất bán trên 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng. Nhờ làm phát lộc, gia đình đã tích cóp xây được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi hiện đại, giải quyết được việc làm cho nhiều người khác.


Chị Bùi Thị Phin, thôn Đình Phùng, xã Minh Tân (Đông Hưng)

Từ ngày trồng và làm phát lộc gia đình đã có của ăn của để. Gia đình học và làm tháp phát lộc từ những ngày đầu mới du nhập nghề này. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thời gian, giảm chi phí, gia đình cũng đã nghiên cứu chuyển từ cắt cây bằng tay sang cắt máy, từ làm khung tháp bằng ống nứa sang ống nhựa. Mùa cao điểm làm phát lộc phục vụ người dân chơi tết là từ tháng 7 đến hết tháng 12, gia đình phải thuê thêm 4 lao động làm cùng với hai vợ chồng.


Chị Nguyễn Thị Tươi, xã Hồng Lĩnh (Hưng Hà)

4 năm nay tôi sang thôn Đình Phùng làm cây phát lộc thuê, công việc rất nhàn nhưng đòi hỏi phải khéo tay, tinh mắt, mỗi ngày làm 8 tiếng được trả 130.000 đồng, tháng nào lĩnh tháng đó. Tôi mong thôn Đình Phùng sớm được công nhận làng nghề để nghề làm phát lộc có thêm cơ hội phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.


Thu Hiền

  • Từ khóa