Thứ 7, 23/11/2024, 23:52[GMT+7]

Thi cỗ chay hội Lạng tục lệ độc đáo ngày xuân

Thứ 3, 13/02/2018 | 10:40:22
1,218 lượt xem
Vùng đất Lạng xưa thuộc hương Mần Để, nay là xã Song Lãng, huyện Vũ Thư vốn nổi tiếng với những truyền thống văn hóa cổ độc đáo. Trong đó, tục thi cỗ chay trong hội Lạng đã được lưu truyền qua hàng nghìn năm lịch sử, trở thành một trong những phong tục độc đáo, rất riêng hiện nay.

Hội Lạng được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm tại chùa Phúc Thắng (còn gọi là chùa Đạt Mạn) và đền Thượng, xã Song Lãng. Tương truyền, đền Thượng là nơi thờ thiền sư Đỗ Đô, sinh năm Nhâm Ngọ (1042), triều Lý Thái Tông; ông là người tài đức vẹn toàn, có công lớn giúp vua Lý Thánh Tông chữa bệnh và trị vì đất nước, đồng thời là thiền sư giỏi, bạn đồng đạo của Không Lộ và Đạo Hạnh. Đền Thượng là nơi thờ thiền sư Đỗ Đô, chùa Đạt Mạn là nơi ông tu hành. Để tưởng nhớ ngày sinh và ngày hóa của thiền sư Đỗ Đô, hàng nghìn năm nay, dân làng tổ chức hội Lạng, bắt đầu từ ngày 6 và kết thúc vào ngày 11 tháng Giêng với tổ hợp nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo như tục đánh cồng, lễ rước thánh vân du, lễ tán hoa, thí thực cô hồn, thông hành tịnh trùy và mở hội thi đấu vật, chọi gà; đặc biệt, tục thi cỗ chay ở hội Lạng đến nay được coi là một trong những tục lệ cổ, độc đáo nhất trong các lễ hội ở Thái Bình.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Song Lãng, bà Nguyễn Thị Lan (87 tuổi) ở thôn An Lợi cho biết: Từ trong năm cũ, bà con ở các làng, các giáp đã góp gạo nếp, gạo tẻ, lương thực (đậu, đỗ, vừng, kê…) đường, muối, đến ngày 3, ngày 4 tháng Giêng đã í ới gọi nhau làm cỗ chay chuẩn bị cho hội. Trước kia chỉ nam giới mới được trực tiếp tham gia nấu cỗ chay, phụ nữ chỉ hỗ trợ việc chuẩn bị nguyên liệu. Mỗi làng, giáp phải làm 3 mâm cỗ chay lớn gồm đủ 3 đẳng cỗ với khoảng vài chục món chay, được bày theo ngôi, theo giáp quy định. Trong những ngày mở hội thi, mỗi giáp phải cử 1 viên tư hóa để trông nom các thức dùng, nếu không may để thiếu, hao hụt cỗ sẽ bị phạt 3 mạch (tiền cổ) để giữ nghiêm lệ làng. Xa xưa, cỗ chay hội Lạng nổi tiếng, thu hút nhiều quan lại triều đình đến dự nên còn có mâm cỗ cúng nha môn gồm chè già lam, bánh dày, đường cát dành riêng để gửi làm quà biếu cho các quan lại, nha môn ở kinh đô; thời Pháp thuộc làng vẫn giữ lệ này. Đến nay, tục nấu cỗ chay đã có ít nhiều thay đổi, tuy nhiên, các quy định nghiêm ngặt của hội thi cỗ chay cơ bản vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Chỉ với nguyên liệu là lương thực, ngũ cốc, tuyệt đối không sử dụng thịt, mỡ, các làng, giáp tham dự hội thi cỗ chay làng Lạng phải làm đủ 3 đẳng cỗ. Đẳng cỗ cái gồm các món như: bánh gai, bánh mật, bánh chưng, mứt hạt mây, mứt hạt to. Đẳng cỗ nước gồm các món như: hoa quả, chè đông, chè lam, xôi vò, bánh dày, bánh đường. Đẳng cỗ cơm gồm các món như ninh, mọc, chân giò, bóng mực, giò nạc, giò sỏ, giò mỡ, giò cuộn, cá rán, gà luộc. Đến nay, phụ nữ đã bình đẳng trong tham gia nấu cỗ chay. Tuy chỉ có một số người biết làm cỗ chay nhưng việc làm cỗ dự thi vẫn được bà con dân làng coi là việc chung và cùng tham gia.

Nghệ nhân làm cỗ chay Phạm Đức Lương, xã Song Lãng cho biết: Thông thường, mỗi dịp làng làm cỗ thi, để có đủ nguyên liệu làm 3 đẳng cỗ chay, bà con mỗi làng phải góp khoảng 50kg đường, 70kg gạo, 30 - 40kg đỗ xanh, nhà nào có vừng, gấc, đậu đỗ khác đều nhiệt tình góp thêm. Để nấu được các món cỗ chay vừa tinh khiết vừa đẹp mắt, nhìn y như thật, lại có vị thơm ngon, đòi hỏi người nấu cỗ phải có bàn tay khéo léo và sự sáng tạo. Việc làm các món cỗ chay cũng đòi hỏi cầu kỳ, tỉ mỉ, sáng tạo và tốn nhiều thời gian, công sức hơn hẳn các món ăn thông thường. Ví dụ, để làm được món mứt hạt mây, từ tháng Chạp trong năm, người ta đã phải lựa chọn gạo nếp ngon, ủ với gấc, gừng và men rượu với thời gian khoảng 1 tuần, sau đó đem đồ chín thành xôi, rồi giã nhuyễn thành bánh dày, cán thành miếng, phơi vài ngày cho se mới đem cắt hạt lựu, rồi lại đem phơi tiếp đến độ vừa phải thì đem rang với trấu. Khi rang phải cho lửa thật nhỏ, có khi cả buổi mới rang được 1 mẻ để độ nóng của trấu ủ vào làm cho hạt mứt phồng lên nhưng không bị khô sau đó mới đem nhào với đường và gừng để tạo thành mứt… Món gà luộc, người làm cỗ vừa đúc khuôn, vừa nặn tay, sao cho gà phải có cả cựa, cả mào, đùi, cánh, nhìn không khác gì con gà thật… Thậm chí có món người thợ làm cỗ phải nấu đi nấu lại vài lần mới thành công. Hầu như các món cỗ chay đều phải làm thủ công, cầu kỳ, nhiều công đoạn, vì thế ngoài các bậc nghệ nhân, tiền bối đi trước phụ trách kỹ thuật nấu cỗ, bà con nhiệt tình phụ giúp, không khí chuẩn bị cỗ chay từ trước tết Nguyên đán đã rộn rã ở làng quê. Cỗ chay sử dụng các nguyên liệu sạch, thuần khiết, chế biến công phu nên thường bảo quản được khá lâu, thậm chí có thể để được cả tháng mà không bị hỏng.

Đẳng cỗ cơm được làm công phu, tỉ mỉ, hình thức giống hệt các món ăn thông thường.

Trong 3 ngày hội thi, thường là từ ngày 9 - 11 tháng Giêng, cỗ chay của các làng, các giáp được trưng bày tại sân chùa Phúc Thắng, đền Thượng theo ngôi, thứ. Trước đó, ban tổ chức hội thi đã thành lập riêng ban chấm cỗ là những người có kinh nghiệm, uy tín được cử ra ở các làng. Bà con dân làng háo hức đi xem cỗ của các làng và trông chờ cỗ của làng mình sẽ đẹp, độc đáo, được đánh giá cao hơn cỗ của làng khác. Sau dâng lễ cúng và chấm cỗ, các làng, giáp nhận lộc mang về chia cho dân làng, trong đó lượng cỗ chay khá ít nên ưu tiên dành biếu cho người già, phần cho trẻ nhỏ trong làng, còn lại, bà con mỗi người cắt 1 phần nhỏ mang về chia cho gia đình, gọi là chút lộc Phật, lộc Thánh lấy may nhân dịp hội làng đầu xuân, ai cũng phấn khởi. Hương vị của các món cỗ chay nhẹ mát, tinh khiết, khiến người làng Lạng đi xa vẫn luôn ao ước được về thưởng thức món cỗ chay hội làng. Trải qua thời gian, tục thi cỗ chay trong hội Lạng vẫn được lưu truyền và trở thành nét đẹp văn hóa riêng có ở vùng đất Lạng, hương Mần.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày