Thứ 4, 27/11/2024, 23:13[GMT+7]

Học sinh đam mê sáng tạo khoa học

Thứ 4, 03/01/2018 | 09:52:58
1,675 lượt xem
Bên cạnh dự án tái chế rác thải hữu cơ trong sinh hoạt thành nước tẩy rửa của nhóm học sinh Trường THCS Trần Phú, rất nhiều dự án đã mang đến cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học những giải pháp thiết thực, phục vụ đời sống hàng ngày.

Giải pháp vật liệu từ cành cây, thân cây bỏ đi và gỗ dư thừa của nhóm học sinh Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy).

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn tỉnh tổ chức vào ngày 19/12 vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, thu hút đông đảo học sinh tham gia với nhiều sản phẩm, mô hình ý tưởng mới, độc đáo, mang tính ứng dụng cao. Đây thực sự là sân chơi ý nghĩa, thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo ở lứa tuổi học sinh trung học trong toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Đầm, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi, năm học 2017 - 2018 cho biết: Cuộc thi năm nay thu hút số dự án gửi về dự thi nhiều nhất trong 5 năm qua, đồng thời đây cũng là năm học ghi nhận nhiều dự án có chất lượng tốt, tính ứng dụng cao. Đặc biệt, nhiều học sinh chỉ ở lứa tuổi THCS nhưng đã mạnh dạn trình bày và thực hiện ý tưởng của mình. Hầu hết các dự án sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế vừa giúp tiết kiệm lại vừa bảo vệ môi trường. Quy trình tổ chức cuộc thi từ cấp cụm, huyện được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp hơn. Với tinh thần của cuộc thi là góp phần tích cực vào đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, ban giám khảo đã bám sát các tiêu chí cuộc thi, qua đó kiểm tra các ý tưởng sáng tạo và năng lực nghiên cứu khoa học, sự tìm tòi và đổi mới của học sinh, không khuyến khích những nghiên cứu chỉ mang tính minh họa.

Năm nay, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học thu hút 76 dự án thuộc 13 lĩnh vực của 155 thí sinh dự thi. Lĩnh vực về y sinh và khoa học sức khỏe đã thu hút nhiều học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo hơn những năm trước. Nhiều dự án xuất phát từ thực trạng đời sống hiện nay và đưa ra những giải pháp cụ thể, giúp cải thiện môi trường sống và làm việc. 

Điển hình như dự án tái chế rác thải hữu cơ trong sinh hoạt thành nước tẩy rửa của nhóm học sinh Trường THCS Trần Phú (thành phố Thái Bình). Gia đình em Tạ Duy Lâm làm nghề chế biến thực phẩm. Hàng ngày, chứng kiến bố mẹ bỏ đi rất nhiều rác thải hữu cơ, em luôn trăn trở phải tái chế loại rác thải này. Với suy nghĩ đó, Lâm và em Nguyễn Phúc Trùng Dương đã mạnh dạn trình bày ý tưởng của mình với cô giáo Đặng Thị Thủy, giáo viên Hóa học của Trường và nhờ cô hướng dẫn trong quá trình thực hiện dự án. Sau những lần thất bại, mô hình máy tái chế rác thải hữu cơ trong sinh hoạt thành nước tẩy rửa (hay còn gọi là thùng rác) được các em tự sáng tạo chính thức được hoàn thiện. Do sử dụng bằng năng lượng mặt trời nên thùng rác được sử dụng liên tục. Sau 7 đến 10 ngày rác sẽ tự động đẩy xuống ngăn dưới ủ tiếp từ 25 - 30 ngày. Mùn lấy được có tác dụng trồng cây, nước chiết xuất dùng để làm nước tẩy rửa. Ưu điểm của sản phẩm này là hoàn toàn chưa có trên thị trường, nguyên liệu sáng chế đơn giản, hoạt động đơn giản, khử mùi hôi và có độ bền cao.

Bên cạnh dự án tái chế rác thải hữu cơ trong sinh hoạt thành nước tẩy rửa của nhóm học sinh Trường THCS Trần Phú, rất nhiều dự án đã mang đến cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học những giải pháp thiết thực, phục vụ đời sống hàng ngày. Đó là giải pháp vật liệu từ cành cây, thân cây bỏ đi và gỗ dư thừa của nhóm học sinh Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy). Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện được giải pháp này, các em đã phải dành nhiều thời gian suy nghĩ, sáng tạo. Từ những cành cây, thân cây bỏ đi, các em sẽ sáng tạo thành các đồ trang sức độc lạ từ nhẫn, vòng tay, hoa tai đến dây chuyền, bìa sách bằng gỗ, tranh gỗ, quà lưu niệm… Từ gỗ vụn, keo, giấy ráp, khoan, các em đã tạo ra được các sản phẩm rất đa dạng và bắt mắt. Với ý tưởng độc đáo, tư duy sáng tạo phong phú, từ những mảnh gỗ thừa đã mang đến một diện mạo mới cho ngôi nhà, thổi hồn sức sống cho không gian bằng cách biến chúng trở thành các đồ trang trí nội thất. Chất liệu gỗ sẽ mang đến cảm giác ấm cúng, gần gũi cho các thành viên trong gia đình.

Qua cuộc thi, các em biết vận dụng kiến thức liên môn trong trường học để giải quyết những vấn đề thực tiễn, biến những lý thuyết khô khan thành những mô hình, sản phẩm thực tế sinh động, khơi gợi những ý tưởng lớn hơn, tốt đẹp hơn cho tương lai.

Cô giáo Đặng Thị Thủy, giáo viên Trường THCS Trần Phú
(thành phố Thái Bình)

Qua quá trình hỗ trợ các em làm dự án, tôi nhận thấy các em khá tự tin, bản lĩnh, mạnh dạn thể hiện và thực hiện ý tưởng của mình. Mỗi lần thất bại, các em lại có kinh nghiệm, động lực nhiều hơn. Thông qua cuộc thi, các em đã biết sử dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn; có nhiều kỹ năng xử lý tình huống trong học tập và các hoạt động trong cuộc sống.

Em Nguyễn Mạnh Hưng, học sinh Trường THPT Bắc Đông Quan

Ngay từ khi cuộc thi được phát động, em đã rất hào hứng và muốn hiện thực hóa ý tưởng của mình. Sau một thời gian được thầy giáo hướng dẫn thực hiện dự án, em đã học được rất nhiều điều, đó là sự kiên nhẫn sau mỗi lần thất bại, sự học hỏi từ những anh, chị đi trước và học ở những thợ cơ khí. Sau cuộc thi, em thấy mình trưởng thành hơn nhiều, đây là động lực để em tiếp tục mở rộng và nâng cấp dự án của mình trong thời gian tới.

Em Phạm Thị Nga, học sinh Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy)


Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm nay đã tạo cơ hội để em và các bạn giới thiệu kết quả nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật của mình. Bên cạnh đó, chúng em có cơ hội được trao đổi, giao lưu, học tập để hiểu biết hơn về khoa học. Tại cuộc thi, em thấy có rất nhiều dự án hay, ý nghĩa, gắn liền với đời sống.

Đặng Anh