Thứ 4, 27/11/2024, 13:51[GMT+7]

Sở Công Thương phát huy vai trò trong công tác an toàn lao động tại các doanh nghiệp

Thứ 2, 05/02/2018 | 09:22:31
1,202 lượt xem
Những năm qua, trên phạm vi cả nước đã có nhiều vụ tai nạn lao động liên quan đến các thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt (TBYCNN) để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Các doanh nghiệp sản xuất gạch men, sứ vệ sinh tại khu công nghiệp Tiền Hải cần sử dụng nhiều thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất.

Ở Thái Bình, bên cạnh những doanh nghiệp quan tâm chú trọng thực hiện thì cũng còn không ít các doanh nghiệp, đơn vị chưa thực hiện nghiêm việc này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động tại các doanh nghiệp.

Điều tra khảo sát trong tổng số 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh của Sở Công Thương cho thấy các đơn vị chủ yếu sử dụng 14/46 loại TBYCNN được quy định với 1.414 thiết bị như nồi hơi, nồi gia nhiệt dầu, bình chịu áp lực, bồn khí dầu mỏ hóa lỏng, hệ thống đường ống dẫn khí đốt cố định, hệ thống nạp khí dầu mỏ hóa lỏng, hệ thống lạnh, cần trục… Các thiết bị trên được sử dụng trong ngành may, tẩy nhuộm, chế biến thực phẩm, sản xuất giấy, da giầy, sản xuất xơ polyester, chiết nạp LPG, sản xuất bật lửa, sành sứ, thủy tinh… 

Hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn xem nhẹ công tác an toàn đối với TBYCNN, chưa thực sự thấy rõ tầm quan trọng của công tác này. Việc khai báo sử dụng TBYCNN theo quy định của các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ, nhất là việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa TBYCNN tại phần lớn các doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng các quy định dẫn đến việc khai thác thiết bị đạt hiệu quả thấp, chi phí sửa chữa cao và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lớn.

Mặc dù quy định về quản lý TBYCNN đã được pháp luật quy định từ rất lâu, tuy nhiên trên phạm vi cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu tổng thể về TBYCNN, việc quản lý thiết bị vẫn theo phương pháp truyền thống, số liệu quản lý không đầy đủ, đánh giá về công tác quản lý, sử dụng TBYCNN tại các doanh nghiệp còn cục bộ, chưa đánh giá được tổng thể toàn bộ doanh nghiệp. Điển hình như công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến các doanh nghiệp thông qua các chương trình hội thảo, phát hành công văn chưa mang lại hiệu quả thực sự đến toàn bộ các doanh nghiệp nên vẫn còn nhiều sai phạm trong việc quản lý sử dụng TBYCNN. Việc hỏi đáp hoặc tìm hiểu các quy định của Nhà nước về an toàn lao động của các doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian. Việc đánh giá, phát hiện những sai phạm trong quản lý, sử dụng TBYCNN tại các doanh nghiệp thường thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra nên chỉ mang tính cục bộ, không mang tính tổng thể, không đánh giá được toàn diện các doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, ngăn ngừa sự cố của TBYCNN trong các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TBYCNN nói riêng, làm tiền đề cho việc quản lý trực tuyến các dữ liệu ngành Công Thương nói chung, Sở Công Thương đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng hệ thống lưu trữ số hóa các cơ sở dữ liệu quản lý thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong ngành Công Thương”. Trong đó đã xây dựng trang điện tử trực tuyến tương tác với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể khai báo các thiết bị, cập nhật các thông tin trực tuyến như tên thiết bị đầu tư mới hoặc ngừng sử dụng, vị trí di chuyển thiết bị, thông tin về kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định, một số thông số kỹ thuật thay đổi theo thời gian sử dụng của thiết bị, thông tin về người quản lý, vận hành thiết bị… Ngoài ra, trang điện tử cũng nhắc nhở doanh nghiệp về thời hạn kiểm tra, bảo dưỡng, kiểm định định kỳ, cung cấp các quy trình vận hành an toàn, kiểm tra, bảo dưỡng, kiểm định, xử lý sự cố thiết bị, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, giúp doanh nghiệp thực hiện đúng, kịp thời các quy định, quy chuẩn trong quản lý, sử dụng thiết bị, nâng cao khả năng an toàn của thiết bị cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước kịp thời đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực thực hiện các quy định của Nhà nước. Đây cũng là mục tiêu nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc khai báo các thiết bị trực tiếp. Bên cạnh đó, đề tài cũng xây dựng bản đồ số hóa nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước có những phân tích và tham chiếu trực quan, hỗ trợ ra quyết định đúng đắn nhất trong công tác chỉ huy ứng phó sự cố thiết bị nghiêm trọng với các lớp thông tin như: hành chính, dân cư, thủy văn, giao thông, thực vật, địa hình. Bản đồ số hóa có thể cập nhật hàng năm để dữ liệu bản đồ luôn đáp ứng được nhu cầu của công tác ứng phó trong bất kể thời gian nào.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về TBYCNN tại các doanh nghiệp, thời gian tới rất cần có sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương cũng như các đơn vị sử dụng TBYCNN.

Thu Thủy