Thứ 7, 23/11/2024, 20:33[GMT+7]

Năm 2018, ngành Công Thương tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Thứ 3, 16/01/2018 | 08:02:55
757 lượt xem
Sáng 15/1, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2017 là năm nhiều thử thách nhưng cũng đánh dấu bước chuyển khá căn bản của ngành Công Thương trong quá trình đổi mới và tái cơ cấu ngành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HH)

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh

Về sản xuất công nghiệp, năm 2017 tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2016 và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 7,1 - 8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cao (tăng 14,5%, cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 11,2%, năm 2015 tăng 10,5%), là động lực chính cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trong năm 2017.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 21%, là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn đang ở mức thấp, nhiều thị trường quay trở lại xu hướng bảo hộ trong nước, hạn chế nhập khẩu. Đã kiểm soát tốt khâu nhập khẩu, qua đó đã tạo thặng dư thương mại ở mức 2,67 tỷ USD.

Đặc biệt, ngành Công Thương đã triển khai cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm 12 dự án, doanh  nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả; hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch do Quốc hội và Chính phủ giao; Khởi công nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô lớn tại Việt Nam…

Xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao cho năm 2018, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển của ngành. Trong đó, tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.

Thứ nhất, tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với triển khai mạnh mẽ và thực chất cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương. Trong đó, xác định trọng tâm tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo phải được đẩy nhanh thực hiện trên nguyên tắc chất lượng; lấy tiêu chí nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của đầu tư, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu làm tiêu chí cho quá trình này.

Thứ ba, Bộ cũng sẽ rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng của đất nước trong dài hạn và theo hướng bền vững; nhất là vấn đề về cơ cấu năng lượng tái tạo và năng lượng không tái tạo; tìm kiếm và khai thác dầu khí, than đá...

Thứ tư, tập trung hoàn thành việc xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, bảo đảm đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án này theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được phê duyệt.

Thứ năm, tập trung xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước.

Theo đó, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế.

Thứ sáu, thực hiện đổi mới một cách căn bản công tác theo dõi, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam hiệu quả và bền vững hơn.

Tập trung khai thác tốt các FTAs đã hoàn thành đàm phán, ký kết và có liệu lực thực thi. Tính toán lại chiến lược đàm phán các FTAs tiếp theo để bảo đảm lợi ích cao hơn cho đất nước trong bối cảnh mới.

Thứ bảy, nhanh chóng tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới gắn với thay đổi phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước.

Thứ tám, tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững hơn cho khu vực thị trường trong nước, tiếp tục làm trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Thứ chín, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công Thương một cách thực chất, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ tiên phong trong cắt giảm thủ tục hành chính

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Bộ Công Thương đã trở thành Bộ tiên phong trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với đề xuất cắt bỏ hàng loạt thủ tục điều kiện kinh doanh. Thủ tướng cho hay, ngay trong sáng nay (15/1) Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số hơn 1.200 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu toàn ngành Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc Bộ Công Thương khẩn trương và tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước nhất là Tập đoàn, Tổng Công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia. Bởi theo Thủ tướng, đây vừa là giải pháp mang tính trước mắt nhằm tiết giảm chi phí quản trị, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, vừa là giải pháp lâu dài để đẩy mạnh tái cơ cấu, bảo đảm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong những năm tiếp theo./.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày