Thứ 4, 27/11/2024, 01:40[GMT+7]

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội: Dấu năm 2017

Thứ 3, 13/02/2018 | 10:04:41
400 lượt xem
Năm 2017, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội ghi dấu ấn với những điểm sáng về hoạt động tri ân nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; nỗ lực giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng và tạo việc làm mới cho hàng chục nghìn lao động. Nhân dịp năm mới, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Bái, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về những kết quả đạt được trong năm qua.

Đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Phóng viên: Năm 2017 ghi dấu với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã có những hoạt động cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Bái: Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với người và gia đình có công với cách mạng. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động kỷ niệm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tri ân phong phú, thiết thực đối với người và gia đình có công với cách mạng. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định cấp 12 tỷ đồng từ kinh phí trung ương ủy quyền hỗ trợ tu bổ, tôn tạo 19 nghĩa trang liệt sĩ và công trình ghi công liệt sĩ; quy tập và xây dựng 160 vỏ mộ liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức trao 84.196 suất quà của Chủ tịch nước, 93.226 suất quà của tỉnh, 93.226 suất quà của các huyện, thành phố, tổng kinh phí trên 90 tỷ đồng.

Đặc biệt, Sở đã tổ chức đoàn đại biểu gồm 70 người có công tiêu biểu của tỉnh đi thăm, báo cáo kết quả với Chủ tịch nước, lãnh đạo Bộ Quốc phòng; tổ chức các đoàn đại biểu của tỉnh đi dâng hương, viếng các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc cùng nhiều hoạt động khác như tổ chức lễ cầu siêu, thắp nến tri ân tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh, các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn tỉnh...

Phóng viên: Thưa đồng chí, cùng với việc chăm lo cho người có công, vấn đề giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, nhà ở đối với người có công luôn được người dân trong tỉnh quan tâm. Năm 2017, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Bái: Trước hết, về lĩnh vực giải quyết hồ sơ tồn đọng cho người có công, tôi có thể khẳng định không chỉ Thái Bình mà nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước số hồ sơ tồn đọng còn rất nhiều. Với quyết tâm sớm để người có công được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong năm, toàn ngành đã tổ chức rà soát, phân loại hồ sơ, đối chiếu với quy định chính sách hiện hành, theo đó, toàn tỉnh có 447 hồ sơ được xác định là hồ sơ tồn đọng bao gồm: 91 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, 80 hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, 276 hồ sơ đề nghị xác nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng, truy tặng 111 trường hợp Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 54 liệt sĩ. Các trường hợp còn lại đang được rà soát, kiểm tra, thẩm định tại các cơ quan có thẩm quyền, trường hợp đủ điều kiện sẽ được xem xét, giải quyết theo các văn bản hiện hành.

Riêng việc thực hiện Kết luận số 44 của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Thái Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát 7.412 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 26 của Chính phủ. Sau rà soát đã có 3.499 trường hợp phải bổ sung giấy tờ chứng minh chiến trường để hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Cuối năm 2017, 2.718 trường hợp đã bổ sung được giấy tờ chứng minh chiến trường theo quy định. Ngoài ra, Sở cũng đã triển khai rà soát giấy tờ chiến trường của 11.559 hồ sơ theo Nghị định số 54 của Chính phủ và thực chứng 13.513 trường hợp con đẻ người hoạt động kháng chiến để làm cơ sở giải quyết chính sách cho đối tượng trực tiếp và đối tượng gián tiếp.

Đối với vấn đề nhà ở cho người có công, thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đến nay, toàn tỉnh có 4.805 người có công đã được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách các cấp với tổng số tiền 195.180 triệu đồng để hoàn thành việc xây mới và sửa chữa nhà ở. Riêng trong năm 2017 có 450 gia đình người có công được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 761 của UBND tỉnh. Đây là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trong tỉnh, qua đó mang đến nhiều niềm vui đối với người có công.

Phóng viên: Năm qua, lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đồng chí cho biết một số kết quả cụ thể?

Đồng chí Nguyễn Văn Bái: Năm 2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung tuyển sinh, đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho người lao động, đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đào tạo nghề cho người lao động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Trong năm, đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 34.600 người (đạt 100% kế hoạch năm, tăng 0,8% so với năm 2016). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 47,5% (đạt 100% kế hoạch năm, tăng 3% so với năm 2016). Riêng vấn đề tạo việc làm mới cho người lao động, năm 2017, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho khoảng 33.000 người (đạt 100% kế hoạch năm).

Bên cạnh công tác tuyển sinh, tạo việc làm cho người lao động, công tác giảm nghèo, chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và phòng, chống tệ nạn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 25.349 hộ, giảm 3.398 hộ; tỷ lệ hộ nghèo 4,01%, giảm 0,6% so với năm 2016. Tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 21.550 hộ, giảm 110 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo 3,41%, giảm 0,06% so với năm 2016. Gần 500 em được khám chữa bệnh miễn phí, được thăm hỏi, hỗ trợ tặng quà, dụng cụ học tập và trợ cấp dưới nhiều hình thức; đã thành lập được 10 điểm tư vấn, hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong năm 2018?

Đồng chí Nguyễn Văn Bái: Năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, cải thiện điều kiện lao động; phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, trong đó phấn đấu Thái Bình có một trường cao đẳng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao; triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người và gia đình có công với cách mạng, trong đó tập trung hoàn thành việc cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và giải quyết dứt điểm hồ sơ còn tồn đọng; thực hiện giảm nghèo bền vững và bảo đảm các chế độ, chính sách cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy và quản lý người nghiện sau cai nghiện, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Cường thực hiện

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày