Chủ nhật, 24/11/2024, 02:19[GMT+7]

Sóng dồn cửa biển

Thứ 2, 08/01/2018 | 10:09:40
2,826 lượt xem
Đền Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương) vốn nổi tiếng bởi quy mô kiến trúc hoành tráng bậc nhất khu vực đồng bằng sông Hồng. Du khách đến thăm đền Đồng Xâm trước là thỏa mãn nhu cầu lễ thánh, thăm làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, mua những món đồ lưu niệm độc đáo và giá trị, sau là thưởng lãm ngày hội cầu an, xem những trò chơi, trò diễn xướng dân gian, bơi chải, vật, võ, nghe, xem hát chèo nhưng ít ai biết ở đền Đồng Xâm còn có trò hát “ca công” tế tổ nghề mà dân gian gọi là ca trù…

Đền Đồng Xâm - nơi lưu giữ kho báu nghệ thuật ca trù.

Cách đây khoảng “dăm năm” trong một chuyến điền dã tại đền Đồng Xâm, nhóm nghiên cứu văn hóa dân gian Thái Bình do nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm trưởng nhóm đã phát hiện cuốn thần tích và các bài văn tế, văn khấn viết bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm có niên đại khoảng cuối triều Nguyễn dày 140 trang khổ 28 x 15cm, mỗi trang có 8 dòng, mỗi dòng trung bình khoảng 20 chữ. 

Cuốn sách đã được nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thanh dịch ra chữ quốc ngữ, nội dung bản dịch cho thấy đây là cuốn văn tự cổ ghi chép các bài văn tế, văn khấn các tổ nghề như tổ nghề chạm bạc, nghề mộc, nghề may, nghề dạy học… Ngoài 8 bài ca trù tế thánh và 1 bài ca trù tế tổ nghề ca công, cuốn thần tích còn phần tạp ghi, trong đó chép cả một bài ca trù Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến khóc quan Thượng thư, thi sĩ Dương Khuê.

Như vậy, ca trù ở đền Đồng Xâm khởi nguồn từ văn tế tổ ca công, bài tế tổ nghề ca công chỉ vẻn vẹn có 20 câu được viết theo thể Chúc hỗ. Lối viết, ca từ của bài tế tổ nghề ca công đã khẳng định từ xa xưa, đền Đồng Xâm có tục tế tổ nghề ca công nhưng chưa có cứ liệu khẳng định lễ tế tổ diễn ra vào thời gian nào trong năm. Mở đầu và kết thúc bài tế ca công đều ca ngợi cảnh vật non nước linh thiêng nơi có con người hòa thuận: “Sơn xuyên dục tú/Hà hải chung linh…/Đồng dao lão nhưỡng/Hi du nhi vũ đạo thăng bình”, được dịch là: “Nước non gấm vóc/Sông biển linh thiêng…/Trẻ già cùng hát ca/Vui chơi theo vũ đạo thanh bình”. 

Tương truyền Hoàng hậu Trình Thị là con gái làng Thượng Hòa, xã Hồng Thái, được vua Triệu Đà lấy làm vợ. Hiện đền thờ Hoàng hậu Trình Thị vẫn còn ở làng Thượng Hòa, xã Hồng Thái, thời gian phong hóa đã làm ngôi đền xuống cấp khá trầm trọng, mấy năm gần đây, bằng lòng hảo tâm, nhân dân đã tôn tạo lại ngôi đền khá khang trang. 

Đền thờ Hoàng hậu Trình Thị nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đồng Xâm với tín ngưỡng thờ Triệu Úy Đà và Hoàng hậu Trình Thị cùng phối thờ tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu gắn với tục hát ca trù, tục đua chải và nhiều sự lệ đặc sắc khác từ xa xưa truyền lại. 

Tám bài ca trù sưu tập được (mỗi bài 16 câu) tế thánh có lời hát khác nhau nhưng nhìn chung có cùng một khuôn mẫu và chung một quy cách như: sáu câu mở đầu ngợi ca công đức của Triệu Vũ Đế và Hoàng hậu, năm câu giữa phô diễn lòng thành kính và năm câu cuối mang nội dung Chúc hỗ (lời hát chúc tụng vua chúa), cầu chúc xóm làng yên ấm, quốc thái dân an… 

Cách đây gần 10 năm, bài tế tổ nghề ca công cùng với tám bài ca trù tế thánh ở Đồng Xâm đã được đưa vào hồ sơ quốc gia để trình UNESCO ghi danh ca trù và ca trù Đồng Xâm là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhiều học giả trong nước đã bắt tay vào nghiên cứu tục Chầu cử với các bài tế thánh bằng ca trù ở Đồng Xâm, các tài liệu khảo cứu đều thừa nhận ca trù tế thánh ở đền Đồng Xâm tương đồng với nghệ thuật hát nói, sở trường thưởng lãm ca trù đã từng được Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khi đem các gia nô về khai hoang đất Tiền Châu (Tiền Hải nay) từng đến lễ thánh ở đền Đồng Xâm. Những ngày lưu trú ở đất Thái Bình ông sáng tác khá nhiều bài thơ dành cho ca trù. Kể từ thời điểm ấy, nghệ thuật hát nói hay còn gọi là hát ca trù được lan tỏa ra các vùng lân cận và ở xã Bình Định, huyện Kiến Xương xuất hiện một giáo phường ca trù “hẳn hoi”, giáo phường ca trù này về sau tách ra một nhóm vượt sông Hồng sang đất Nam Định thành lập một giáo phường ca trù mới đến nay vẫn còn duy trì. 

Cố Giáo sư Cao Xuân Huy, người nhiều năm nghiên cứu ca trù với niềm đam mê bất tận vậy mà khi nghe các nghệ nhân ca trù ở Đồng Xâm hát nói lời thơ ngang tàng, khí phách nhưng đượm nét trữ tình của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã phải thốt lên: “Câu thơ Việt Nam thật như những làn sóng dồn về bờ biển”. 

Mở rộng vấn đề, đứng ở nghệ thuật ca công tế tổ ở đền Đồng Xâm chủ đạo là những bài ca tế thánh mà xét mối liên hệ với nghệ thuật hát nói (ca trù) cho thấy tế tổ ca công ở Đồng Xâm và nghệ thuật ca trù là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp với nét độc đáo là sự phối hợp đa dạng, tinh tế, nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc, đôi khi có cả múa, hát nói là một hình thức biến đổi của thể ngâm (thơ) “song thất lục bát”, bởi đối với ca trù, thơ giữ một vị trí rất quan trọng. 

Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng hát ca trù là hát thơ với một hệ bài bản phong phú quy định cho từng lối hát. Lời lẽ, ca từ của ca trù mang tính uyên bác, ít lời mà nhiều nghĩa, giàu chất thơ, mang nhiều cảm xúc, trầm ngâm, sâu lắng. Kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu, đòi hỏi phải nắn nót, chau chuốt từng chữ. Khi hát, đào nương không cần há to miệng, không đẩy mạnh hơi từ buồng phổi mà ém hơi trong cổ, ậm ự mà lời ca vẫn rõ ràng, tròn vành rõ chữ. Trong hát nói có “mưỡu” là những câu thơ lục bát, nhiều câu 7 chữ có vần bằng, vần trắc, có cước vận, yêu vận. Hát nói còn là một thể tài hỗn hợp gồm: thơ, phú, lục bát, song thất, tứ tự, nói lối... 

Nhà văn Nguyễn Đức Mậu, giải thưởng nhà nước về văn học, nghệ thuật đã nhận xét: “Với các tư liệu hiện có chưa đủ các dữ kiện để xác định ai là người hoàn chỉnh thể loại hát nói ngoài Nguyễn Công Trứ. Thời gian hình thành hát nói như một thể loại văn học chỉ được khoanh vùng từ thế kỷ XV - XVI đến Nguyễn Công Trứ”.

Tương lai tục hát ca trù chầu cử ở đền Đồng Xâm được khôi phục chắc chắn khách du lịch sẽ đến đông hơn, đặc biệt là du khách nước ngoài đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống ở Thái Bình.

Lê Quang

Ông Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Khi phát hiện cuốn thần tích ghi chép 8 bài văn tế thánh, trong đó có bài văn tế ca công, tất cả đều ngợi ca Triệu Úy Đà và Hoàng hậu Trình Thị cùng ông tổ nghề chạm bạc. Vì là ca trù lại chép lẫn lộn giữa chữ Hán và chữ Nôm nên khi dịch rất khó sát nghĩa, nhất là đối với những điển cố. Ví dụ như câu 19 trong 20 câu của bài tế tổ nghề ca công nguyên văn là: “Đồng dao lão nhưỡng” được lấy từ điển cố “Chu tụng và Đại nhã” trong sách Kinh Thi nghĩa là “Ông già gõ mõ hát ở ngã ba đường, trẻ em hát đồng dao nơi xóm nhỏ”, truyền thuyết này văn học cổ Trung Quốc và Việt Nam thường dùng như một điển cố để ca ngợi thời thái bình thịnh trị. Do ca trù có những niêm luật khắt khe nên đành dịch là “Trẻ già cùng hát ca” cho sát với thể ca trù.
Ông Nguyễn Xuân Ngận, thủ từ đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương

Gia đình tôi đời nối đời làm nghề trông coi đền, đến đời tôi là đời thứ bảy làm thủ từ trông coi đền Đồng Xâm, ngoài nét kiến trúc độc đáo, tòa hậu cung của đền được bài trí hài hòa bằng những đại tự, cuốn thư, câu đối cùng hệ thống y môn gỗ chạm và đặc biệt nơi đây lưu giữ nhiều bài thơ, câu đối ghi bút danh bái đề của những danh sĩ nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam như Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, Tiến sĩ Doãn Khuê… Từ xa xưa, hội đền Đồng Xâm là lễ hội lớn trong vùng thu hút đông du khách về trảy hội. Hội có nhiều trò diễn xướng dân gian và đặc sắc nhất là trò hát nhà tơ hay quen gọi là ca trù…
Chị Nguyễn Thị Phương, thôn Nam Hòa, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương

Cách đây 5 năm, xã Hồng Thái phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thăng Long (Hà Nội) có mở một lớp ca trù, tôi cùng với 40 người khác trong xã được chọn vào lớp học. Kết thúc khóa học, tôi đăng ký tham gia chương trình hội diễn văn nghệ quần chúng huyện Kiến Xương và đạt giải nhất. Bài ca trù tôi thể hiện trong hội diễn cũng chính là bài hát tế tổ ở đền Đồng Xâm, trong đó có câu: “Thông minh sáng suốt hơn người/Mở mang bảy cuộn đất trời xa xăm/Đồng Xâm người vốn ngự đăng/Ban cho quốc thái dân an muôn phần”.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày