Chủ nhật, 24/11/2024, 15:11[GMT+7]

Vũ Thư tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa xuân

Thứ 6, 09/03/2018 | 08:42:29
619 lượt xem
Sau khi hoàn thành gieo cấy gần 8.000ha lúa xuân, nông dân các địa phương ở Vũ Thư tập trung tỉa dặm, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh để bảo vệ an toàn lúa xuân đầu vụ.

Nông dân xã Song An (Vũ Thư) tỉa dặm, bón thúc cho lúa xuân.

Mặc dù thời vụ gieo cấy lúa xuân trùng vào dịp đón tết cổ truyền nhưng với tinh thần tập trung để bảo đảm khung thời vụ tốt nhất, đến ngày 25/2, nông dân Vũ Thư đã hoàn thành gieo cấy 100% diện tích lúa xuân theo kế hoạch. Ngay sau gieo cấy, nhiệt độ thường xuyên duy trì ở mức cao, thời tiết ấm, lúa xuân phát triển rất nhanh. Hiện lúa cấy trà sớm đang trong giai đoạn đẻ nhánh, lúa cấy đại trà đang bén rễ hồi xanh, lúa gieo thẳng đã ra từ 3 - 4 lá. Nông dân các địa phương tập trung xuống đồng tỉa dặm, bảo đảm mật độ hợp lý. 

Để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm năng suất, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các HTXNN chủ động điều tiết nước bảo đảm phục vụ đủ nước tưới cho cây lúa phát triển tốt. Đặc biệt, đối với lúa gieo thẳng, các địa phương thực hiện lấy nước vào ruộng lúa theo quy trình “nông - lộ - phơi” để lúa bám rễ khỏe, chống đổ ngả về sau. Thời điểm này, lúa gieo thẳng lên 3 - 4 lá, bà con có thể bón nhử sớm với lượng đạm từ 2 - 3kg/sào. Với diện tích lúa cấy, các địa phương tập trung tuyên truyền nông dân bón thúc sớm với phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối”. Bón thúc lần 1 với lượng phân từ 7 - 8kg/sào phân NPK chuyên thúc, bón thúc lần 2 ngay sau lần 1 khoảng 10 ngày để lúa phát triển tập trung. Cùng với chăm sóc, các HTXNN và nông dân tăng cường đánh bắt chuột bằng nhiều biện pháp; kết hợp quây nilon quanh ruộng ngăn ngừa chuột phá hoại lúa non; rắc thuốc xử lý ốc bươu vàng ở những ruộng có mật độ ốc cao.

Lúa cấy trà sớm để trồng cây dưa lê hè nên các cánh đồng xã Song An đã trải rộng một màu xanh mướt của lúa non. 

Trên cánh đồng thôn Tân An, cùng với rất đông nông dân khác, bà Phạm Thị Mùi tiến hành tỉa dặm, bón phân, cắt cỏ bờ cho ruộng lúa nhà mình. 

Bà Mùi chia sẻ: Thửa ruộng này gia đình tôi dự kiến trồng dưa lê hè nên cấy sớm từ ngày 25 tháng Chạp với giống lúa Hương thơm. Hiện lúa lên đều, đẹp, đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Tháng Giêng thường bận nhiều lễ hội, đình đám nhưng theo khuyến cáo của HTXNN xã, tôi không dám lơ là, chủ quan mà tập trung tỉa dặm, bón thúc sớm để lúa phát triển tốt. Hiện tôi sử dụng phân chuyên thúc NPK Việt Nhật với lượng 10kg/sào để bón, dự kiến 10 ngày sau sẽ bón toàn bộ lượng phân thúc còn lại... 

Kề bên thửa ruộng của gia đình bà Mùi là ruộng của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc. Tỉ mỉ nhìn kỹ từng hàng lúa, bà Ngọc chia sẻ: Mặc dù tôi đã rắc thuốc diệt trừ ốc bươu vàng nhưng ruộng vẫn nhiều ốc. Nhìn ốc bươu vàng cắn hại nhiều khóm lúa non rất xót xa, nên cố gắng đi dò xét từng hàng lúa để bắt ốc thủ công… 

Ông Nguyễn Văn Kiểm, Giám đốc HTXNN xã Song An cho biết: Bón thúc sớm, tập trung sẽ góp phần quan trọng nâng cao năng suất lúa, vì vậy, HTX hướng dẫn nông dân không bón lai rai mà bón thúc tập trung, chỉ sử dụng các loại phân NPK chuyên thúc có đủ thành phần đạm, lân, kali với lượng từ 8 - 10kg/sào. HTX cung ứng đầy đủ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ bà con chăm sóc, bảo vệ lúa; chỉ đạo tổ nông giang thường xuyên vận hành các trạm bơm để bảo đảm nước tưới cho lúa. Ngoài ra, chúng tôi đang theo dõi sát sao đồng ruộng để phòng, trừ sâu bệnh phát sinh.

Bà Phạm Thị Bích Liên, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vũ Thư cho biết: Thời tiết đầu vụ xuân năm nay nền nhiệt độ và độ ẩm cao, rất phù hợp, tạo thuận lợi cho lúa sinh trưởng, phát triển, tuy nhiên cũng tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Qua kiểm tra đồng ruộng, chúng tôi phát hiện bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên diện tích lúa cấy sớm, ở một số giống nhiễm như BC15, nếp, TBR225 của một số địa phương như Phúc Thành, Song An, Xuân Hòa, Hiệp Hòa. Trên lúa gieo vãi ở các chân ruộng khô cạn, thiếu nước lúa bị bệnh tuyến trùng gây hại bộ rễ với tỷ lệ từ 5 - 10% diện tích. Ngay khi phát hiện các bệnh trên lúa xuân đầu vụ, chúng tôi đã phối hợp với các HTXNN tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn khi tỷ lệ lúa nhiễm bệnh từ 30 - 35% trở lên; dùng vôi bột rắc trực tiếp trên ruộng nhiễm, đồng thời phải bảo đảm đủ nước tại ruộng để xử lý lúa bị bệnh tuyến trùng. Cùng với phòng, trừ bệnh đạo ôn và tuyến trùng, Trạm phối hợp với các HTXNN tuyên truyền nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các loại sâu bệnh khác có thể phát sinh, tránh lây lan thành dịch, bảo vệ an toàn lúa xuân ngay từ đầu vụ.

Quỳnh Lưu