Phát biểu khai mạc hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình” của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thưa các quý vị đại biểu!
Thưa các nhà khoa học và đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh!
Hôm nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018), một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một nhà lãnh đạo xuất sắc thời dựng Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, người đồng chí, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Tổ chức hội thảo, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các quý vị đại biểu và đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về dự Hội thảo khoa học đầy ý nghĩa này.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, sinh ngày 2/2/1908, tại làng Diêm Điền tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí tuy chỉ trong 7 năm, nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giai cấp công nhân và Đảng ta.
Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành, Nguyễn Đức Cảnh đã đến với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, theo con đường cách mạng mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra và đi tiên phong. Từ thực tiễn cách mạng phong phú, sôi động, đồng chí sớm nhận thấy sức mạnh của quần chúng nhân dân, đặc biệt là vai trò hết sức quan trọng của phong trào công nhân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; sớm nhận thấy sự cần thiết phải thành lập Đảng của giai cấp công nhân để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng chí là một trong những người đề nghị thực hiện “vô sản hóa”, giúp những cán bộ cách mạng xuất thân từ thanh niên trí thức hiểu rõ hơn cuộc sống của người công nhân, thực sự đứng trên lập trường của giai cấp công nhân và thúc đẩy phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ. Từ hội nghị Kỳ bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ tháng 9/1928, chủ trương “vô sản hóa” được thông qua và nhanh chóng đi vào thực tiễn, tạo nên bước phát triển vượt bậc của phong trào công nhân và nông dân, đồng thời đào tạo nên nhiều cán bộ cách mạng chuyên nghiệp thời dựng Đảng.
Để tập hợp và giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ của người công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã sáng lập và trở thành Hội trưởng đầu tiên của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của phong trào cách mạng vùng duyên hải phía Bắc và khu vực Đông Bắc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hết sức chú trọng chỉ đạo, biên soạn tài liệu và mở các lớp huấn luyện, đào tạo các cán bộ mới, làm nòng cốt trong phong trào công nhân.
Khi điều kiện thực tiễn đã chín muồi cho sự ra đời của Đảng, từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tham dự hội nghị thành lập Đảng và trở thành một trong những người sáng lập Đảng.
Trong cao trào cách mạng sôi nổi chung của cả nước sau ngày Đảng ra đời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử tăng cường cho Xứ ủy Trung Kỳ, tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh sôi nổi và oanh liệt của Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Là Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, trực tiếp phụ trách công tác tuyên truyền của Xứ ủy, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã nghiên cứu biên soạn nhiều tài liệu tuyên truyền và chỉ đạo tổ chức nhiều tờ báo cách mạng ở Nghệ - Tĩnh, tiêu biểu như: Người lao khổ, Lao khổ, Chuông vô sản…
Kẻ địch tiến hành khủng bố trắng, đàn áp đẫm máu các cuộc đấu tranh và ráo riết lùng bắt các cán bộ lãnh đạo như Nguyễn Đức Cảnh. Bất chấp nguy hiểm rình rập, đồng chí vẫn bám sát phong trào quần chúng, động viên, giáo dục và tổ chức quần chúng đấu tranh chống địch khủng bố trắng. Bị sa vào tay kẻ địch và bị tra tấn tàn bạo, nhưng đồng chí vẫn nêu cao khí tiết của người cộng sản, kiên trung với Đảng và dân tộc, bất khuất trước kẻ thù. Tác phẩm “Công nhân vận động”, đồng chí viết trong xà lim án chém là kết quả những nỗ lực không ngừng nghỉ để chắt lọc những kinh nghiệm quý báu cho Đảng, phấn đấu đến hơi thở cuối cùng vì sự nghiệp của Đảng và dân tộc.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng của một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã sống và chiến đấu một cuộc đời vô cùng gian khổ và đã anh dũng hy sinh, nêu tấm gương sáng của một người cộng sản kiên trung, bất khuất đối với các thế hệ cách mạng đời sau.
Hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được tổ chức trọng thể trong không khí cả nước đang lập thành tích chào mừng 88 năm ngày thành lập Đảng và năm mới Mậu Tuất 2018; đồng thời, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cuộc hội thảo hôm nay vừa để tri ân những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng thời vừa góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng hái thi đua lao động sáng tạo, học tập và công tác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra.
Tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, chúng ta nguyện học tập tấm gương của một nhân cách cộng sản mẫu mực, kiên trì vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu mạnh theo con đường cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc đã lựa chọn.
Thay mặt Ban Bí thư, Ban Tổ chức hội thảo, tôi xin tuyên bố khai mạc hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình”.
Xin chúc các quý vị đại biểu, các nhà khoa học và đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sức khỏe, hạnh phúc!
Chúc hội thảo thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!
Tin cùng chuyên mục
- Lần đầu tiên tổ chức giải cờ tướng Việt Nam - Đài Bắc Trung Hoa 23.11.2024 | 21:05 PM
- Khai trương đại lý Skoda Thái Bình 23.11.2024 | 21:07 PM
- Chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Anh dành cho học sinh THCS cấp tỉnh 23.11.2024 | 20:03 PM
- ĐT Việt Nam sang Hàn Quốc chuẩn bị cho AFF Cup 23.11.2024 | 20:03 PM
- Trung Quốc phát hiện mỏ vàng khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ USD ở tỉnh Hồ Nam 23.11.2024 | 16:58 PM
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.11.2024 | 17:03 PM
- Cơ sở thu giữ CO2 bằng điện gió đầu tiên trên thế giới 23.11.2024 | 14:09 PM
- Ký ức đẹp với một vùng quê lúa 23.11.2024 | 12:33 PM
- Mẹo giúp món chiên giòn ít ngấm dầu mỡ 23.11.2024 | 12:36 PM
- Thành phố Hồ Chí Minh vào top điểm đáng ghé thăm ở châu Á năm 2025 23.11.2024 | 17:03 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng