Chủ nhật, 17/11/2024, 19:40[GMT+7]

Cải cách hành chính động lực thu hút đầu tư

Chủ nhật, 31/12/2017 | 14:09:50
1,119 lượt xem
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thời gian qua, Thái Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đột phá từ mô hình trung tâm hành chính công

Sáng thứ sáu, Trung tâm Hành chính công tỉnh tấp nập người ra vào như bao ngày làm việc khác. Các bàn tiếp nhận thủ tục hành chính (TTHC) đều chật kín người ngồi. Công việc được cán bộ giải quyết khẩn trương, nhanh gọn khiến người dân và đại diện các doanh nghiệp, tổ chức đều hài lòng. 

Anh Nguyễn Thành Tài, nhân viên Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long chia sẻ: Tôi đại diện cho doanh nghiệp đến Trung tâm Hành chính công tỉnh hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở các khu đô thị mà Công ty làm chủ đầu tư. Mọi thủ tục ở đây đều được niêm yết công khai, minh bạch nên rất tiện ích. Hồ sơ nộp vào, lấy ra đúng vào “một cửa”, cán bộ hướng dẫn tận tình nên công việc giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đến nay, Công ty cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. 

Anh Bùi Ngọc Hiện, công chức Sở Tài nguyên và Môi trường trực tại Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết: Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đều thực hiện rà soát, đơn giản hóa các TTHC, bãi bỏ các TTHC không phù hợp, bổ sung các TTHC mới thuộc lĩnh vực ngành quản lý theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý. Đến nay, Sở đã cắt giảm trên 50% thời gian giải quyết các TTHC. Đơn cử như thủ tục về cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định thời gian giải quyết là 60 ngày làm việc nhưng Sở đã rút ngắn thời gian thực hiện trong 20 ngày.

Không chỉ có Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đều thực hiện đồng bộ, quyết liệt công tác CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC. Các TTHC được niêm yết công khai, minh bạch trên bảng niêm yết, bảng điện tử tại trung tâm hành chính công và trên trang thông tin điện tử của tỉnh, huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư tra cứu thuận lợi, nhanh chóng. Sau hơn 2 năm đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh và trung tâm hành chính công 8 huyện, thành phố đã giúp cho việc giải quyết các TTHC ngày càng khoa học, minh bạch. 100% TTHC được giải quyết theo hướng “một cửa, một đầu mối” tiết kiệm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân. 

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: 73,12% doanh nghiệp khi được phát phiếu điều tra đánh giá trung tâm hành chính công 2 cấp của Thái Bình hoạt động hiệu quả, trong đó bình quân cả nước là 59,82%, tỉnh thấp nhất là 39,3%, tỉnh cao nhất là 76,67%; có 45,16% doanh nghiệp hài lòng về trình độ chuyên môn của cán bộ trung tâm hành chính công, trên mức bình quân chung của cả nước (40,91%). 100% các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã công khai, minh bạch hóa các văn bản pháp luật trên trang thông tin điện tử, qua đó, tỷ lệ doanh nghiệp truy cập để tìm kiếm, khai thác thông tin khá lớn, đạt 84,21%.

Sản xuất tại Công ty TNHH May xuất khẩu Đông Thọ (xã Phú Châu, huyện Đông Hưng).

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong năm 2017, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã rà soát, công bố chuẩn hóa trên 1.800 lượt TTHC ở cả 3 cấp; cắt giảm ổn định 50% thời gian giải quyết của trên 1.000 thủ tục (cắt giảm hơn 10.600 ngày, trung bình giảm 10,2 ngày/1 thủ tục) so với quy định hiện hành, trong đó có gần 500 thủ tục được cắt giảm trên 50% thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đường dây nóng của UBND tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố được duy trì, phát huy hiệu quả tích cực. UBND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc quy định xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức (nhất là người đứng đầu tổ chức, đơn vị) khi có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức của 12 sở, ngành, huyện, thành phố; đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 222 người; trong đó cấp sở, ngành 61 người, cấp huyện 61 người, cấp xã 100 người. 

Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Cấp nước Bách Hưng Phát đánh giá: Những nỗ lực trong CCHC của tỉnh thời gian qua đã giúp doanh nghiệp rút ngắn rất nhiều thời gian hoàn thiện các thủ tục hồ sơ trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả đầu tư. Điều này cho thấy Thái Bình đang tiến đến xây dựng nền hành chính đồng hành cùng doanh nghiệp và vì người dân phục vụ.

Đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Cùng với đẩy mạnh CCHC, những năm qua, UBND tỉnh thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân. Trong đó, chú trọng đa dạng hóa các hình thức đầu tư (xã hội hóa, hợp tác công tư, thu hút doanh nghiệp tư nhân), nhất là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông nhằm tăng cường khả năng kết nối kinh tế, hạ tầng cho các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, hạ tầng đô thị và nước sạch phục vụ đời sống nhân dân. Cùng với đó, công tác đối ngoại, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp được triển khai tích cực. Trong năm 2017, UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với 82 đoàn khách nước ngoài, 308 lượt người đến làm việc và tìm hiểu đầu tư; duy trì chương trình “Cà phê doanh nhân” 2 lần/tuần tạo môi trường gặp gỡ, trao đổi thường xuyên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thái Bình đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và 2 đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản; ký kết biên bản ghi nhớ và triển khai các hoạt động hợp tác với thành phố Yeongju (Hàn Quốc) về lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, giáo dục, văn hóa.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bức tranh thu hút đầu tư của Thái Bình có nhiều gam màu sáng, hứa hẹn xu hướng phát triển tốt trong tương lai. Kết quả thu hút đầu tư đã góp phần đưa kinh tế của tỉnh trong năm 2017 tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm GRDP đạt trên 45.482 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016. Tổng giá trị sản xuất đạt trên 117.629 tỷ đồng, tăng 13,15% so với năm 2016 - là năm thứ hai liên tiếp tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh ta đạt mức 2 con số, cao hơn mục tiêu Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (bình quân 8,6%/năm).

Bức tranh thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2017


  • 111 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 8.130 tỷ đồng, tăng 44% về số dự án và tăng 34,7% về vốn đầu tư đăng ký so với năm trước;
  • 34 dự án hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; đến nay, toàn tỉnh có 543 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện hơn 29.000 tỷ đồng;
  • 4 dự án FDI được cấp phép chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh đến nay là 72 dự án, vốn đầu tư trên 525 triệu USD;
  • 10 dự án ODA đang triển khai thực hiện với tổng vốn ODA là 1.215 tỷ đồng;
  • UBND tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 701 doanh nghiệp và 123 chi nhánh, văn phòng đại diện, tăng 27% so với cùng kỳ;
  • Toàn tỉnh hiện có 5.616 doanh nghiệp và 701 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với vốn đăng ký hơn 51,6 nghìn tỷ đồng.

Mạnh Cường