Thứ 7, 23/11/2024, 18:21[GMT+7]

Hương thơm làng Hồng Phong

Thứ 5, 04/01/2018 | 09:24:19
2,338 lượt xem
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, các hộ làm hương làng Hồng Phong không ngừng cải tiến mẫu mã, đầu tư các loại máy móc vào hầu hết các công đoạn sản xuất để tăng năng suất, làm ra sản phẩm đều, đẹp, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, làng Hồng Phong (xã Đông Quang, huyện Đông Hưng) lại hối hả vào vụ sản xuất để có đủ hương thơm cung cấp cho hàng nghìn đơn hàng trong và ngoài nước phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm hương làng Đông Trại xưa, nay là làng Hồng Phong đã có từ trên 150 năm. Trải qua bao thăng trầm, nghề làm hương nơi đây vẫn được duy trì, phát triển với những đặc trưng riêng là hương thơm không quá nồng nàn nhưng lại phảng phất rất lâu. Vì thế, nén hương tuy nhỏ nhưng đã nuôi sống dân làng Hồng Phong qua nhiều thế hệ và nhiều năm nay đã thực sự giúp người dân nơi đây trở lên giàu có. 

Ông Vũ Duy Đoan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Quang cho biết: Hiện trong làng có 20 cơ sở sản xuất hương lớn, tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động và hàng chục hộ khác làm hương 3 tháng giáp tết. Trung bình một năm làng Hồng Phong cung cấp ra thị trường gần 100 triệu nén hương, doanh thu từ 20 - 25 tỷ đồng.

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất hương trầm của gia đình anh Vũ Thành Chung, thôn Hồng Phong, trong khuôn viên rộng khoảng 400m2, 5 công nhân và 4 máy làm hương đang làm việc hết công suất để một ngày làm ra 10 vạn nén hương thơm cung cấp cho 100 đại lý trong và ngoài nước.

 Anh Chung cho biết: Tôi làm hương với bố mẹ từ nhỏ, đến khi lập gia đình thì mở cơ sở làm hương riêng, đến nay đã được 12 năm. Để làm ra một nén hương thơm phải phối trộn trên 40 vị thuốc khác nhau. Mỗi cơ sở lại có kỹ thuật pha trộn riêng. 3 tháng giáp tết, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất 10 vạn nén hương, còn các tháng khác trung bình mỗi ngày sản xuất 5 - 6 vạn nén hương. 

Hương của gia đình anh Chung không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn thông qua con em quê hương sinh sống tại Nga chuyển sang thị trường Nga. Doanh thu mỗi năm của gia đình đạt 3 tỷ đồng. Nhờ phát triển nghề làm hương nên dù mới trên 30 tuổi nhưng anh Chung đã xây dựng được ngôi nhà cao tầng bề thế nhất nhì thôn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, các hộ làm hương làng Hồng Phong không ngừng cải tiến mẫu mã, đầu tư các loại máy móc vào hầu hết các công đoạn sản xuất để tăng năng suất, làm ra sản phẩm đều, đẹp, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Ông Vũ Cao Khang là người đầu tiên đầu tư máy móc vào làm hương thơm của làng nghề Hồng Phong cho biết: Mới đầu gia đình chỉ đủ kinh phí mua máy xe hương nhưng đến nay đã đầu tư thêm máy nghiền nhựa trám, máy đếm hương tự động, máy sấy hương... Làm hương bằng máy năng suất gấp 4 - 5 lần so với làm thủ công trước đây, tiết kiệm được nguyên liệu, sản phẩm đều, đẹp hơn. 

Tuy đã có máy móc để giải phóng sức lao động nhưng theo ông Khang công đoạn pha trộn thuốc là bí quyết của từng nhà nên bắt buộc phải làm thủ công do chính tay người chủ trong nhà thực hiện. Máy sấy thì chỉ dùng khi thời tiết mưa nhiều ngày bởi hương phơi nắng tự nhiên mới có chất lượng tốt nhất, hương thơm tự nhiên nhất.

Người Hồng Phong cho rằng, nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh nên người làm phải có tâm, không được cẩu thả, dối trá; phải nhập nguyên liệu chuẩn, sạch, không có hóa chất độc hại. Mỗi mẻ hương, trước khi đóng gói, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra xem hương có bắt lửa nhanh, cháy đều, cháy hết không, mùi thơm và làn khói tỏa ra có bảo đảm chất lượng. Các hộ ở làng nghề truyền thống Hồng Phong sản xuất hương thơm với phương châm “Xây chữ tín để đi lên, lấy chữ tâm để phục vụ” nên được khách hàng tin dùng. Vì vậy, bao nhiêu năm qua, hầu hết khách hàng không biết mặt chủ cơ sở cung cấp hương, chủ cơ sở sản xuất hương cũng không biết mặt khách hàng. Họ giao dịch với nhau qua điện thoại, chuyển hàng qua ô tô và máy bay, lấy chữ tín và chữ tâm để bảo đảm với nhau.

Nghề làm hương ở Hồng Phong không chỉ góp phần lưu giữ, phát triển nghề truyền thống của cha ông xưa để lại mà còn là cách làm giàu của nhiều gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác trong xã. 

Bà Phạm Thị Duyên, thôn Hưng Đạo Tây, xã Đông Quang cho biết: Tôi làm hương cho gia đình anh Vũ Thành Chung đã được 5 năm nay. Mỗi ngày chỉ làm 8 tiếng, được trả từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Công việc này nhàn, thu nhập ổn định lại cao hơn cấy lúa nên nhiều năm nay gia đình không cấy mà cho thuê ruộng. 

Từ việc phát triển nghề làm hương mà nhiều gia đình ở Hồng Phong có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm, không chỉ có tiền đầu tư máy móc mở rộng xưởng sản xuất mà còn có tiền nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang, hiện đại, mua sắm trang thiết bị đắt tiền phục vụ sinh hoạt gia đình đồng thời đóng góp xây dựng các loại quỹ và đóng góp làm đường giao thông nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành công nông thôn mới của xã.

Để duy trì, phát triển, góp phần xây dựng thương hiệu cho làng nghề của địa phương, hiện UBND xã Đông Quang đang làm hồ sơ, thủ tục đề nghị UBND tỉnh công nhận làng Hồng Phong là làng nghề truyền thống.

Thu Hiền