Chủ nhật, 24/11/2024, 16:10[GMT+7]

Hưng Hà tập trung chăm sóc lúa xuân

Thứ 5, 15/03/2018 | 08:50:39
697 lượt xem
Đến cuối tháng 2/2018, nông dân các địa phương ở Hưng Hà đã hoàn thành việc gieo cấy, bắt đầu chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ lúa xuân.

Nông dân Hưng Hà chăm sóc lúa xuân.

Vụ xuân năm 2018, xã Dân Chủ gieo cấy 275ha lúa, bằng các giống lúa ngắn ngày và thực hiện phương thức cấy mạ non nền đất cứng, gieo vãi, sạ hàng. 

Theo ông Đinh Văn Sâm, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Dân Chủ: Để gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ, HTX đã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân lấy nước đổ ải và làm đất xong 100% diện tích  theo đúng kế hoạch. Sau cấy, nông dân địa phương tập trung chăm sóc lúa xuân, đặc biệt trước tình hình một số diện tích lúa gieo vãi bị chuột phá hoại, địa phương đã phát động chiến dịch diệt chuột với sự tham gia tích cực của các hội, đoàn thể, góp phần bảo vệ lúa xuân. Nông dân trong xã cũng đã tiến hành bón thúc, làm cỏ, tỉa dặm để lúa phát triển đồng đều.

Bà Đỗ Thị Lê, xã Văn Cẩm cho biết: Vụ xuân năm nay gia đình gieo cấy 5 sào lúa. Ngay khi kết thúc gieo cấy, để lúa phát triển tốt, gia đình thường xuyên thăm đồng, tiến hành làm cỏ, bón thúc lúa và giữ nước vừa đủ để cây lúa đẻ nhánh tối đa. Bên cạnh đó còn tiến hành diệt trừ ốc bươu vàng và diệt chuột để bảo vệ lúa. 

Được biết, để lúa xuân phát triển tốt, nông dân xã Văn Cẩm đã sớm chuyển trọng tâm sang bảo vệ, chăm sóc lúa với nhiều biện pháp như làm cỏ, sục bùn, bón phân để giúp cho bộ rễ lúa phát triển tốt, đồng thời chủ động phòng, trừ chuột, bắt ốc bươu vàng... Trước đó, để gieo cấy lúa trong khung thời vụ thích hợp, nông dân trong xã cũng đã tập trung lấy nước vào ruộng, huy động máy cày đẩy nhanh tiến độ làm đất. HTX cũng chủ động nguồn giống, phân bón cung ứng cho nông dân. Tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp cho hội viên nông dân.

Để bảo đảm cho sản xuất vụ xuân, nhất là việc tưới, tiêu, xã Hồng Lĩnh đã triển khai kế hoạch làm thủy lợi nội đồng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, đồng thời phát động ngày ra quân làm thủy lợi nội đồng. Với tinh thần lao động hăng hái, cán bộ, nhân viên, giáo viên, người lao động và nhân dân địa phương đã nạo vét, dọn cỏ bờ vùng, bờ thửa hàng nghìn mét mương máng nội đồng, vệ sinh đồng ruộng, tạo thuận lợi tưới, tiêu cho trên 300ha đất nông nghiệp của xã. Cùng với bảo đảm thủy lợi, nông dân trong xã cũng tích cực chăm sóc, bảo vệ lúa xuân với nhiều biện pháp như bón thúc, làm cỏ, tỉa dặm, diệt ốc bươu vàng…

Sau tết Nguyên đán, thời tiết khá ấm áp đã tạo điều kiện cho gần 11.000ha lúa xuân trong huyện phát triển tốt. Hiện nay, diện tích lúa xuân cấy trà sớm đang trong giai đoạn đẻ nhánh, lúa cấy đại trà đang bén rễ hồi xanh. 

Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các HTX SXKD DVNN điều tiết nước bảo đảm phục vụ đủ nước tưới cho lúa phát triển tốt. Phòng cũng chỉ đạo các HTX hướng dẫn nông dân đối với diện tích lúa cấy, tiến hành bón thúc lúa bằng các loại phân NPK chuyên thúc, lần 2 bón sau lần 1 khoảng 10 - 15 ngày. Bón thúc sớm, bón tập trung, bón nặng đầu nhẹ cuối, bón tăng lượng kali cho các giống có tiềm năng năng suất cao. Bên cạnh đó,  cần duy trì mực nước nông trên ruộng, tạo điều kiện tối đa cho lúa đẻ nhánh. Đối với diện tích lúa gieo sạ, sau gieo cần giữ ẩm mặt ruộng vừa giữ ẩm cho lúa, vừa diệt cỏ dại và giúp lúa nhanh bén rễ. Khi cây đạt 2,5 - 3 lá thật đưa nước láng chân, bón nhử bằng NPK chuyên thúc và tỉa dặm bảo đảm mật độ thích hợp. Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh tiến hành chăm bón như lúa cấy. Với những diện tích lúa cấy sâu, lúa bị nghẹt rễ cần khuyến cáo nông dân làm cỏ, sục bùn, thay nước... để giúp cho bộ rễ phát triển mạnh. 

Vì thời tiết đầu vụ xuân có nền nhiệt độ và độ ẩm cao, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại, do đó Trạm Bảo vệ thực vật huyện thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm sâu bệnh để có biện pháp xử lý không để lây lan ra diện rộng, bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân. 

Để chủ động trong công tác phòng bệnh gây hại lúa xuân, các địa phương hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra, phát hiện các đối tượng rầy các loại, đặc biệt là rầy lưng trắng để phun trừ kịp thời tránh lây lan ra diện rộng, góp phần bảo đảm an toàn, giành vụ xuân thắng lợi.

Ngọc Mai