Chủ nhật, 17/11/2024, 10:38[GMT+7]

Công tác bình ổn thị trường đi vào nền nếp

Thứ 2, 15/01/2018 | 09:25:34
866 lượt xem
Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh dịp cuối năm để chủ động đưa ra phương án hoặc đề xuất với tỉnh biện pháp bảo đảm cân đối cung, cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, tăng giá là một trong những hoạt động đã đi vào nền nếp từ nhiều năm nay của Sở Công Thương mỗi dịp tết đến, xuân về.

Mặt hàng dầu ăn luôn bảo đảm ổn định giá cả trong dịp tết.

Ông Phạm Ngọc Kế, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, những năm qua, Sở đã theo dõi sát diễn biến thị trường và có giải pháp chỉ đạo kịp thời các đơn vị bảo đảm cân đối cung, cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng, có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý, chất lượng tốt, chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trên phạm vi toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, “găm” hàng, thủ đoạn gian lận đo lường, đóng gói để tăng giá nhằm thu lợi bất chính trong dịp cuối năm.

Mặc dù tết Nguyên đán Mậu Tuất là năm thứ ba tỉnh không thực hiện cơ chế tài chính hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để mua hàng bình ổn với lãi suất 0% mà khuyến khích các thương nhân, thương hiệu có uy tín, năng lực tài chính tốt đăng ký tham gia chương trình, không vay vốn từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, chủ động chuẩn bị nguồn vốn, nguồn hàng để thực hiện chương trình một cách tự nguyện. Chương trình đã tạo được tâm lý tốt trong cộng đồng dân cư, có sức lan tỏa rộng, hạn chế được hiện tượng “găm” hàng để tăng giá quá mức đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Do vậy, trong những ngày trước, trong và sau tết Nguyên đán giá cả những mặt hàng thiết yếu trên thị trường không có biến động lớn.

Theo kế hoạch, chương trình bình ổn thị trường dịp tết năm nay được kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ ngày 2/1 đến ngày 1/4/2018. Các mặt hàng bình ổn gồm: thóc, gạo, đường ăn, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, dầu ăn, nước mắm, mì chính. Các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình phải niêm yết giá và bán hàng theo đúng giá niêm yết tại các điểm bán hàng đã đăng ký đồng thời cam kết không tăng giá trong thời gian tham gia chương trình nếu giá thị trường biến động tăng đến 10%. Trường hợp thị trường có biến động tăng giá trên 10% thì tổ chức, cá nhân được điều chỉnh tăng giá bán nhưng bảo đảm thấp hơn giá thị trường tối thiểu 5%. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cũng phải chịu sự giám sát, kiểm tra của các sở, ngành liên quan trong thời gian tham gia chương trình.

Với những yêu cầu trên, chương trình bình ổn thị trường dịp tết năm nay đã có 11 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia ở 24 điểm trên toàn tỉnh, trong đó 21 điểm cố định, 3 điểm lưu động. Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ bố trí 16 gian hàng bình ổn tại hội chợ xuân để phục vụ đông đảo người tiêu dùng tới tham quan, mua sắm. Đây cũng là một trong những chương trình nhằm tăng cường gắn kết việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình bình ổn thị trường, giá cả, các hoạt động kết nối cung cầu gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm, doanh nghiệp Việt.

Ông Phạm Ngọc Kế cho biết thêm: Tại các điểm bán hàng bình ổn giá đều được treo băng rôn của chương trình để người tiêu dùng nhận biết khi tới mua sắm. Cùng với đó, các điểm bán sẽ phân bố đồng đều ở tất cả các huyện, trong đó điểm bán lớn nhất sẽ được bố trí tại hội chợ xuân thành phố Thái Bình.

Thu Thủy